Hoạt động của ngành

Điện Biên: Phát huy giá trị di tích xứng tầm với lịch sử

Cập nhật: 03/03/2022 05:14:18
Số lần đọc: 683
Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ (sau đây gọi là Di tích) được xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt quan trọng từ năm 2009, là bằng chứng lịch sử về chiến thắng lừng lẫy của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.  


Bởi vậy công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích luôn được các cấp từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức, cá nhân, nhân dân cả nước quan tâm, tạo điều kiện thực hiện. Nhiều hoạt động đang được tham mưu, triển khai để khắc phục những hạn chế hiện có, gìn giữ lâu dài và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch tỉnh.

Du khách tham quan di tích đồi A1.

Di tích hiện có 45 điểm di tích thành phần. Hiện nay, mới chỉ có 6/45 điểm di tích được đưa vào phục vụ khách tham quan. Những năm qua, dù đã được quan tâm nhưng do nguồn lực còn hạn chế nên công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo chưa đồng bộ, đầy đủ và chưa tương xứng với ý nghĩa và tầm vóc lịch sử. Cụ thể, Di tích chưa có quy hoạch tổng thể, nhiều điểm chưa được cắm mốc, định vị; một số điểm di tích còn có hộ dân sinh sống; phần lớn môi trường cảnh quan khu di tích chưa được khôi phục; chưa thể hiện được bối cảnh chiến trường xưa, thiếu các vị trí liên quan đến chiến dịch... Một số di tích đã được đầu tư tôn tạo nhiều lần song cũng chưa hoàn chỉnh, vì vậy không thể hiện rõ nét toàn cảnh chiến trường, diễn biến các cuộc giao chiến khốc liệt.

Trước thực trạng và yêu cầu đặt ra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 8/7/2020 phê duyệt “Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030”. Thực hiện Quyết định này, hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang triển khai nhiều dự án liên quan. Ông Nguyễn Anh Đạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh (QLDT), Sở VHTTDL cho biết: “Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban QLDT hiện đang tham mưu nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Trên cơ sở Quyết định số 1684/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Ban QLDT đã hoàn thiện hồ sơ và đang tham mưu cho Sở trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh thông qua trong thời gian tới. Cùng với đó, Ban tham mưu và triển khai dự án đo đạc, cắm mốc, bồi thường giải phóng mặt bằng và cấp quyền sử dụng đất Di tích; Dự án Cải tạo, sửa chữa các điểm di tích chiến trường Điện Biên Phủ phục vụ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Dự án cải tạo, sửa chữa Khu thờ tự Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng; Kế hoạch Nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm các điểm di tích thành phần bổ sung vào danh mục Di tích. Các dự án, nhiệm vụ đều đang được tập trung, đẩy nhanh thực hiện”.

Theo đó Dự án đo đạc, cắm mốc, bồi thường giải phóng mặt bằng và cấp quyền sử dụng đất Di tích đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 29/6/2021. UBND tỉnh đã ban hành tờ trình trình Bộ VHTTDL thẩm định. “Đây là Dự án có thể sẽ gặp phải không ít khó khăn trong quá trình thực hiện bởi liên quan đến vấn đề đất đai. Để chuẩn bị tốt cho nhiệm vụ này và quản lý di tích một cách hiệu quả, năm qua Ban QLDT đã tăng cường tuyên truyền và thay đổi cách thức quản lý, tuyên truyền phù hợp với tình hình” - ông Nguyễn Anh Đạo cho biết thêm. Ban QLDT chủ động cung cấp thông tin, tài liệu về các di tích cho các tổ chức, chính quyền địa phương, tổ chức lấy ý kiến và khảo sát hơn 400 hộ dân thuộc 13 tổ dân phố trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ sinh sống giáp ranh các di tích. Đồng thời tổ chức thu âm về Luật Di sản, tầm quan trọng của di tích để gửi đến các khu dân cư phát trên loa; cung cấp số điện thoại tiếp nhận phản hồi của cá nhân, tổ chức về tình trạng xâm lấn di tích, nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ di tích của cộng đồng dân cư. Cùng với đó duy trì đội ngũ cán bộ thường xuyên kiểm tra bằng máy móc, xác định tọa độ, ranh giới cụ thể, phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời các trường hợp có ý định, động thái xâm lấn di tích.

Đối với Dự án Cải tạo, sửa chữa các điểm di tích chiến trường Điện Biên Phủ phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, và có ý kiến của Bộ VHTTDL. Trong đó sửa chữa 5 công trình, điểm di tích: Mái che hiện vật ngoài trời, Di tích Trung tâm Đề kháng Him Lam, Di tích Đèo Pha Đin... Hiện, Ban QLDT tiếp tục tham mưu công tác chuẩn bị đầu tư Dự án. Đến nay, Sở VHTTDL đã hoàn thiện hồ sơ Dự án trình Sở Xây dựng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng đảm bảo tiến độ hoàn thành kịp thời phục vụ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Với những nội dung đang triển khai, các điểm di tích ngày càng được quan tâm trùng tu, tôn tạo, bảo vệ hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào công tác phát huy giá trị di tích gắn với hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tri ân, đền ơn đáp nghĩa... Đặc biệt là gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ

Cùng chuyên mục