Hoạt động của ngành

Đồng Tháp: Gìn giữ phát huy giá trị các di sản văn hóa và lịch sử

Cập nhật: 09/12/2020 09:31:36
Số lần đọc: 1094
Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện tốt việc sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và nghiên cứu, đồng thời tổ chức trưng bày giới thiệu các hiện vật, cổ vật,.. của tỉnh, Quốc gia. Các hoạt động không chỉ phục vụ nhu cầu học tập và hưởng thụ văn hóa của công chúng, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội trong việc bảo tồn giá trị các di sản văn hóa lịch sử của dân tộc.


Đại biểu tham quan tại Triển lãm các hiện vật do Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn trao tặng Bảo tàng tỉnh

Theo thống kê, hiện nay tại Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hơn 30.000 hiện vật, trong đó nhiều hiện vật thuộc loại độc bản, quý hiếm. Đặc biệt, có 3 hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia và 1 bộ sưu tập hiện vật Văn hóa Óc Eo – Gò Tháp nhiều nhất Việt Nam. Phát huy giá trị quý báu của các di sản, hiện vật, tư liệu, tài liệu..., từ đầu năm 2020 đến nay, Bảo tàng tỉnh tổ chức nhiều cuộc giới thiệu, trưng bày, triển lãm với các chủ đề: “Tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác chỉnh đốn Đảng” tại Khu di tích Xẻo Quít; “Đồng Tháp di tích lịch sử văn hóa và Danh lam thắng cảnh” nhân dịp Lễ giỗ lần thứ 200 Ông Bà Đỗ Công Tường; Triển lãm hình ảnh, các bộ sưu tập cổ vật kỷ niệm 154 năm Ngày mất của Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều..., phục vụ khoảng 30.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu, học tập và nghiên cứu.

Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh cũng đã tăng cường hoạt động nghiên cứu, sưu tầm cổ vật, tư liệu, hình ảnh độc đáo, quý hiếm về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Trong năm 2020, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm 100 tư liệu, hình ảnh, kỷ vật, hiện vật, trong đó có 70 hiện vật về Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Bảy (quê quán xã Hòa Thành, huyện Lai Vung). Bảo tàng tỉnh cũng tích cực vận động các cá nhân, tổ chức hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng. Mới đây, ngày 22/11/2020, Bảo tàng tỉnh tổ chức lễ tiếp nhận các hiện vật do Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn (ngụ phường Mũi Né, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) trao tặng. “Bộ sưu tập với 535 hiện vật, cổ vật gồm: trang sức, tiền cổ, đồ gốm, đồ đá... thuộc các nền văn hóa: Đông Sơn, Sa Huỳnh, Chăm, Mạ..., có niên đại từ trước Công nguyên đến đầu thế kỷ XX. Đây đều là những cổ vật, hiện vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, phản ánh sinh động quá trình lao động, sản xuất, sáng tạo của Nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử, qua đó góp phần làm phong phú cho kho tư liệu, hiện vật, cổ vật của đơn vị. Sau khi tiếp nhận, Bảo tàng tỉnh cũng đã tổ chức trưng bày triển lãm hiện vật, cổ vật của Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn trong nhiều ngày, thu hút đông đảo du khách tham quan” – ông Nguyễn Minh Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết.

Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể, Bảo tàng tỉnh còn tích cực xây dựng các hồ sơ khoa học về di sản văn hóa phi vật thể. Trong những năm qua, đơn vị đã lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) xếp hạng 1 Di tích Quốc gia đặc biệt, 16 Di tích Quốc gia; đề nghị UBND tỉnh xếp hạng 70 Di tích cấp tỉnh... Đồng thời phối hợp với Cục Di sản văn hóa – Bộ VH, TT&DL lập hồ sơ đề nghị và được UNESCO công nhận “Đờn ca tài tử Nam bộ” là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lập 3 hồ sơ văn hóa phi vật thể được Bộ VH, TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: nghề dệt chiếu Định An, Định Yên (huyện Lấp Vò); nghề đóng xuồng ghe Long Hậu (huyện Lai Vung) và Hò Đồng Tháp.

Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, Bảo tàng tỉnh tiếp tục hoàn thành 2 hồ sơ khoa học văn hóa phi vật thể Nghề dệt choàng xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự) và Nghề làm nem Lai Vung, đề nghị Bộ VH, TT&DL đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể Quốc gia; lập 2 hồ sơ khoa học trình Bộ VH, TT&DL xếp hạng Di tích Quốc gia cho Đình Tân Nhuận Đông (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) và Tượng đài sự kiện tập kết 1954 tại Cao Lãnh (Phường 6, TP.Cao Lãnh). Và vừa qua, Đình Tân Nhuận Đông đã được Bộ VH, TT&DL xếp hạng Di tích Quốc gia. Bên cạnh đó, đơn vị còn lập 6 hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Đình Bình Thạnh Trung (xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò); Đình An Long (xã An Hòa, huyện Tam Nông); Đình Tịnh Thới (xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh); Đình Mỹ Hội (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh); Đình Bình Hàng Trung (xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh và Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam (xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò).

Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động giáo dục tuyên truyền, sinh hoạt, trải nghiệm và dịch vụ để thu hút khách đến tham quan. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các chương trình giáo dục truyên truyền về văn hóa, lịch sử truyền thống ngoài nhà trường và các hoạt động, sinh hoạt chính trị tại Bảo tàng. Đồng thời phối hợp các Bảo tàng trong nước, quốc tế; các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, triển lãm, trưng bày một số bộ sưu tập cổ vật và bảo vật Quốc gia kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của tỉnh và cả nước...

Nguồn: Báo Đồng Tháp

Cùng chuyên mục