Điện Biên phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Thiếu nữ Thái tham dự Lễ hội hoa ban, tỉnh Điện Biên. Ảnh: svhttdldienbien.gov.vn
Để phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV đã đề ra mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên nhanh và bền vững hơn.
Điện Biên có diện tích tự nhiên 9.562,9 km2, có đường biên giới dài 455,572 km. Tỉnh Điện Biên hiện có 35 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó 01 Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, 14 di tích cấp quốc gia, 20 di tích cấp tỉnh; 20 di sản văn hóa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, có hệ sinh thái Hồ Pá Khoang, Đảo hoa Anh đào, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, đèo Pha Đin huyền thoại, điểm cực Tây của Việt Nam - Ngã ba biên giới A Pa Chải, cao nguyên đá Tủa Chùa, hệ thống các hang động lớn, các điểm nước khoáng nóng, tinh khiết có trữ lượng lớn, các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, hấp dẫn của đồng bào 19 dân tộc…
Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: BTC
Tỉnh Điện Biên có dân số hơn 64,6 vạn người (năm 2023); gồm 19 dân tộc, trong đó: Dân tộc Mông chiếm 38,12%; dân tộc Thái 35,69%; dân tộc Kinh 17,38% phân bố tại 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; dân tộc Khơ Mú 3,30%; dân tộc Khơ Mú, chiếm 3,30%; Dân tộc Dao chiếm 1,11% dân số toàn tỉnh; Dân tộc Kháng chiếm 0,87% dân số toàn tỉnh. Với 19 dân tộc anh em cùng chung sống, tỉnh Điện Biên có một kho tàng di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể vô cùng đặc sắc.
Di sản văn hóa vật thể của Điện Biên là các thửa ruộng bậc thang gắn với hệ thống mương - phai - lái - lín (hệ thống tưới tiêu nổi tiếng của dân tộc Thái và các dân tộc vùng Tây Bắc); không gian văn hóa của các bản làng nằm ở thung lũng ven núi, những mái nhà sàn cao ráo, thoáng mát được trang trí bởi khau cút (biểu tượng trên nóc nhà đầu hồi cửa chính của người dân tộc Thái) đa dạng về kiểu dáng. Ở khu vực rẻo cao của huyện Điện Biên Đông, huyện Tuần Giáo, người Mông khéo léo dựng các nếp nhà trình tường có kiến trúc độc đáo bằng đất, phù hợp với điều kiện khí hậu vùng rẻo cao. Ở vùng biên giới giáp Lào, các bản của người Khơ-mú với các nếp nhà nằm sát cạnh nhau. Mỗi nếp nhà, mỗi phong tục đã góp phần làm nên một Điện Biên giàu bản sắc văn hóa các tộc người.
Khách quốc tế trải nghiệm tại Không gian văn hóa vùng cao. Ảnh: BTC
Điện Biên cũng có một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, như các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian… thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của cư dân vùng núi rừng, biên cương. Trong đó, nhiều di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên, Tết Nào Pê Chầu của người Mông đen (bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng), Lễ hội đền Hoàng Công Chất (Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên), Lễ Tủ Cải (Lễ đặt tên âm - tên thứ hai cho người con trai đã trưởng thành) của người Dao Quần Chẹt (bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa)…
Sự phong phú của hệ thống di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên một mặt tạo nên một không gian văn hóa Điện Biên vô cùng đặc sắc, mặt khác đóng góp quan trọng vào sự đa dạng của văn hóa cho sự phát triển của du lịch Điện Biên.
Trong những năm gần đây, với sự quan tâm của chính quyền các cấp cùng sự vào cuộc của người dân nên công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa ở tỉnh Điện Biên đã có nhiều bước tiến quan trọng. Cụ thể như tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, khoanh vùng, cắm mốc, trùng tu, tôn tạo các di tích; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa; mở các lớp đào tạo, bảo tồn tiếng dân tộc; tổ chức các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, nghệ thuật cổ truyền…
Khai mạc Năm Du lịch quốc gia và Lễ hội Hoa Ban Điện Biên. Ảnh: TITC
Đặc biệt năm 2024, tỉnh Điện Biên đăng cai tổ chức Năm Du lịchQuốc gia với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận”. Đây là dịp để Điện Biên khẳng định vị thế, hình ảnh du lịch địa phương trên bản đồ du lịch. Chương trình Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 gồm 169 chương trình, sự kiện, trong đó, 13 chương trình, sự kiện cấp quốc gia do các Bộ, ban, ngành Trung ương chủ trì tổ chức; 28 chương trình, sự kiện, hoạt động do tỉnh Điện Biên chủ trì tổ chức; 128 sự kiện, hoạt động hưởng ứng do 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức.
Các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 có nhiều chương trình, sự kiện có quy mô lớn, đặc sắc, tạo dấu ấn đặc biệt được tổ chức thành công tốt đẹp như: Lễ khai mạc Năm Du lịch gắn với tổ chức Lễ hội Hoa Ban năm 2024, với chủ đề: “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận”, Chương trình nghệ thuật đặc biệt và bắn pháo hoa nổ tầm cao được tổ chức vào tối ngày 06/5/2024 tại Quảng trường 7-5; Lễ diễu binh, diễu hành và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức vào sáng ngày 07/5/2024 tại Sân vận động tỉnh Điện Biên; Hội chợ Công Thương khu vực Tây Bắc - Điện Biên 2024; các giải đua xe đạp, giải chạy marathon; Liên hoan Ẩm thực toàn quốc - Điện Biên 2024, Hội chợ Du lịch Tây Bắc - Điện Biên năm 2024 được tổ chức vào tháng 11 vừa qua. Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ Bế mạc “Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024” vào ngày 26/12/2024, tại thành phố Điện Biên Phủ.
Giai điệu vòng xòe của người Thái tại Lễ khai mạc Năm DLQG. Ảnh: TITC
Việc đăng cai và tổ chức tốt các hoạt động du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) đã tạo hiệu ứng lan toả rất tích cực, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực trong đầu tư phát triển, xây dựng các sản phẩm mới, hấp dẫn, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Kết quả 10 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến tỉnh Điện Biên ước đạt 1.616.300 lượt (đạt 124,3% so với kế hoạch, tăng 1,88 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó khách du lịch quốc tế đạt 9.746 lượt (đạt 4,9% so với kế hoạch, tăng 1,48 lần so với cùng kỳ năm 2023); tổng thu từ khách du lịch đạt 2.924,38 tỷ đồng (đạt 132,9% so với kế hoạch năm, tăng 1,95 lần so với cùng kỳ năm 2023). Kết quả này cũng là minh chứng khẳng định rõ nét cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Điện Biên sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trung tâm Thông tin du lịch