Đến với làng du lịch cộng đồng Kon Pring
Từng nhiều lần đến Khu du lịch sinh thái Măng Đen và làng Kon Pring cách trung tâm huyện lỵ Kon Plông chừng 3 cây số, song lần này trở lại, nhóm bạn bè của anh Trần Lâm ở thành phố Kon Tum không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo đổi thay mới mẻ ở khu dân cư này. Đoạn đường từ chỗ rẽ bên Quốc lộ 24 vào làng được nâng cấp thuận tiện. Những nếp nhà đơn sơ phong quang, sạch sẽ.Nhà Rông uy nghi cao đẹp như tươi mới hơn.
Nữ hướng dẫn viên du lịch duyên dáng Thùy Trang được nhiều người yêu mến ngày nào giờ đã tự tin trong cương vị Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen, tuy còn không ít khó khăn nhưng đã nhanh chóng đi vào hoạt động, không chỉ vì mục tiêu kinh doanh và hội nhập của mình mà còn đảm nhận thêm nhiệm vụ được chính quyền địa phương gửi gắm là “bà đỡ” cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương bước đầu làm quen với du lịch cộng đồng.
“Còn mới mẻ lắm, song nhờ sự quan tâm sâu sát của UBND huyện và xã Đăk Long nên làng du lịch cộng đồng Kon Pring đã được hình thành, là mô hình mẫu tổ chức cho đồng bào địa phương làm du lịch và liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp với người dân để cùng phát triển.” - Thùy Trang cho hay.
Làng Kon Pring được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính và dân số xã Măng Cành (cũ) trên tổng diện tích tự nhiên 700 ha, 66 hộ với 220 nhâu khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Mơ Nâm sống chủ yếu nhờ trồng cấy lúa nước và làm nương rẫy.
Già A Rôi, một trong số lão làng có uy tín tự hào rằng, trải qua không ít thăng trầm, người làng vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống. “Đẹp nhất, hay nhất, vui nhất là những lễ hội. Lễ mừng nhà Rông mới này, mừng lúa mới này, lễ làm chuồng trâu, sửa chuồng trâu này...Cả làng không thiếu một ai. Đánh chiêng, múa xoang suốt ngày suốt đêm không biết mệt không biết chán...”- Già A Rôi bộc bạch.
Cùng với cồng chiêng-xoang, Kon Pring vẫn còn lưu giữ nét đẹp nhà Rông, nhà sàn, đan lát mây tre, làm rượu cần, nấu nướng các món ăn dân tộc..., lại rất thuận lợi vì ở gần trung tâm Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen và sở hữu cảnh quan thiên nhiên đặc trưng, hữu tình với đồi núi, rừng cây, sông suối hài hòa… Đó chính là sức hút rất riêng, là yếu tố quyết định để khu dân cư này được chọn làm điểm xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng của huyện Kon Plông.
Bằng các nguồn vốn huy động, thời gian qua, huyện Kon Plông đã đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất- đời sống gắn với du lịch tại đây. Không chỉ ưu tiên đảm bảo hoàn thiện mạng lưới giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt, điểm trường học…, nhà Rông của làng được quan tâm khôi phục theo lối kiến trúc truyền thống của người Mơ Nâm. Để chuẩn bị hình thành làng du lịch cộng đồng, xã Đăk Long và Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen đại ngàn đã phối hợp tổ chức cho một số bà con đi tham quan, tìm hiểu, học hỏi mô hình du lịch cộng đồng tại các tỉnh Tây Bắc và Quảng Nam.
Triển khai Đề án Phát triển du lịch cộng đồng làng Kon Pring với tổng kinh phí hơn 03 tỷ đồng, bước đầu, huyện đã hỗ trợ Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen đại ngàn và hai hộ dân 1 tỷ 50 triệu đồng xây dựng nhà sàn truyền thống theo hình thức “homestay” để đón khách lưu trú và trưng bày giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc.
Chị Y Lim được hỗ trợ xây dựng, đưa homestay vào hoạt động, phấn khởi cho biết: “Đã được tham quan mấy nơi rồi, thấy bà con làm du lịch bài bản lắm. Rất là mừng và tự hào vì làng mình còn khó khăn nhưng khách gần khách xa vẫn tìm tới, vẫn yêu vẫn quý dân làng. Nhà mình có gì, đưa ra đón khách hết.Cơm lam gà nướng, rau rừng, bắp chuối, măng non, rượu ghè…”. Đặc biệt,già trẻ nhiệt tình đánh cồng chiêng, múa xoang, hát giao duyên, giao lưu văn nghệ dân gian cùng du khách nữa. Khách đi, khách còn nhớ, lần sau lại về…
Phát huy những điều kiện hiện có, đầu tháng 11/2018, làng du lịch cộng đồng Kon Pring đã chính thức đi vào hoạt động dưới sự điều hành của Ban quản lý Du lịch cộng đồng làng do một phó chủ tịch UBND xã Đăk Long làm trưởng ban.
Trước mắt, mặc dù phải tập trung ổn định nề nếp, định hình hoạt động và thương hiệu sản phẩm du lịch; song kết quả bước đầu xây dựng làng Du lịch cộng đồng Kon Pring sẽ là kinh nghiệm thực tế để huyện Kon Plông hoàn thiện, làm cơ sở nhân rộng mô hình trên địa bàn trong thời gian tới; góp phần phát triển du lịch tương xứng với định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Kon Tum./.