Tin tức - Sự kiện

Liên kết hợp tác phát triển du lịch Cụm phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 30/11/2024 11:02:19
Số lần đọc: 55
(TITC) -  Ngày 29/11/2024 tại Phú Quốc, Kiên Giang đã diễn ra Lễ Tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Cụm phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng Cụm thi đua các Sở Du lịch khu vực phía Nam năm 2024. Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy tham dự và phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Trung Hồ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch biển, đảo, sinh thái với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, cảnh đẹp hoang sơ hấp dẫn. Địa hình đa dạng, bờ biển dài là điều kiện tốt để mở rộng giao lưu kinh tế, du lịch với các tỉnh, thành trong nước và một số nước trong khu vực.

Trong những năm qua, Kiên Giang đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư, tăng cường liên kết hợp tác với các tỉnh/thành trong và ngoài nước, đặc biệt là các tỉnh/thành Cụm phía Tây ĐBSCL để phát triển cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển du lịch ban đêm, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Kiên Giang năm 2024 đạt hơn 9,8 triệu lượt, tăng 15,6% so với cùng kỳ, trong đó có gần 980 ngàn khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 25 ngàn tỷ đồng, tăng 43,8% so với cùng kỳ. Với kết quả đó Kiên Giang đứng đầu Cụm phía Tây và chiếm khoảng 27,5%/tổng lượng khách của cụm.

Năm 2024, các tỉnh/thành Cụm phía Tây ĐBSCL đón hơn 35,8 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 10,5% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế hơn 1,4 triệu lượt, tăng hơn 50,9% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 51 nghìn tỷ đồng, tăng 40,1% so với cùng kỳ.

Ông Lê Trung Hồ cho biết thêm, Cụm hợp tác phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL được hình thành từ năm 2009 với 4 tỉnh/thành phố là An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ, đến nay đã thêm Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang cùng tham gia. Những năm qua, lĩnh vực du lịch đã được các địa phương quan tâm, nhiều khu/điểm du lịch được quy hoạch, các dự án du lịch được đầu tư mới đã góp phần tích cực vào sự phát triển du lịch chung của cụm.

Để thực hiện tốt hơn nữa chương trình liên kết hợp tác du lịch, góp phần từng bước phục hồi và phát triển du lịch của các địa phương trong thời gian tới. Ông Lê Trung Hồ mong muốn, thông qua hội nghị này sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu để khai thác có hiệu quả các điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho mỗi địa phương, hình thành các tuyến du lịch chung để cùng khai thác và phát triển bền vững.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp chia sẻ các cách làm hay, sáng kiến tốt; giới thiệu các sản phẩm du lịch mới, các sự kiện, lễ hội, chương trình kích cầu thu hút khách du lịch. Đồng thời các đại biểu đã trao đổi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng dữ liệu, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào du lịch…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BTC

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết: Năm 2024 đang khép lại, dự báo nhiều chỉ tiêu phát triển du lịch Việt Nam “về đích” và vượt kế hoạch. Tính đến hết tháng 11/2024, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 16 triệu lượt, khách nội địa đạt 106 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 700 nghìn tỷ đồng. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động ở hầu khắp các điểm đến trong cả nước, thể hiện rõ nét sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam.

Đóng góp vào thành công chung đó có vai trò quan trọng của công tác liên kết phát triển du lịch. Ngày nay, liên kết là một yêu cầu khách quan, giúp mở rộng không gian, phát huy thế mạnh của các địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi thế cạnh tranh, huy động nguồn lực, tạo sức mạnh quảng bá, xúc tiến điểm đến chung, thu hút đầu tư, thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội liên địa phương, liên vùng.

Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết, tại hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” diễn ra vào tháng 11 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Để phát triển Du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần “Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững”. Thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn, hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch. Chỉ đạo này đã được cụ thể hóa tại Chỉ thị số 08/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/02/2024 và đã được triển khai tới toàn bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thay mặt Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy chúc mừng và đánh giá cao sự chủ động phối hợp, liên kết giữa các địa phương khu vực ĐBSCL, đặc biệt là các tỉnh thuộc Cụm phía Tây trong hợp tác phát triển du lịch, đã tích cực triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về liên kết, phát triển du lịch nhanh, bền vững.

Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy khẳng định, kết quả đạt được hôm nay không những góp phần nâng cao vị thế của du lịch Cụm phía Tây  ĐBSCL mà còn tạo ra động lực phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện đời sống của người dân trong vùng và minh chứng cho nỗ lực, quyết tâm, sự đồng thuận của các tỉnh trong cụm. Bên cạnh đó, công tác thi đua, khen thưởng đã phát huy vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các tập thể và cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những tấm gương tiêu biểu được vinh danh hôm nay chính là hình mẫu tiêu biểu, truyền cảm hứng để phong trào thi đua ngày càng lan tỏa sâu rộng.

Để việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn, có hiệu quả hơn nữa các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các tỉnh trong Cụm phía Tây vùng ĐBSCL, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm du lịch mà còn trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thương mại và xúc tiến du lịch, tạo ra "chuỗi giá trị du lịch" thống nhất, từ đó giúp gia tăng sức hấp dẫn của du lịch khu vực. Tăng cường quan hệ hợp tác công - tư giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp, thực hiện theo cơ chế thị trường, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; Cụm liên kết và mỗi địa phương xây dựng cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư chiến lược đầu tư cho phát triển du lịch.

Xây dựng mô hình, phương thức phát huy nguồn lực tổng hợp, mà trước hết là của các thành viên liên kết, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch vùng và địa phương trên nhiều nền tảng. Mở rộng thị trường nội địa, kết nối với các trung tâm du lịch lớn. Huy động hiệu quả sự tham gia của doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia và địa phương hướng tới thị trường khách quốc tế. Ưu tiên triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng chiến dịch "Người Việt du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu" đã được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam định hướng triển khai tại các địa phương.

Đồng thời tăng cường hợp tác quản lý môi trường du lịch tại các điểm du lịch, khu du lịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; Bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách để “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.

Phó Cục trưởng đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch triển khai thực hiện có hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác đã ký kết; phát triển chuỗi các sản phẩm du lịch sáng tạo đổi mới, chất lượng cao, tích hợp nhiều tiện ích, trải nghiệm thú vị dành cho du khách. Đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí sát cánh, đồng hành giới thiệu sản phẩm du lịch, quảng bá các chương trình du lịch cụ thể, góp phần đưa khách đến Kiên Giang, các tỉnh trong Cụm liên kết phía Tây; góp ý, hiến kế với các địa phương trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng điểm đến.

Về phía Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Phó Cục trưởng cho biết: trong thời gian tới sẽ tập trung tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đổi mới, hoàn thiện cơ chế liên kết hợp tác phát triển du lịch, đặc biệt thúc đẩy các liên kết hợp tác công-tư; đồng hành cùng các địa phương để tháo gỡ khó khăn, đưa công tác liên kết ngày càng hiệu quả, bền vững.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 29/11/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT