Hoạt động của ngành

Phát triển du lịch Lý Sơn và Cù Lao Chàm xứng tiềm năng

Cập nhật: 02/11/2023 10:56:36
Số lần đọc: 603
Những năm qua, hoạt động du lịch ở vùng đảo huyện Lý Sơn và Cù Lao Chàm thuộc hai tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam phát triển nhanh chóng, với số lượng khách du lịch tăng cao. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển “nóng”, hiện hoạt động du lịch ở hai vùng đảo đang chững lại hơn so với trước.

Lễ hội truyền thống đua thuyền tứ linh của người dân đảo Lý Sơn.

Du lịch còn phụ thuộc tự nhiên

Dù nhiều lợi thế, tiềm năng đặc thù để phát triển du lịch chuyên biệt, gắn với các sản phẩm, hoạt động vùng đảo rất lớn nhưng nền tảng hạ tầng, chất lượng dịch vụ tại hai đảo du lịch này chưa đáp ứng kịp nhu cầu của du khách; thiếu sự liên kết, phối hợp nên chưa phát huy hết thế mạnh sẵn có.

Cách đất liền khoảng 15 hải lý, huyện đảo Lý Sơn có diện tích tự nhiên 10,39 km2, dân số hơn 22 nghìn người. Là huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, huyện Lý Sơn có vai trò quan trọng đối với an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời nhiều tiềm năng, lợi thế tài nguyên tự nhiên, lịch sử văn hóa… để phát triển du lịch.

Những năm qua, huyện đảo Lý Sơn được tập trung đầu tư hạ tầng, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; hình thành sản phẩm, dịch vụ du lịch. Đồng thời, quảng bá, xúc tiến du lịch đồng loạt, phong phú thu hút khách du lịch tham quan. Nhiều sự kiện lớn tổ chức trên đảo như các giải marathon, dù lượn, bóng chuyền bãi biển, đua thuyền tứ linh… thu hút các công ty, đơn vị lữ hành tổ chức nhiều tour, tuyến ra đảo.

Sự phát triển nhanh của du lịch giúp tốc độ tăng trưởng du lịch huyện Lý Sơn từ năm 2017 đến năm 2020 đạt 23,31%; tỷ trọng ngành du lịch huyện đảo chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế. Đồng chí Nguyễn Minh Trí, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết, sau dịch Covid-19, bức tranh du lịch huyện đảo phục hồi chậm, chưa trở lại như thời điểm trước đó. Năm 2019, huyện đảo Lý Sơn đón 300 nghìn du khách thì hiện nay chỉ đạt 130 nghìn lượt người mỗi năm.

Tại đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, những năm qua, nơi đây phát triển du lịch theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học gắn với các sản phẩm du lịch đặc thù vùng đảo. Năm 2022, đảo Cù Lao Chàm đón 172 nghìn khách du lịch; từ đầu năm 2023 đến nay, khách đến đảo 240 nghìn lượt; tuy nhiên, chủ yếu là tour, tuyến ngắn trong ngày, tỷ lệ lưu trú trên đảo chỉ đạt 10%. Những năm qua, tỉnh Quảng Nam có nhiều chương trình đầu tư, phát triển du lịch cho đảo Cù Lao Chàm. Anh Lê Thiện Vũ, Giám đốc Hợp tác xã du lịch làng nghề Cù Lao Chàm chia sẻ: du lịch ở vùng đảo có sức hút riêng với nhiều sản phẩm chuyên biệt. Tuy nhiên, hạ tầng tại đảo chưa bảo đảm đón dòng khách lớn, chưa có chính sách riêng cho du lịch biển-đảo. Cần có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích du lịch vùng đảo, hình thành chuỗi liên kết, lộ trình hợp tác giữa các đảo, khu du lịch ven biển.

Nhiều năm qua, phát triển du lịch tại các vùng đảo ở huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm thuần túy, hoạt động du lịch gắn với điều kiện tự nhiên hiện có; xúc tiến, quảng bá để duy trì sự phát triển nhất định. Đầu tư du lịch tại các đảo chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Các hạ tầng cơ bản như sân bay, khu nghỉ dưỡng, nơi vui chơi, mua sắm là những nền tảng cơ bản, tài nguyên du lịch chưa được đầu tư đúng với tiềm năng, thế mạnh vùng biển, đảo.

Khách du lịch tham quan đảo Cù Lao Chàm Ảnh: Nam Nguyễn

Cần liên kết các tuyến đảo lân cận

Sau nhiều năm phát triển du lịch, thực tế hiện nay, du lịch ở các vùng đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi và đảo Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam vẫn dựa vào tour, tuyến từ các khu du lịch, công ty lữ hành mà chưa có sự chủ động thu hút du khách từ tiềm năng, thế mạnh của vùng biển, đảo. Đồng chí Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: Vùng đảo có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng gắn liền với đời sống cư dân đảo mà các hình thức du lịch khác không có được như tour đánh bắt hải sản, chèo thuyền thúng, đêm hải sản, mạo hiểm khám phá thiên nhiên vùng đảo… Tuy nhiên, nhiều hạn chế, khó khăn như tuyến đường thủy nội địa ra đảo Cù Lao Chàm chưa an toàn ảnh hưởng thương hiệu du lịch, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa công bố vùng hoạt động của đảo nên nhiều sản phẩm du lịch thế mạnh chưa được khai thác.

Theo đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, ngành chức năng đang triển khai các nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; huy động nguồn lực xã hội xây dựng hạ tầng du lịch. Phấn đấu đến năm 2030, Lý Sơn đón khoảng 1,5-1,6 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 100 nghìn đến 150 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch 3.000-3.500 tỷ đồng.

Để phát triển du lịch đặc thù vùng đảo huyện Lý Sơn và đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp với những sản phẩm du lịch chuyên biệt, thế mạnh vốn có của đảo, các tỉnh cần đầu tư nâng cấp tài nguyên du lịch hiện có và đầu tư hình thành tài nguyên du lịch mới. Trong đó, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút nhà đầu tư chiến lược xây dựng hạ tầng du lịch quy mô lớn; tăng cường phối hợp, liên kết hình thành các tour, tuyến du lịch chuyên biệt giữa các vùng biển, đảo lân cận.

Đồng thời, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng giao thông kết hợp đồng bộ giao thông đường thủy, đường bộ và hàng không; phát triển đô thị cho các vùng đảo đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cần tăng cường thu hút đầu tư du lịch, hình thành hệ sinh thái, mạng lưới du lịch chung để tăng sức cạnh tranh giúp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch hơn nữa.

Đồng chí Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Để du lịch vùng đảo Lý Sơn nói riêng và các đảo lân cận nói chung phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh cần có chính sách, chiến lược và hợp tác giữa các vùng sâu, rộng hơn; tăng cường kết nối các tour, tuyến du lịch, các sự kiện có quy mô trong khu vực tạo thành chuỗi liên kết phát triển du lịch.

Đồng chí Nguyễn Minh Trí khẳng định: Phải xác định phát triển du lịch của đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển-đảo của khu vực, quốc gia chứ không chỉ riêng cho tỉnh Quảng Ngãi. Từ tầm vóc, ý nghĩa lớn đó sẽ thay đổi tư duy, đầu tư nâng chuẩn huyện đảo Lý Sơn. Đồng thời, bộ, ngành Trung ương cần hỗ trợ cho các huyện đảo các giải pháp phát triển đô thị, nguồn nước, môi trường để bền vững hơn.

Bài và ảnh: Đông Huyền

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 27/10/2023

Cùng chuyên mục