Đến Tây Nguyên khám phá khói nước giữa rừng hoang sơ
Đang lúc mùa khô tháng 3 Tây Nguyên, những hàng cây rừng đặc dụng ngay bên trong cánh cổng thác Dray Sap nhờ được bảo vệ khá hữu hiệu nên đã thực hiện vai trò điều hòa nhiệt độ, tạo quang cảnh môi trường hài hòa. Đây rồi một vài cây rừng bung hoa đỏ vươn lên khoảng trời ngập nắng, nằm xen giữa các cây rừng cổ thụ, có cây gốc sần sùi, đến gần cảm nhận mùi hương vỏ cây tỏa ra thơm ngát. Đường đi vào đến chân thác Dray Sap gập ghềnh những bờ đá tự nhiên, nhiều kích thước, hình khối lạ mắt. Đá màu nâu đen, màu của miệng núi lửa phun trào nung lên từ hàng triệu năm trước. Ngồi trên tảng đá ngắm những dòng thác cuộn mình đổ xuống từ trên cao, nước tung bọt tạo thành những tầng khói trắng trên mặt nước hồ như còn hoang sơ giữa khu rừng đặc dụng hùng vĩ. Một người đàn ông lái xe chuyên nghiệp đưa khách du lịch từ thành phố Buôn Ma Thuột đến đây nói rằng, những người cuối tuần, khách đến ngắm khói trắng bay lên từ thác Dray Sap rất đông, trong đó chiềm đến 20- 30% là khách du lịch quốc tế. Họ đến hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, nghe suối reo, thác đổ và đắm mình vào những câu chuyện huyền thoại thấm đẫm giá trị nhân văn của Tây Nguyên đại ngàn.
Rời thác Dray Sap, phóng viên đi thêm hơn 7 cây số nữa là đến thác Gia Long cũng rất tuyệt vời với phong cảnh hùng vĩ. Ấn tượng của phóng viên lần đầu vào cửa rừng đặc dụng với không gian rợp mát cây xanh hai bên đường nhựa. Thác Gia Long dạt dào tuôn chảy, nhưng luôn giữ lại bên mình những ký ức của vua Gia Long đi săn, ngoạn cảnh và cùng đoàn mỹ nữ vui đùa giữa rừng. “Dưới dòng nước trong xanh của thác nước Gia Long, quý khách có thể tận hưởng tất cả những gì tuyệt với nhất của núi rừng Tây Nguyên…”, phóng viên lội xuống bờ suối thác Gia Long, khua nước trên tay, chân, đưa lên ướt sũng đầu tóc, khuôn mặt, quả thực được tận hưởng một trong tất cả “những gì tuyệt vời nhất của nùi rừng Tây Nguyên” nơi này…/.