Hoạt động của ngành

Đồng Tháp: Sản phẩm OCOP đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 02/11/2023 11:55:37
Số lần đọc: 924
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, đến nay, toàn tỉnh có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 - 5 sao. Trong đó, có 275 sản phẩm đạt 3 sao, 81 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao. Có 3 sản phẩm đang được đề nghị công nhận đạt hạng 5 sao.


Khách tham quan vùng sản xuất quýt ở huyện Lai Vung - Đồng Tháp. (Ảnh: K.V) 

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, hiện tỉnh này đang có 212 sản phẩm đề nghị xét công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó có 63 sản phẩm đánh giá lại, 3 sản phẩm nâng hạng, 146 sản phẩm mới.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, đây là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP phát triển đứng đầu trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 4 trên cả nước.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, những sản phẩm OCOP của Đồng Tháp đã từng bước thâm nhập vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại để tiếp cận với người tiêu dùng. Ngoài ra, phong trào khởi nghiệp đã tạo ra sự lan tỏa cho sản phẩm OCOP, đưa những sản phẩm từ làng quê của Đồng Tháp đến với người tiêu dùng.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đồng Tháp sẽ rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đủ điều kiện phát triển lên doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu.

Cùng với đó là hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, quản lý cho các chủ thể OCOP phát triển sản phẩm cũng như triển khai, hướng dẫn chính sách hỗ trợ để các sản phẩm OCOP có điều kiện thâm nhập vào hệ thống siêu thị và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, Đồng Tháp còn phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp, làng nghề. Tỉnh đang chú trọng từng bước hỗ trợ các địa phương xây dựng các điểm du lịch và làng nghề đạt tiêu chuẩn OCOP; xác định việc gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch là nhiệm vụ trọng tâm. Đây là hướng đi quan trọng nhằm phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, môi trường nông thôn, phát triển hình ảnh địa phương.

Tỉnh Đồng Tháp cũng chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới và chương trình OCOP; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, lễ hội văn hóa gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, đã giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân

Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn tổ chức cho các hộ du lịch cộng đồng đi tham quan thực tế mô hình phát triển nông nghiệp bền vững tại một số địa phương trong nước để giúp người dân có thêm kiến thức, trải nghiệm và quyết tâm làm du lịch nông nghiệp - nông thôn; mở lớp truyền cảm hứng khởi nghiệp, tập huấn kiến thức về phát triển du lịch gắn với các hoạt động nông nghiệp.  

Đến nay, tỉnh có trên 150 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đang khai thác phục vụ khách du lịch và hàng chục làng nghề, làng nghề truyền thống. Hiện đã có một số làng nghề gắn kết du lịch như: Làng nghề truyền thống dệt chiếu (huyện Lấp Vò), Làng nghề truyền thống trồng hoa kiểng (TP Sa Đéc), Làng nghề dệt choàng (huyện Hồng Ngự).../.

Bảo Châu (t/h)

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 01/11/2023

Cùng chuyên mục