Đi trên con đường Hạnh Phúc - Hà Giang
Con đường Hạnh Phúc là tên Bác Hồ đặt cho tuyến quốc lộ 4C dài 185 km bắt đầu từ thành phố Hà Giang lên bốn huyện vùng cao gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Cậu phóng viên trẻ Báo Hà Giang đi cùng bảo: Con đường này được khởi công cách đây đúng 65 năm và 14 cô chú thanh niên xung phong đã mãi mãi nằm lại trên cao nguyên đá.
Du khách chụp ảnh trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng.
Trên đỉnh Mã Pí Lèng cách thị trấn Mèo Vạc không xa có một tấm bia, trên đó khắc: “Đường Hạnh Phúc Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Ngày khởi công: 10/9/1959. Ngày hoàn thành: 15/03/1965… Tham gia mở đường gồm cán bộ, công nhân, dân công các dân tộc tỉnh Hà Giang và hơn 1.500 thanh niên xung phong các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nam Định, Hải Dương… Toàn bộ tuyến đường thi công chủ yếu bằng sức người và công cụ thô sơ…”.
Sau Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, có lẽ đường Hạnh Phúc là công trình thu hút thanh niên trong cả nước xung phong tham gia nhiều nhất. Suốt 6 năm ròng, những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong đã “đội đá, vá trời”, vật lộn với thời tiết khí hậu vô cùng khắc nghiệt của vùng cao để phá núi mở đường. Và trong công cuộc phá núi mở đường có một không hai đó, nhiều người đã hy sinh. Đó là anh Đào Ngọc Phẩm quê ở Thái Nguyên, có vợ và 2 con nhưng vẫn xung phong lên Hà Giang nhập đội quân mở đường. Anh mất khi vươn người ra cứu 2 bố con người Mông đi chợ về bị trượt chân, đá bửa ra, anh rơi xuống vực. Hay câu chuyện về sự ra đi của anh Lương Quốc Chanh (19 tuổi), quê ở Cao Lộc, Lạng Sơn cũng khiến mọi người nhớ mãi. Làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, anh mắc bệnh hiểm nghèo. Biết mình không thể qua khỏi, anh đã khóc và dặn đồng đội tiếp tục phá đá, còn mình sẽ nằm lại bên đường.
Đoạn khó khăn nhất của tuyến đường chính là con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng từ Đồng Văn sang Mèo Vạc. Chuyện kể rằng, con đèo nổi tiếng với dốc cao dựng đứng này đã khiến những con ngựa cái leo chưa đến đỉnh đã trụy thai mà chết, những con ngựa đực chưa vượt qua đèo đã phải tắt thở. Vì vậy dân địa phương đã dùng cụm từ “Mã Pí Lèng”, nghĩa là “sống mũi con ngựa” để nói về sự hiểm trở của con đèo. Tuy chỉ có 21 km nhưng phải mất 2 năm trời, hàng trăm thanh niên xung phong đã thay nhau treo mình trên vách đá, giữa lưng chừng trời để đục từng thớ đá, đục từng lỗ mìn mới hoàn thành.
Để làm thức dậy một vùng đá xám hoang vu, nhiều người đã ví đường Hạnh Phúc là biểu hiện sức mạnh của con người trước thiên nhiên, là niềm tự hào của sức mạnh đoàn kết. Nếu đường Hồ Chí Minh là biểu tượng của lòng quả cảm, tinh thần yêu nước sâu sắc thì đường Hạnh Phúc là biểu tượng của tình đoàn kết các dân tộc, là lý tưởng, là chứng tích về lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam.
Những cung đường Hạnh Phúc.
Với trên 2 triệu ngày công, đục khoét gần 3 triệu mét khối đá, không có sự hỗ trợ của máy móc; chỉ bằng lao động thủ công với công cụ thô sơ: Cuốc, thuổng, búa, xà beng trong sự quấy nhiễu của thổ phỉ và thiếu thốn mọi mặt về vật chất, làm sao những con người bình dị ấy có thể chiến thắng được cả một biển đá sừng sững ? Chỉ có một câu trả lời: Đó là ý chí, là lòng quyết tâm cùng với niềm tin sắt đá vào tương lai và sức mạnh của chính mình mới có thể khiến đội ngũ thanh niên xung phong thành công khi chinh phục cao nguyên đá.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người nghiên cứu nhiều tài liệu về công trình phá núi mở đường Hạnh Phúc đã khẳng định, đó là con đường đạt nhiều kỷ lục nhất trong lịch sử làm đường ở nước ta: Thi công hoàn toàn bằng sức người; thi công gian khổ nhất, vượt qua vùng núi đá cao nhất, thời gian thi công lâu nhất, số ngày công nhiều nhất.
Tháng 9 này đánh dấu tròn 65 năm khởi công con đường Hạnh Phúc. Lịch sử của Hà Giang có thêm một trang vàng mới kể từ khi đường Hạnh Phúc được mở ra. Từ con đường Hạnh Phúc, hệ thống giao thông huyết mạch của tỉnh đã không ngừng phát triển, kết nối Hà Giang với các vùng miền trong cả nước. Nhiều đoàn công tác của tỉnh, của huyện xuống các bản tuyên truyền, thuyết phục đồng bào nhổ bỏ, không trồng cây thuốc phiện. Rồi cán bộ lại “ba cùng” với đồng bào để hướng dẫn họ trồng trọt, chăn nuôi làm ăn kinh tế... Hàng quán, phố xá theo đường mọc lên, trẻ con vùng cao tung tăng cắp sách tới trường.
Trên đường tới Cột cờ Lũng Cú, qua Quản Bạ, Yên Minh, tới dinh “Vua Mèo”…, chúng tôi gặp những em bé vùng cao hồn nhiên, lễ phép. Chúng theo bố mẹ đi làm du lịch, không chèo kéo du khách như những nơi khác mà vui tươi, thổi sáo tặng du khách giữa mây ngàn. Các nhà hàng ở phố cổ Đồng Văn, homestay ở làng H’Mông Mèo Vạc, cả những hàng quán ven đường, bên Cổng trời Quản Bạ… cũng mộc mạc, chân chất, không chặt chém, xô bồ…
Vẫn câu chuyện về con đường, lúc qua Mã Pí Lèng, cậu phóng viên trẻ Báo Hà Giang nói vui bảo, giờ Mã Pí Lèng không còn làm chết ngựa nữa mà không khác gì một “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam. Đoạn đường này đã được tỉnh mở mang tu sửa nhiều lần, nhiều đoạn được mở thành 2 làn đường, trở thành cung đường check-in lý tưởng của du khách mà không nơi nào có được.
Chúng tôi dừng chân ở đỉnh Mã Pí Lèng, bao quanh là Cao nguyên đá Đồng Văn, nhìn xuống là hẻm vực sông Nho Quế xanh thẫm, uốn lượn như một dải lụa mềm hun hút. Cảm giác nhiều lúc như được chạm tay vào sương mù, cảm được hơi lạnh của mênh mông đá, càng cảm phục, trân trọng những người phá đá mở đường để làm nên một con đường huyền thoại, đường Hạnh Phúc hôm nay.
Ghi chép của Hương Thu