Hoạt động của ngành

Di sản Cần Thơ lan tỏa từ phát triển du lịch

Cập nhật: 10/05/2021 08:38:50
Số lần đọc: 938
Du lịch văn hóa đang là loại hình được nhiều địa phương trong cả nước khai thác và thành công. Ðó là thành công “kép” khi văn hóa bản địa được quảng bá và lan tỏa, đồng thời phát triển kinh tế du lịch địa phương. Cần Thơ cũng đã và đang khai thác tốt lợi thế về tài nguyên văn hóa, làng nghề truyền thống... để di sản và du lịch song hành.

Lễ hội Cầu an đầu năm mới ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng thu hút khách tham quan.

Phát huy tài nguyên văn hóa

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch được lãnh đạo thành phố chú trọng. Năm 2018, Thành ủy Cần Thơ ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố. UBND TP Cần Thơ cũng ban bành Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 16-7-2018 về bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn  hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020. Qua gần 3 năm thực hiện, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làng nghề truyền thống từng bước đi vào nền nếp, không chỉ góp phần lưu giữ, quảng bá những giá trị văn hóa mà còn là tài nguyên du lịch dồi dào, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay toàn thành phố có 36 di tích được xếp hạng (14 di tích cấp quốc gia và 22 di tích cấp thành phố); 1 công trình văn hóa tưởng niệm là Ðền thờ Châu Văn Liêm ở huyện Thới Lai. Cần Thơ có 5 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy, Hò Cần Thơ và Hát ru của người Việt ở Cần Thơ. Ngoài ra, Cần Thơ còn có 14 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia, hiện được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng thành phố.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay một số di tích đã được xếp hạng trên địa bàn thành phố từng bước trở thành điểm đến du lịch khi du khách có sự quan tâm tìm hiểu trong lịch trình tham quan, nghiên cứu, học tập. Ðiển hình như: Di tích quốc gia Chùa Ông (quận Ninh Kiều); Di tích quốc gia Ðình Bình Thủy, Di tích quốc gia Nhà thờ Họ Dương, Di tích quốc gia Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy); Di tích quốc gia Hiệp Thiên Cung (quận Cái Răng)… Ông Lê Văn Mười, Phó Ban Trị sự Ðình Bình Thủy, cho biết: Năm qua, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên lượng khách đến tham quan di tích có phần giảm sút nhưng trung bình mỗi ngày vẫn có vài chục lượt khách. Những năm trước, lượng khách mỗi ngày lên đến hơn 100 lượt, đặc biệt là các ngày lễ, Tết, cúng Kỳ yên, lượng khách rất đông. Lễ hội Kỳ yên Thượng điền Ðình Bình Thủy đã được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành điểm nhấn kết nối các doanh nghiệp lữ hành, giới thiệu đến du khách, thu hút trung bình khoảng 50.000 lượt khách hằng năm (trước khi có dịch COVID-19). Ông Ðỗ Khén, Phó Ban Quản trị Hiệp Thiên Cung (quận Cái Răng), cho biết: Từ khi Hiệp Thiên Cung được xếp hạng di tích quốc gia năm 2017, lượng khách tham quan tăng nhiều, trong đó có nhiều du khách nước ngoài, miền Bắc, miền Trung...

Cần Thơ cũng có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời, đang được các doanh nghiệp du lịch khai thác, liên kết. Ðơn cử có làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy), làng nghề hủ tiếu (quận Ninh Kiều), làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, làng nghề đan lưới Thơm Rơm (quận Thốt Nốt)... Mấy mươi năm qua, làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ vẫn luôn tươi sắc hoa quanh năm. Ông Ðoàn Hữu Bốn, Giám đốc Hợp tác xã hoa kiểng Bình An, Phó Chủ nhiệm Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, cho biết: Ngày thường, bà con trồng bông cúc, vạn thọ để bán các dịp ngày Rằm, 30 âm lịch hằng tháng và các loại cây trong chậu, hoa kiểng văn phòng, trang trí nội thất. Vụ hoa Tết, có khoảng 220 hộ trồng, với hơn 660.000 giỏ hoa các loại. Theo ông Bốn, nhờ công tác truyền thông, quảng bá và kết hợp du lịch mà làng hoa ngày càng được nhiều người biết đến, hằng ngày vẫn có du khách đến ngắm làng hoa, mua hoa kiểng.

Khi di sản và du lịch song hành

Trong rất nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làng nghề được TP Cần Thơ triển khai thực hiện thời gian qua, việc phát triển du lịch và di tích theo hướng song hành thể hiện rõ lợi thế và hiệu quả.

Một điển hình cho sự song hành này là định kỳ hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND quận Thốt Nốt tổ chức Ngày hội vườn Trái cây Tân Lộc, tại Di tích cấp thành phố Ðình Tân Lộc Ðông. Mỗi lần tổ chức, ngày hội thu hút trung bình 40.000 lượt khách. Anh Nguyễn Duy Linh, người đam mê điền dã văn hóa Nam Bộ, cho biết: Ngày hội tổ chức ở đình hằng năm rất hay, không chỉ thu hút du khách mà còn là dịp để quảng bá văn hóa địa phương như di sản, ẩm thực, phong tục tập quán...

Toàn TP Cần Thơ hiện có khoảng 70 lễ hội, trong đó có khoảng 20 lễ hội truyền thống, diễn ra thường niên. Ngành Văn hóa và ngành Du lịch thành phố đã phối hợp với các địa phương xây dựng được một số tuyến du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, đơn cử là 4 tuyến chính: Tuyến Chợ nổi Cái Răng - Làng nghề hủ tiếu - Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam - Làng Du lịch Mỹ Khánh; Tuyến Chợ nổi Cái Răng - Nhà cổ Bình Thủy - Ðình Bình Thủy - Cồn Sơn; Tuyến Chợ nổi Cái Răng - Làng nghề hủ tiếu - Chùa Nam Nhã - Ðình Bình Thủy - Cù lao Tân Lộc; Tuyến Chùa Ông - Vườn trái cây Vàm Xáng - Cầu Cần Thơ - Chùa Pitu Khôsa Răngsây - Nhà lồng chợ Cần Thơ - Du thuyền Cần Thơ - Chợ đêm Ninh Kiều - Chợ nổi Cái Răng - Làng Du lịch Mỹ Khánh.

Du khách trải nghiệm làm hủ tiếu ở lò hủ tiếu Sáu Hoài, quận Ninh Kiều.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố cũng đã xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn kết với tham quan, tìm hiểu, giới thiệu làng nghề. Ðơn cử là tuyến du lịch Ninh Kiều - Cái Răng, tham quan các sản phẩm làng nghề như đan đát, dệt chiếu gắn kết tham quan Di tích Chùa Ông, Ðình Thường Thạnh... Tuyến du lịch Ninh Kiều - Bình Thủy - Ô Môn - Thốt Nốt, tham quan các sản phẩm làng nghề như hoa kiểng, bánh kẹo, bánh tráng, đan lưới, đan lọp, cơm rượu gắn kết tham quan Ðình Bình Thủy, Ðình Thới An. Tuyến du lịch Ninh Kiều - Cái Răng - Phong Ðiền, tham quan sản phẩm làng nghề như hoa kiểng, đan đát, bánh hỏi mặt võng, nem nướng Cái Răng gắn với tham quan Di tích quốc gia Hiệp Thiên Cung, khu di tích Chiến thắng Ông Hào, Giàn Gừa…

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố thời gian qua luôn được quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, đồng thời được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, phối hợp cùng chính quyền địa phương. Ðặc biệt, việc xây dựng các sản phẩm du lịch từ tài nguyên di sản văn hóa, làng nghề truyền thống ngày càng rõ nét. Một số di sản đã được xây dựng thành sản phẩm du lịch để vừa giới thiệu, quảng bá văn hóa, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc trưng của Cần Thơ như Ngày hội Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên Thượng điền Ðình Bình Thủy...

Tiếp tục bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025

Với nền tảng đã đạt được thời gian qua, UBND TP Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch đề ra những việc làm cụ thể, thiết thực cho 3 mảng chính là: bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch địa phương.

Mục tiêu chính của kế hoạch là tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.


Bài, ảnh: DUY KHÔI

 

 

 

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục