Quảng Ninh: Phát triển đa dạng các loại hình du lịch
Du khách trải nghiệm tại một vườn cam Vạn Yên (Vân Đồn).
Từ lâu, Vân Đồn được biết đến là một địa phương du lịch biển đảo với nhiều loại hình du lịch. Trong đó, phải kể đến du lịch sinh thái cộng đồng trên đảo Quan Lạn (một ngày làm ngư dân, tìm hiểu lịch sử văn hóa hào hùng trên đảo Quan Lạn); du lịch tham quan nghỉ dưỡng (đảo Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Bãi Dài); du lịch khám phá, trải nghiệm (tham quan Vườn Quốc gia Bái Tử Long - Vườn Quốc gia ASEAN, thăm khu nuôi trồng thủy hải sản đảo Bản Sen); du lịch văn hóa, tâm linh (tham quan chùa Cái Bầu, đền Cặp Tiên, đền Lý Anh Tông) kết hợp với việc thưởng thức các món ăn đặc sắc của địa phương, mua sắm các sản phẩm OCOP như mắm sá sùng, ruốc hàu, sá sùng, cá khô...
Trong đó, chùa Cái Bầu (còn gọi là Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm), từ lâu đã trở thành một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở huyện Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Nơi đây thu hút lượng lớn khách du lịch hành hương, chiêm bái mỗi dịp Tết đến xuân về.
Chùa Cái Bầu, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại huyện Vân Đồn.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn rất nhiều điểm du lịch tâm linh mang vẻ đẹp cảnh quan sơn thủy hữu tình, cũng đang rất hút khách du lịch. Đó là đền thờ vua Lý Anh Tông (di tích - danh thắng), vị Hoàng đế có công khai sinh ra trang Vân Đồn thế kỷ XII (còn gọi là làng Vân, là tên gọi cổ xưa của xã Quan Lạn ngày nay); đền Cặp Tiên (Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt); Cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn. Thời gian tới, huyện cũng sẽ hoàn thành hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt cho Thương cảng Vân Đồn để khôi phục du lịch tại Quần thể di tích lịch sử Thương cảng cổ Vân Đồn...
Bên cạnh du lịch tâm linh, huyện Vân Đồn cũng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các ngành chức năng phối hợp điều tra tài nguyên du lịch để triển khai xây dựng sản phẩm nghỉ đêm trên Vịnh Bái Tử Long theo đề án phát triển du lịch biển đảo của tỉnh. Địa điểm lựa chọn khảo sát xây dựng thí điểm sẽ là khu vực biển thuộc địa bàn xã Bản Sen.
Ngoài ra, huyện cũng đang nghiên cứu đề xuất của UBND xã Bản Sen dự thảo kế hoạch về việc xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp, gồm: Tham quan trải nghiệm mô hình vườn cam tại thôn Nà Na; trải nghiệm mô hình trồng cây chè cổ (chè Vân), cam tẩu tại thung lũng núi đá vôi, ngắm hoa vàng anh núi, hoa mạ bằng xe đạp; tham quan mô hình nuôi trông thủy hải sản và tham gia trải nghiệm đánh lưới, câu cá với ngư dân tại khu vực vụng Cây Da; tham gia các hoạt động tắm biển, chèo thuyền kayak xung quanh vụng Cây Da; tổ chức các hoạt động thăm hang Nhà trò...
Huyện cũng đã báo cáo và được UBND tỉnh, cho ý kiến để thu hồi 550ha đất thuộc Công ty Lâm nghiệp Vân Đồn để trồng cam, phục vụ phát triển du lịch trải nghiệm trên địa bàn xã Vạn Yên.
Bà Phan Thị Lệ Giang, Trưởng Phòng VH-TT huyện Vân Đồn, khẳng định: Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên của mỗi địa phương, Vân Đồn đang triển khai xây dựng, hoàn thiện nhiều loại sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Bên cạnh các loại hình du lịch sẵn có, huyện cũng đang lên phương án, tiến hành khảo sát chọn địa điểm để tổ chức phố đi bộ đêm, đưa loại hình ẩm thực đêm vào hoạt động để giữ chân du khách, đặc biệt là du khách ở lại qua đêm. Đồng thời, trình và được UBND tỉnh phê duyệt, chấp thuận chủ trương và đang lựa chọn đơn vị tư vấn để triển khai thực hiện lập đề án công nhận Vân Đồn là khu du lịch cấp quốc gia.
Khánh Nam