Đón tết tháng Bảy ở làng người Giáy
Trước ngày rằm tháng Bảy, cả làng người Giáy rộn ràng chuẩn bị gói bánh, sắm lễ để cúng thầy và tổ chức ăn tết tháng Bảy. Thường thì họ tổ chức gói bánh chưng đen (còn gọi là bánh gù), giã bánh dày, làm xôi nhiều màu, trong đó không thể thiếu xôi màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng.
Dẫn chúng tôi đi thăm làng San, ông Đoàn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Kim (huyện Bát Xát) giới thiệu những nét độc đáo của người Giáy: Các làng người Giáy có truyền thống đoàn kết và tinh thần cộng đồng rất cao. Đặc biệt, họ biết lưu giữ bản sắc văn hóa, gìn giữ những nét đẹp riêng trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc mình. Do vậy, với mỗi làng người Giáy, vào các dịp tết của họ đều thấy bà con dù ở xa hay gần đều về quây quần bên nhau, cùng nhau đón tết.
Từ ngày 12 tháng Bảy âm lịch, các nhà trong làng đã tổ chức gói bánh chưng đen. Gạo nếp nương được ngâm, đãi rồi trộn với than cây núc nác. Năm nào ăn tết to, nhiều nhà chung nhau mổ lợn làm cỗ, lấy thịt làm nhân bánh. Một số gia đình cầu kỳ hơn, còn tổ chức giã bánh dày. Đây là dịp để các bà, các mẹ truyền lại cho con gái, cháu gái mình cách làm bánh, cách sắp mâm lễ cúng trong ngày tết tháng Bảy.
Cụ Hù Văn Lù năm nay đã 80 tuổi, là bậc cao niên trong làng San làm nghề thầy cúng cho cả làng đã nhiều năm nay. Nhà cụ Lù cũng như nhiều nhà khác trong làng đều giữ gìn truyền thống, giữ nét văn hóa của dân tộc mình trong dịp tết tháng Bảy. Cụ truyền lại nghề thầy cúng cho 2 con trai là ông Hù Văn Sản và ông Hù Văn Lợi. Đang dở việc sắp lễ nhưng thấy có khách đến chơi nhà, ông Hù Văn Lợi dừng tay pha nước, tiếp chuyện chúng tôi.
Ông Hù Văn Lợi cho biết: Tết tháng Bảy theo tiếng Giáy là “siêng síp rỉ đơn sắt” - có nghĩa là “tết 14 tháng Bảy”. Bởi vì theo phong tục từ xưa, người Giáy thường tổ chức ăn rằm tháng Bảy vào 1 ngày chính, đó là ngày 14 âm lịch. Thường thì người Giáy gói bánh và luộc bánh sớm trước 1 - 2 ngày. Ngày 14, từng nhà trong làng đều sắm lễ cúng, gồm 1 con gà luộc hoặc vịt luộc, miếng thịt lợn luộc, 5 bát xôi màu đỏ (có nhà làm xôi ngũ sắc hoặc xôi bảy màu), rượu, bánh chưng đen, bánh dày, hoa quả, vàng mã (giấy đỏ, giấy trắng).
Tùy thuộc vào mỗi gia đình để sắp lễ cúng, nhưng nhà nào cũng tổ chức vào đúng ngày 14/7 âm lịch như một nghi lễ truyền thống. Còn sang đúng ngày rằm tháng Bảy thì tất cả người dân trong làng đem lễ vật đến nhà thầy cúng làm lễ “cúng thầy”. Nghi lễ này mang ý nghĩa, đến nhà “cúng thầy” để mang may mắn về nhà. Những gia đình nào đang gặp vận hạn, gặp điều chẳng lành về sức khỏe thì thường đem gà, lợn con đến nhà thầy cúng nhờ nuôi hộ “lấy vía” với mong muốn thay đổi vận hạn.
Từ sáng sớm ngày rằm tháng Bảy, từng gia chủ ở mỗi gia đình mang một ít bánh kẹo, hoa quả, rượu đến góp cỗ “cúng thầy”. Thầy cúng như cụ Hù Văn Lù, sau khi cúng thần linh, tổ tiên, cầu mong cho cả làng mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu thì cầu cho từng nhà mang lễ vật đến mạnh khỏe, công việc tốt lành. Gia đình nào có việc chỉ mang lễ vật đến rồi về, còn những gia đình khác, khi mang lễ vật đến “cúng thầy” đều ở lại dự lễ cúng và thụ lộc…
Giải thích ý nghĩa về mâm cỗ cúng trong ngày “tết 14 tháng Bảy”, ông Hù Văn Lợi cho biết thêm: Vì gia đình người Giáy thường ở 3 thế hệ trong một gia đình nên với những nhà có cháu, mâm cỗ cúng thường có 9 bát xôi màu đỏ hoặc xôi nhiều màu, còn thông thường các nhà chỉ làm 5 bát xôi hoặc 7 bát xôi để dâng cúng lễ.
Người Giáy vẫn giữ nguyên nét văn hóa ăn tết tháng Bảy trong mỗi gia đình và trong các làng người Giáy. Đây là một lễ tết truyền thống trong năm như một số dân tộc khác, nhưng cũng từ nghi lễ tết này, mọi người trong làng có dịp tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, gia đình đoàn tụ, con cháu được báo hiếu ông bà, bố mẹ, đồng thời cũng là dịp để những người trong làng cùng nhau ăn tết tháng Bảy trong tình đoàn kết, gắn bó…/.