Du lịch cộng đồng: Cần chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững
Kinh phí hỗ trợ chiếm 5% kinh phí đầu tư ban đầu
Những năm gần đây, du lịch cộng đồng đã trở thành một loại hình du lịch mới thu hút du khách, nhất là khách quốc tế. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng tại các xã: Bắc Quỳnh, Vũ Lăng (huyện Bắc Sơn); Mông Ân (huyện Bình Gia); Hữu Liên, Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng) với 33 hộ đủ điều kiện đón tiếp khách du lịch. Những điểm du lịch này đã thu hút khoảng 14.000 lượt khách/năm, trong đó có khách từ các nước châu Âu, châu Úc, khu vực Đông Nam Á đến trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa bản địa đặc sắc của bà con các dân tộc thiểu số nơi đây.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển du lịch cộng đồng ở Lạng Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu bền vững. Tham dự Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch bền vững tỉnh Lạng Sơn” tháng 9/2020, tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, nguyên Trưởng Phòng Tổng hợp, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Giảng viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Thăng Long cho biết: Dù được tỉnh quan tâm đầu tư nhưng du lịch cộng đồng của Lạng Sơn còn manh mún, thiếu nhiều yếu tố để phát triển bền vững như: nhân lực, cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch… Do đó, rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, doanh nghiệp trong việc xây dựng môi trường du lịch bền vững.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch cộng đồng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh. Tổng mức hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng từ ngân sách Nhà nước từ năm 2010 đến năm 2020 là trên 1,183 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 5% số vốn đầu tư ban đầu nên chưa khuyến khích cộng đồng tham gia đầu tư. Trong đó, 90% kinh phí được sử dụng để tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, tuyên truyền quảng bá; chỉ có 10% hỗ trợ cho các gia đình mua sắm trang thiết bị.
Nhiều khó khăn về hạ tầng, nhân lực
Với mức hỗ trợ ít ỏi đó, các hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng đến nay vẫn tự trang trải kinh phí sửa chữa cải tạo nhà ở, chỉnh trang khuôn viên sân vườn, làm nhà vệ sinh, di chuyển chuồng trại… Ông Dương Công Vấn, thôn Đon Riệc II, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn cho biết: Gia đình tôi tham gia phát triển du lịch cộng đồng từ năm 2010. Mỗi năm gia đình đầu tư khoảng 40 đến 50 triệu đồng chỉnh trang nhà cửa, mua sắm các trang thiết bị, vật dụng cần thiết để phục vụ khách. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ thêm kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cùng với đó, việc thu hút nguồn vốn đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch của tỉnh chưa nhiều. Hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng như: đường giao thông, công nghệ thông tin, cơ sở lưu trú, nơi vui chơi, giải trí… ở các điểm du lịch cộng đồng còn ít và thiếu đồng bộ. Hiện nay, hạ tầng ở một số nơi còn hạn chế như đường vào xã Hữu Liên còn khó khăn, nhất là vào mùa mưa; 5/5 điểm du lịch cộng đồng đều chưa có bãi đỗ xe ô tô riêng và nhà vệ sinh công cộng, nhà trưng bày, nơi đón tiếp khách.
Thêm vào đó, số lượng và chất lượng lao động tham gia làm du lịch cộng đồng còn thiếu và yếu. Người dân phần lớn thiếu kỹ năng làm du lịch, yếu về ngoại ngữ, trong khi khách du lịch chủ yếu lại là khách nước ngoài. Ông Hoàng Hồng Sơn, thôn Cốc Mặn, xã Mông Ân, huyện Bình Gia cho biết: Tôi tham gia làm du lịch cộng đồng từ năm 2019. Để đủ điều kiện đón tiếp khách, tôi đã đầu tư hơn 300 triệu đồng nâng cấp nhà ở nhưng một số hạng mục vẫn chưa thực hiện được vì thiếu kinh phí. Khách nước ngoài đến đây cũng không tìm hiểu được văn hóa bản địa vì không có người phiên dịch. Do đó, lượng khách không ổn định, tôi phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống và trả nợ ngân hàng. Tôi mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ để người dân có thể sống bằng du lịch.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch cho biết: Để mô hình du lịch cộng đồng phát triển bền vững, sở đã xây dựng hoàn thiện hồ sơ tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xây dựng nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó đề xuất hỗ trợ đầu tư về: hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; đa dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương; tuyên truyền, quảng bá du lịch cộng đồng… Khi nghị quyết được ban hành, chúng tôi tin tưởng sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo bước phát triển mới cho du lịch cộng đồng, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc đồng thời nâng cao mức sống, tạo việc làm cho người dân địa phương./.