Độc đáo hội thi Kéo lửa nấu cơm tại hội xuân chùa Keo
Các đội thi nấu cơm dâng đức thánh Dương Không Lộ.
Ngoài việc lễ Phật, lễ Thánh, du xuân tận hưởng không khí của đất trời và chiêm ngưỡng cảnh đẹp của ngôi chùa cổ kính, việc tham gia vào những trò chơi dân gian tại nơi đây cũng tạo nên niềm cảm xúc vui tươi, tràn đầy hứng khởi để bắt đầu cho một năm mới với nhiều dự định.
Năm nay thời tiết thuận lợi, ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, chùa Keo đã tấp nập đón du khách thập phương về chiêm bái. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, ngày mồng 4 tháng Giêng là rộn ràng hơn cả trong dịp lễ chùa đầu xuân. Ngày hội này, mọi người đến với chùa Keo để được chứng kiến những nghi lễ truyền thống như lễ khai chỉ, mở cửa đền Thánh ghi nhớ công đức của Thiền sư Không Lộ và đặc biệt là tham gia vào hội thi Kéo lửa nấu cơm đã trở thành nét văn hóa độc đáo, không thể thiếu trong mỗi kỳ lễ hội xuân.
Ông Nguyễn Hữu Khang, Trưởng ban khánh tiết lễ hội xuân chùa Keo cho biết: dù năm nào cũng diễn ra nhưng hội thi này luôn thu hút rất đông khán giả là những người con của quê hương và du khách náo nức đón xem. Tham gia hội thi có 4 đội là những thanh niên trai tráng trong làng Keo. Tuy năm nào cũng có sự thay đổi về nhân sự nhưng những nét văn hóa cổ truyền, tục lệ của làng Keo xưa thì vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Với quan niệm làng nào thắng giải của của hội thi, được dâng mâm cơm lên cúng Thánh thì năm đó cả làng ấy sẽ gặp nhiều may mắn, công việc thuận lợi, hanh thông, mùa màng bội thu,… nên để được đại diện cho làng mình tham gia vào hội thi, mỗi thành viên đều được tuyển chọn gắt gao, đáp ứng tiêu chí nhanh nhẹn, khéo léo, sức khỏe dẻo dai và có tinh thần đồng đội tốt.
Người dân làng Keo dâng mâm cơm được thực hiện tốt nhất trong hội thi lên Đức Thánh.
Mỗi đội với 8 thành viên phối hợp nhịp nhàng trong từng công đoạn: người chạy giải lấy nước, người kéo lửa, người nấu cơm. Nếu như những thành viên chạy giải lấy nước cần sức khỏe dẻo dai, nhanh, bền thì những người tham gia kéo lửa cần sự kéo léo và kiên nhẫn. Người thi dùng một đoạn tre già khô đục lỗ thủng ở giữa thân, sau đó luồn một sợi dây bện bằng tre nứa khô qua lỗ khoan này. Cứ thế, ở hai đầu dây hai người giữ chặt, kéo đi kéo lại thật nhanh tạo lực cọ xát mạnh phát thành lửa. Một thành viên trong đội dùng bùi nhùi cho vào lấy lửa; người thi dừng kéo, thổi thật khéo cho bùi nhùi cháy, lửa được lấy ra đem nấu cơm, xôi, chè.
Sau thời gian đã định, mâm cơm của đội nào đáp ứng tốt nhất tiêu chí: cơm chín, xôi rền, chè sánh, vệ sinh sạch sẽ thì mới được dâng lên lễ Thánh.
Các thành viên tham gia hội thi cho biết: người dân làng Keo tin rằng, tham gia hội thi này có nghĩa là được Đức Thánh ban lộc nên năm nào cũng rất đông thanh niên đăng kí tham gia. Người làng Keo quyết tâm cùng gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian kéo lửa nấu cơm để cầu mong cho một năm mới mùa màng bội thu, tất cả con cháu, anh em trong làng đều quây quần bên nhau.
Mâm cơm được lựa chọn phải đáp ứng tiêu chí: cơm chín, xôi rền, chè sánh, vệ sinh sạch sẽ.
Là du khách năm nào cũng đến với hội xuân chùa Keo, chị Nguyễn Thị Hường cho biết: có bận mải tới đâu thì ngày mồng 4 tháng Giêng cả gia đình cũng phải về nơi đây để lễ Phật lễ Thánh và xem kéo lửa nấu cơm. Ngoài ra, nhiều năm đến với hội xuân, chị thấy rằng người dân nơi đây có quan niệm những vật dụng được các đội sử dụng trong hội thi này sẽ đem lại may mắn cho gia đình nên sau khi hội thi kết thúc, họ thường xin về đặt trong gian bếp để có một năm ấm áp, gia đình sum vầy.
Như vậy, việc tham gia vào những trò chơi dân gian không chỉ tạo nên niềm hứng khởi cho những ngày đầu xuân năm mới, mà còn để tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa tưởng chừng đã bị lãng quên bởi những tấp nập, xô bồ của cuộc sống nhiều lo toan thường nhật, và hơn hết là để có thêm nhiều niềm tin, niềm hy vọng về một năm với thật nhiều điều tốt đẹp đang đón đợi phía trước.