Đồng Tháp: Khám phá làng nghề dệt khăn rằn trăm tuổi
Làng nghề nằm trên cù lao giữa sông Tiền thuộc ấp Long Tả, xã Long Khánh A được xem là “thủ phủ” dệt khăn rằn của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, sản phẩm của làng phân phối khắp cả nước và xuất khẩu.
Khăn rằn Nam Bộ bắt nguồn từ khăn krama của người Khmer gắn liền người dân miền sông nước Cửu Long. Trải qua nhiều thăng trầm, khăn rằn là hình ảnh thân quen như một nét văn hóa in đậm trong tiềm thức người dân. Về miền Tây, khách du lịch dễ dàng bắt gặp hình ảnh đeo khăn rằn lên cổ hay quấn quanh đầu.
Nghề dệt khăn rằn đã gắn bó hơn 100 năm với người dân ấp Long Tả, xã Long Khánh A.
Làng nghề dệt khăn rằn phát triển cực thịnh những năm đầu thập niên 90, cung cấp khăn rằn truyền thống cho nhân công cắt lúa, cấy lúa ngoài đồng. Bởi tính tiện dụng như lau mồ hôi, che nắng, chống bụi nên khăn rằn không thể thiếu với đời sống, sinh hoạt của nông dân. Theo chia sẻ của một số người dân làm nghề dệt khăn rằn, thời điểm đó, dệt bằng tay năng suất thấp làm không đủ bán. Tiểu thương phải trả tiền trước đến mùa lúa mới có hàng.
Tuy nhiên, do nguyên liệu làm khăn rằn lúc đầu còn thô sơ nhất là chỉ sợi, nên phải hồ qua bột gạo nửa ngày, phơi ba nắng để sợi dày dặn. Trước khi dệt, lại phải nhúng sợi chỉ đơn loại mảnh qua nước nên người thợ thường xuyên bị nước ăn da, đầu cổ, tóc ướt đẫm. Quá trình dệt, mỗi người thợ ngồi suốt trên khung cửi từ 5h đến cuối chiều. Công việc cực nhọc song tiền công của người thợ ngày trước khá eo hẹp.
Để dệt một chiếc khăn rằn, người thợ phải làm qua nhiều công đoạn.
Để làm nên chiếc khăn với 2 màu chủ đạo là đen, trắng hoặc nâu, trắng, người thợ phải mất nhiều công đoạn là xả, nhuộm, hồ chỉ, mắc khung cửi và dệt. Có một điều đặc biệt mà chỉ những ai am hiểu về chiếc khăn rằn mới biết, đó là khăn dùng càng lâu thì vải càng mềm, khả năng thấm nước càng tốt.
Không đơn thuần là một phụ kiện, khăn rằn Nam Bộ đại diện cho phong cách sống mộc mạc, gần gũi và hòa hợp với thiên nhiên của người dân nơi đây. Trong các sự kiện, lễ hội truyền thống của đồng bào Nam Bộ, chiếc khăn rằn thường được sử dụng để làm điểm nhấn cho trang phục, gắn kết người dân với lịch sử, văn hóa vùng đất này.
Hiện, nhiều người lớn tuổi ở miền Nam vẫn giữ thói quen xài khăn rằn dù trên thị trường có rất nhiều mẫu mã khăn khác. Ngoài dòng khăn truyền thống, làng dệt Long Khánh còn tạo ra những sản phẩm khăn choàng du lịch, sử dụng khăn để may trang phục, túi xách, mũ...
Khăn rằn ngày nay đã có nhiều màu sắc để du khách lựa chọn.
Để phù hợp với xu thế hiện nay và đáp ứng nhu cầu của nhiều tầng lớp, lứa tuổi khác nhau, người dân đã làm khăn rằn với nhiều màu sắc phong phú như xanh lá cây, xanh dương, đỏ chứ không chỉ với 2 màu chủ đạo là trắng, đen như trước. Những gam màu này vừa giữ được vẻ truyền thống, vừa phù hợp với sở thích và phong cách của nhiều đối tượng du khách.
Chiếc khăn rằn cho khách du lịch đòi hỏi độ dày dạn, đa dạng mẫu mã, màu sắc bắt mắt. Từ ba màu ca rô truyền thống, làng nghề làm ra gần trăm mẫu mã khác nhau kết hợp thêu logo, biểu tượng sếu, hoa hồng.
Khăn rằn được du khách nước ngoài yêu thích.
Để không ngừng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đa dạng thị trường, mẫu mã sản phẩm, thời gian qua, làng nghề dệt khăn rằn Long Khánh đã không ngừng cải tiến, sáng tạo, phù hợp với thị hiếu du khách trong và ngoài nước.
Với những giá trị về truyền thống và văn hoá, gắn bó sâu sắc với đời sống người dân Nam Bộ, nghề dệt khăn rằn Long Khánh hơn trăm năm tuổi, tại huyện Hồng Ngự, đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thuỳ Vân