Du lịch cộng đồng đang trở thành xu hướng ở Thanh Hóa
Trong những năm qua nhiều người dân và khách du lịch đã quen với những khu, điểm du lịch cộng đồng ở khu vực vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước, Quan Hóa) và khu vực thác Ma Hao (huyện Lang Chánh).
Những khu, điểm du lịch này đã đem đến cho du khách cảm giác được khám phá, hưởng thụ các giá trị văn hóa độc đáo, nhiều dịch vụ gần gũi với thiên nhiên, đáp ứng nhiều yêu cầu, trong đó có cả việc tạo ra phần nào cảm giác mạo hiểm vốn đang là xu hướng mà nhiều du khách hướng tới.
Thời gian gần đây trên địa bàn Thanh Hóa lại xuất hiện thêm những khu điểm du lịch mới với cách làm mới mẻ, sáng tạo. Đó là những khu du lịch ở vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân), dọc lưu vực sông Mã, sông Chu và ven biển một số huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia.
Những khu du lịch này phần được người dân tự phát tận dụng lợi thế về địa hình, địa vật, sản vật, nét độc đáo trong kiến trúc, văn hóa của cộng đồng để đứng ra tổ chức các dịch vụ theo nhu cầu của khách.
Bên cạnh đó cũng có những khu du lịch cộng đồng có sự tham gia của doanh nghiệp với sự đầu tư hiện đại hơn, cả doanh nghiệp và người dân cùng tham gia khai thác, hưởng lợi.
Du lịch những năm gần đây đã trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, và thực tế là Ngành Du lịch đã được tỉnh quan tâm nhiều hơn bằng việc ban hành thêm nhiều cơ chế, chính sách đặc hữu.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng của giai đoạn, trong đó chắc chắn Ngành Du lịch và chính quyền các cấp sẽ phải quan tâm hơn nữa hỗ trợ cả về cơ chế lẫn nâng cao nhân lực nguồn nhân lực để loại hình du lịch sinh thái cộng đồng phát triển.
Theo một số chuyên gia du lịch, việc phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hoá dân tộc đặc sắc.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo rằng, muốn du lịch cộng đồng phát triển cần giữ được tính nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hoá bản địa. Đặc biệt, phát triển du lịch thì phải có trách nhiệm với xã hội.
Để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng, thì loại hình du lịch có trách nhiệm sẽ là giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng và bền vững. Một nền du lịch bền vững thì người dân phải được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương.
Những việc này cần được Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cùng chính quyền ở những nơi có khu, điểm du lịch sinh thài cộng đồng tính toán, cân nhắc, để vừa khai thác được lợi thế, tiềm năng vừa đảm bảo sự phát triển hài hòa và ổn định của loại hình du lịch này./.
Lam Vũ