Đến xứ sở các miệng núi lửa cổ xưa của Việt Nam
Tuy miệng núi lửa đã phủ xanh câu cỏ, hình dáng của miệng núi lửa vẫn rõ nét
Gia Lai là một tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch khá phong phú, đa dạng với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thắng cảnh đẹp… là sự hòa hợp của hệ thống sông suối xen lẫn núi đồi, ao hồ, ghềnh thác và những khu rừng nguyên sinh.
Cùng với nền văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào dân tộc địa phương, mà chủ yếu là Jrai, Bahnar thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, qua lễ hội truyền thống, y phục và nhạc cụ, … Đặc biệt “Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Dưới chân núi lửa, người dân trồng trọt, cây phát triển rất tốt
Các loại củ, quả đều phát triển mạnh
Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất ở đây so với các nơi khác là Gia Lai được các nhà khoa học xem là “xứ sở của các miệng núi lửa” cổ xưa, với hơn 30 miệng núi lửa tồn tại ở dạng cổ âm (chìm phía dưới) và cổ dương (nổi trên mặt đất) được phát hiện trong quá trình khảo sát.
Đầu tiên phải kể đến núi lửa Chư Đăng Ya, núi này cách cách Pleiku khoảng 30km, đây là ngọn núi lửa đã tắt, được thế giới đánh giá là một trong số 10 ngọn núi lửa ấn tượng nhất thế giới. Núi thuộc xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, vào mùa hoa dã quỳ địa phương đều tổ chức lễ hội, lúc đó một con đường nhỏ được mở ra lên đỉnh cao nhất của Chư Đăng Ya, vòng qua miệng núi, sau đó đi xuống trong thảm hoa dã quỳ vàng rực.
Núi lửa ở Gia Lai giúp phát triển du lịch tại đây
Theo những người dân ở đây, dã quỳ ở Gia Lai chỗ nào cũng có, cũng nhiều nhưng không đâu lại dày, đẹp và độc đáo như núi lửa Chư Đăng Ya.
Nhiều du khách rất thích thú với lễ hội hoa dã quỳ nơi đây, họ được đi bộ trong lòng núi lửa, trên một miệng vực tựa như sân đấu trung cổ La Mã, bằng trũng ở giữa và các vách núi xung quanh vuốt lên dựng đứng.
Xung quanh miệng núi chỉ có chỗ đường dẫn từ lòng núi ra nơi dòng nham thạch triệu năm cũ đổ xuống là thấp hơn so với xung quanh. Đây cũng đồng thời là đường đi vào miệng núi lửa.
Vào mùa khô, đất bazan ở Chư Đăng Ya rực lên màu đỏ gạch cua, ấn tượng hơn bất cứ cảnh quan địa chất nào trên thế giới.
Chỗ dòng nham thạch chảy xuống dưới hiện nay là cánh đồng của xã Chư Đăng Ya tiếp giáp với Biển Hồ (cũng là núi lửa, nhưng miệng âm, không nhô lên, hay còn gọi là núi lửa chìm).
Biển Hồ cũng là một miệng núi lửa
Giữa Biển Hồ có một khu đất nối dài, tại đây có tượng Phật
Nước trong Biển Hồ (hay còn gọi là hồ T’Nưng) lúc nào cũng trong xanh, là nguồn cấp nước cho người dân trong khu vực.
Theo các tài liệu lịch sử, địa lý, hồ chính là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm trước. T’Nưng trong tiếng của dân tộc Jrai có nghĩa là "biển trên núi". Bên cạnh đó, sự rộng lớn của hồ nước này tựa như biển khơi nên người dân địa phương đã đặt tên là Biển Hồ.
Biển Hồ luôn thu hút nhiều du khách đến tham quan
Du khách đến Gia Lai cũng không thể nào bỏ qua núi Hàm Rồng, đây là ngọn núi lửa dương, nổi trên mặt đất. Với độ cao 1.092m, vào sáng sớm, du khách đứng trên đỉnh núi sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp hiếm có ở nơi đây, mây nằm dưới chân, sương mù lẩn khuất khắp nơi, giống như chốn bồng lai tiên cảnh dưới trần gian.
Ở nhiều nơi tại Việt Nam cũng có núi cao, mây vờn dưới chân, nhưng điểm khác biệt khi bạn đặt chân đến đây, đó là bạn đang đứng trên miệng núi lửa để ngắm mây, cái khác biệt mà khó nơi nào có được.
Kỳ Phong