Độc đáo nghi lễ Lập Tĩnh - lễ đặt tên của người Dao Tiền
12 giờ đêm đầu tiên của lễ, đứa trẻ mới được mặc bộ trang phục của người dân tộc Dao Tiền để bắt đầu làm Lễ Đặt tên. (Ảnh: Vũ Hà/TTXVN)
Với đồng bào Dao Tiền, Lễ Đặt tên là một nghi thức có vai trò, dấu mốc quan trọng trong vòng đời người con trai Dao và bắt buộc người con trai nào cũng phải trải qua bởi nó đánh dấu sự trưởng thành của các chàng trai từ tuổi ấu thơ sang tuổi trưởng thành.
Đây là lễ báo cáo với các thần linh, tổ tiên về việc đặt tên thứ hai (tên âm) cho người con trai trong dòng tộc được ghi vào gia phả. Khi qua đời, con cháu sẽ cúng giỗ theo tên âm.
Đặc biệt, khi cúng lễ xưng tên với tổ tiên, người Dao kiêng dùng tên thật mà chỉ dùng tên âm đã được đặt trong Lễ Đặt tên.
Ngày làm Lễ Đặt tên là ngày vui của gia đình, dòng họ và cũng là ngày vui của cả bản làng. Nghi lễ bắt buộc gồm có gà, rượu, gạo và 4 con lợn to. Để chuẩn bị cho công việc vào ngày làm lễ chính từ sáng đến chiều, gia đình phải dậy từ 2-3 giờ, đồ hai hông xôi để làm bánh nếp. Mỗi hông xôi khoảng 100 chiếc nhỏ bằng nắm tay được gói bằng lá dong. Gia đình thịt gà và hai con lợn làm cỗ để đãi khách đến chúc mừng.
Lễ chính được tổ chức vào ban đêm và kéo dài liên tục đến sáng. Lễ cúng gồm có: áo dài truyền thống, dây buộc lưng, khăn quấn đầu, mũ chào mào, tất cả đều bằng chất liệu thổ cẩm tự dệt cùng một chuông lắc và hai bộ tranh.
Bộ tranh dài có 6 bức treo tường, bộ tranh ngắn có hai bức, để khi làm lễ cúng thầy mo và đứa trẻ sẽ đội lên đầu. Ban thờ chính treo trên tường thẳng cửa ra vào được bày 6 quả bánh nếp, một bát nước, hai cây nến; Dưới ban thờ là hai chiếc bàn nhỏ, mỗi bàn bày 6 bát rượu, một bát nước, ba cây nến và 12 quả bánh nếp.
Hai ông thầy mo có uy tín được mời đến cúng suốt hai ngày hai đêm. Đúng 12 giờ đêm đầu tiên của lễ, đứa bé sẽ phải cùng bố đẻ mình ăn hết 1 con gà. Cái tên được đặt vào lúc một giờ sáng.
Buổi lễ còn có sự chứng kiến của bà con xóm, bản đến chúc mừng đứa trẻ đã có tên; cầu chúc cho trẻ khỏe mạnh, sống lâu, hạnh phúc, con cái đầy đủ và cái tên đã được đặt.
Sau đó, tiếng trống, chiêng, sáo tù và mới được vang lên báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Lúc này, thầy mo cùng với đứa trẻ sẽ phải nhẩy chèo liên tục cho tới sáng.
Người ta vừa hát vừa nhảy múa, gọi là hát chào chèo. Điệu hát chào chèo không được hát bất cứ ở đâu, làm đám Lập tĩnh mới được hát. Đó là điệu múa hát mời tổ tiên về chứng giám.
Đến ngày thứ hai, gia đình tiếp tục thịt 2 con lợn đặt lên bàn để cúng. Đêm xuống, các thầy mo thay nhau đọc bài cúng, 6 người gồm 3 nam, 3 nữ cùng nhảy đồng, hát đối. Đây là lễ cúng để tiễn tổ tiên và tiễn ma rừng.
Kết thúc Lễ Đặt tên vào 12 giờ đêm của ngày thứ hai, gia đình chia thịt lợn thành nhiều phần bằng nhau để biếu 4 thầy mo cùng những người giúp việc và khách đến chúc mừng.
Có thể nói, lễ Lập tĩnh của đồng bào Dao Tiền còn tồn tại đến ngày nay đã góp phần lưu giữ nhiều loại hình văn hóa dân gian của dân tộc Dao. Nếu muốn tham dự vào lễ Lập tĩnh của đồng bào Dao Tiền, bạn hãy đến các bản làng Dao khoảng tháng 11, 12 hoặc vào mùa xuân./.