Điện Biên: Phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch còn hạn chế
Ðiệu xòe truyền thống được các nghệ nhân và cộng đồng dân tộc Thái thực hiện trong hoạt động văn hóa diễn ra tại TP. Ðiện Biên Phủ năm 2019. Ảnh tư liệu
Từ đó, thêm nhiều kỳ vọng phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên để làm được điều đó vẫn còn là bài toán khó.
Ðể làm phong phú sản phẩm du lịch, những năm qua, tỉnh đã khai thác, phục dựng một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc như: Lễ Cầu mưa, lễ Tra hạt (dân tộc Khơ Mú), tết Té nước (dân tộc Lào), lễ Xên bản (dân tộc Thái), tết Hoa (dân tộc Cống), lễ Tạ ơn (dân tộc Kháng)... Ðồng thời phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, nhảy sạp, múa xòe cổ và các môn thể thao dân tộc như kéo co, tù lu, ném còn, tó má lẹ.. Việc khai thác các lễ hội, phong tục, tập quán, ẩm thực đã được gắn với Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Ðua thuyền đuôi én, Lễ hội Thành Bản Phủ, các sự kiện văn hóa - du lịch của tỉnh nhà, góp phần thu hút du khách lên với Ðiện Biên. Nhiều di sản văn hóa đã được đưa vào các lễ hội này với hình thức trưng bày, triển lãm, tái hiện, trình diễn, biểu diễn. Tuy nhiên so với kho tàng văn hóa truyền thống đồ sộ của các dân tộc thiểu số tỉnh nhà thì việc khai thác các yếu tố ấy trong phát triển du lịch vẫn còn khiêm tốn. Và với hầu hết du khách thì việc trải nghiệm đầy đủ không gian, nghi lễ, nét đẹp truyền thống ngay tại cộng đồng sẽ để lại ấn tượng sâu sắc, cuốn hút, tạo mong muốn được trở lại hơn là việc sân khấu hóa các nét đẹp ấy. Nhiều người làm du lịch nhận định rằng: Ngoài các lễ hội lớn quy mô cấp tỉnh, huyện đã nhắc ở trên, khách lên Ðiện Biên đúng dịp diễn ra lễ hội, nghi lễ truyền thống các dân tộc thường rất thích thú, sẵn lòng tham gia tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa. Nhưng nếu bảo chúng tôi có lễ này, hội kia của dân tộc nào đó diễn ra vào ngày, tháng này, mời các anh, chị đến tham dự thì hiếm có ai quan tâm. Bởi lẽ dù đặc sắc hay được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhưng các hoạt động văn hóa, lễ hội đó mới được tổ chức ở quy mô cộng đồng dân tộc, chưa khai thác được thành sản phẩm du lịch để khách trải nghiệm.
Cùng với đó, việc gắn các giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng tại địa bàn tỉnh chưa nổi bật. Toàn tỉnh hiện có 11 bản văn hóa có khả năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch, 4 mô hình du lịch homestay. Nhưng chủ yếu mới dừng lại ở phục vụ ẩm thực và văn nghệ, một số cơ sở có khách lưu trú nhưng ít. Việc tạo các trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống thường ngày của đồng bào các dân tộc còn nghèo nàn. Tinh thần cộng đồng trách nhiệm, cộng đồng làm du lịch và cùng hưởng lợi cũng rất hạn chế. Ðể khắc phục những tồn tại đó, nhiều lớp tập huấn về phục vụ khách, làm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng đã được tổ chức ở các huyện, thị, thành phố. Sắp tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tổ chức 1 đoàn khảo sát, học tập mô hình quản lý và kinh nghiệm tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng của một số tỉnh lân cận cho các hộ, cộng đồng có tiềm năng, nhu cầu phát triển loại hình du lịch này.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, 2 năm liền một số lễ hội lớn, đặc trưng của Ðiện Biên không tổ chức được, các nét đẹp văn hóa truyền thống vì thế cũng ít được phô diễn trước khách du lịch thập phương. Ðây là thời điểm chững lại của du lịch nhưng cũng có thể là thời gian nghỉ, đánh giá lại tồn tại, khó khăn, tiềm năng, thế mạnh, để từ đó chau chuốt, đầu tư phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng sao cho đúng hướng và hiệu quả.