Non nước Việt Nam

Điện Tây Sơn (Bình Định) - Dấu ấn miền đất võ

Cập nhật: 15/01/2019 09:11:20
Số lần đọc: 1910
Là một trong số 48 di tích Quốc gia đặc biệt trên cả nước, Điện Tây Sơn đã ghi dấu phong trào nông dân khởi nghĩa vào thế kỷ 18 với tên tuổi của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Đây cũng là niềm tự hào của người dân địa phương, là một trong những điểm thu hút du khách thập phương khi đến với Quy Nhơn – Bình Định, ngoài các thắng cảnh nổi tiếng, những bãi biển đẹp ngất ngây, những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của vùng đất thượng võ này.  

Từ thành phố Quy Nhơn du khách đi về hướng tây hơn 40 km là tới huyện Tây Sơn, vùng đất võ nổi danh cả nước, quê hương của 3 anh hùng dân tộc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Đối với du khách, đến vùng đất Tây Sơn như một hành trình đầy niềm tự hào và lòng thành kính về với lịch sử để thắp hương và tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng dân tộc. Dọc theo quốc lộ 19, ngoài các di tích lịch sử như: Đền thờ Bùi Thị Xuân - Nữ anh hùng được lưu danh sử sách Việt; Đài Kính Thiên – Nơi linh khí hội tụ; tháp Dương Long – Cụm tháp gạch cao nhất Đông Nam Á; Khu du lịch sinh thái Hầm Hô – tuyệt tác của thiên nhiên…du khách sẽ được tham quan Bảo tàng Quang Trung với bức tranh lịch sử oai hùng qua bài thuyết minh, giới thiệu và nhiều hiện vật gốc được giữ gìn nguyên vẹn như chiếc trống da voi của đồng bào Tây Nguyên tham gia phong trào Tây Sơn, ấn tín, các sắc phong, gia phả của nhiều văn thần, võ tướng; chuông đồng, súng thần công, tiền đồng Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, tấm bia mộ tổ dòng họ Tây Sơn… 

Hằng năm vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết âm lịch, người dân Bình Định và du khách gần xa lại náo nức du xuân tại Bảo tàng Quang Trung, tưởng nhớ công tích lẫy lừng của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược. 

Vượt qua cầu Cảnh, trên con đường dẫn vào khu Bảo tàng rợp bóng cây xanh, du khách sẽ đến điện thờ Tây Sơn Tam kiệt và các văn thần võ tướng nhà Tây Sơn. Điện Tây Sơn là một di tích Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng vào ngày 31/12/2014. Di tích vẫn quen gọi là điện nhưng thật ra là đền thờ. Điện Tây Sơn được xây dựng trên nền nhà cũ của Ông, Bà Hồ Phi Phúc, là nơi sinh trưởng của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. 

Trong bối cảnh đất nước loạn lạc vào thế kỷ XVIII, các thế lực phong kiến tranh giành địa vị, đất nước bị chia cắt, cuộc sống nhân dân ngày càng cơ cực, dẫn tới phong trào nông dân bùng nổ mạnh mẽ, quyết liệt, liên tục và rộng khắp chống lại quan quân nhà Nguyễn, trong đó có phong trào của nông dân Tây Sơn. Dưới ngọn cờ chính nghĩa, ba anh em nhà Tây Sơn phát động phong trào nông dân lập nhiều chiến công vang dội, đã xóa bỏ nền thống trị của chúa Nguyễn ở Đàng trong, chúa Trịnh ở Đàng ngoài chấm dứt tình trạng cát cứ phong kiến mở đường cho quá trình thống nhất đất nước sau nhiều thời kỳ bị chia cắt.

Sau khi nhà Tây Sơn mất, để thể hiện niềm tri ân đối với người có công với nước nhân dân địa phương đã góp công, của xây dựng ngôi đình làng trên nền nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc để bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn, lấy tên là đình Kiên Mỹ. Hàng năm đến ngày 15/11 âm lịch dân làng cúng giỗ “Ba ngài Tây Sơn”. Trong kháng chiến chống Pháp, Đình bị đốt cháy. Vào năm 1958, được nhân dân đóng góp xây dựng lại và hoàn thành năm 1960 chính thức lấy tên là Điện Tây Sơn. Năm 1992 Điện được trùng tu. Năm 1998 Điện Tây Sơn được xây dựng lại, có mở rộng thêm nhưng vẫn theo mô hình Điện cũ, với diện tích 343m2.

Điện Tây Sơn được xây dựng theo lối kiến trúc cổ và không gian khá nhỏ nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghi, trang nghiêm. Công trình ngoài cùng của Điện thờ là nghi môn với bốn trụ lớn, hai trụ bên trong cao hơn hai trụ bên ngoài. Trên hai trụ chính có dòng chữ “Tây Sơn Điện”, hai bên là câu đối viết bằng chữ Nho, phía trước Điện có một tấm bia bằng đá granite màu đỏ, ghi tóm tắt nội dung lịch sử đền thờ bằng chữ quốc ngữ. Công trình trung tâm là khu đền thờ có kiến trúc kiểu chữ đinh, góc mái cong hình mũi thuyền, trang trí hoa văn cá hóa rồng. Trên nóc đền là hình “lưỡng long chầu nguyệt” với chân 5 móng, vảy đính bằng các loại mảnh sứ và thủy tinh xanh, vàng rất sinh động. Nội thất Điện bài trí các án thờ: Án Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ ở giữa, hai bên là án Hoàng đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc và án Đông Định Vương – Nguyễn Lữ. Hai bên đầu hồi có các án thờ văn thần và võ tướng Tây Sơn. Đông phòng Tây phòng để chiêng, trống dùng cho các ngày tế lễ tại Điện. Năm 2004 Điện Tây Sơn được bổ sung thêm 9 tượng thờ gồm: 03 tượng Tây Sơn tam kiệt và 06 tượng văn thần, võ tướng (Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Văn Sở) do công ty MTTW sáng tác và thi công, được gia đình ông Huỳnh Phi Dũng ở tỉnh Bình Dương công đức đúc các tượng bằng chất liệu gốm sứ và dát vàng.

Trong khuôn viên đền thờ còn có cây me cổ thụ do thân phụ của 3 anh em nhà Tây Sơn trồng cách đây hơn 300 năm, gốc có chu vi 3,9m, tán rộng đến 30 mét, cành lá rậm rạp, che mát cả góc vườn. Cây me đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp bằng công nhận cây di sản năm 2011 - là cây cổ thụ đầu tiên và duy nhất ở Bình Định được công nhận cây  di sản. Bên cạnh cây me là di tích giếng nước, ghép bằng đá ong, đường kính 0,9m, thành cao 0,8m. Vào năm 1998, di tích được xây nhà mái che dạng cổ lầu, hình lục giác, mái đổ bê tông dán ngói vảy, thành giếng được bảo vệ bằng khung gỗ hình lục giác cách điệu như những mắt trúc.

Khách du lịch khi đến với vùng đất Tây Sơn không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, bề dày lịch sử, nét văn hóa đặc sắc; sự chân chất, mộc mạc, hiếu khách của người dân địa phương hòa quyện cùng với hương vị ẩm thực đặc sắc nơi đây, mà còn thấy được cái hồn của đất võ, sự kiên cường bất khuất qua lịch sử oai hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công lừng lẫy của Quang Trung - Nguyễn Huệ./.

Nguồn: dulichbinhdinh.com.vn
Từ khóa: Bình Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT