Hoạt động của ngành

Du lịch Ninh Bình: Sẵn sàng cất cánh

Cập nhật: 27/07/2022 11:49:10
Số lần đọc: 690
Một vùng đất địa linh nhân kiệt với truyền thống lịch sử lâu đời. Một vùng đất mang đầy đủ sắc thái địa hình Việt Nam thu nhỏ. Một vùng đất sở hữu di sản hỗn hợp văn hóa-thiên nhiên thế giới đầu tiên của Đông Nam Á cùng một khu Ramsar thế giới, một khu rừng nguyên sinh giá trị cùng một “Hạ Long trên cạn” hút hồn... Có thể nói, thiên nhiên đã ban tặng cho Ninh Bình quá nhiều cảnh sắc “sơn thủy hữu tình”. Những vương triều vàng son đã trao truyền cho muôn đời con cháu một cố đô Hoa Lư dày đặc di tích cũng như trầm tích lịch sử-văn hóa vô giá. Với tiềm năng sẵn có ấy, Ninh Bình hôm nay đang nỗ lực hết sức để mạnh mẽ chuyển mình, để sẵn sàng cất cánh.


Non nước Tràng An. Ảnh trong bài: Xuân Lâm

Điểm đến của những di sản

Hiếm địa phương nào sở hữu đa dạng nguồn tài nguyên thiên nhiên-lịch sử và văn hóa đậm đặc, hấp dẫn đông đảo du khách cả trong và ngoài nước như Ninh Bình. Liệt kê sơ sơ có quần thể danh thắng Tràng An-Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO vinh danh nhờ những giá trị đặc sắc nổi bật toàn cầu về thẩm mỹ-địa chất-địa mạo và truyền thống cư trú của người tiền sử. Có Cố đô Hoa Lư gắn với ba triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý. Có quần thể chùa Bái Đính rộng tới hơn 1.000ha, nơi tổng hòa sự linh thiêng trầm mặc của ngôi cổ tự với vóc dáng nguy nga, bề thế của Bái Đính tân tự từng xác lập nhiều kỷ lục châu Á cũng như Việt Nam. Rồi chùa Bích Động, đền Thái Vi, đền Nội Lâm; rồi động Hoa Lư, nhà thờ đá Phát Diệm; rồi Tuyệt Tịnh Cốc, Vườn chim Thung Nham, Vườn quốc gia Cúc Phương; rồi Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, Khu du lịch sinh thái Vân Long; rồi các hang động lung linh huyền ảo như Thiên Hà, Vân Trình, Địch Lộng; rồi điệp trùng ngọn núi Non Nước, mềm mại uốn lượn 18km biển xanh cát trắng Kim Sơn, Cồn Nổi... Đến Ninh Bình, du khách cũng không thể bỏ qua những hành trình thăm thú làng nghề nổi tiếng, như thêu ren Văn Lâm, chạm khắc đá Ninh Vân hay mỹ nghệ cói Kim Sơn... Và thưởng thức những tinh hoa ẩm thực đặc sắc như dê núi Trường Yên, cơm cháy Ninh Bình, rượu Kim Sơn, mắm tép Gia Viễn... Dư địa khai thác và phát triển của du lịch Ninh Bình còn rất lớn, khi may mắn sở hữu tới 1.821 di tích (trong đó có 81 di tích cấp quốc gia, ba di tích cấp quốc gia đặc biệt).

Non xanh nước biếc Ninh Bình, với cảnh sắc hút hồn của Tràng An, Tam Cốc-Bích Động hay đầm Vân Long cũng đã trở thành phông nền tuyệt hảo, đã trở thành thiên đường nơi hạ giới cho những tác phẩm điện ảnh bom tấn ghi hình. Rất đông khách nước ngoài đã tìm tới nơi đây, để thăm lại bối cảnh của những Người Mỹ trầm lặng (Quiet American), Kong - Đảo Đầu lâu (Kong: Skull Island) hay Cậu bé biết bay (Pan), Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc (Les Filles du botaniste)... Du khách trong nước tìm tới những địa điểm từng làm nên những khuôn hình tuyệt đẹp cho các phim chiếu rạp Tấm Cám-Chuyện chưa kể hay Thiên mệnh anh hùng, những loạt phim truyền hình ăn khách như Hương vị tình thân-Về nhà đi con...

Nhờ nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú và đặc biệt hấp dẫn này, Ninh Bình có thể đáp ứng mọi nhu cầu, đòi hỏi của du khách nói chung. Thích tắm biển hay leo núi, thích khám phá hang động hay đi bộ xuyên rừng, thích khám phá di chỉ khảo cổ hay tìm về những trang sử giữ nước hào hùng của cha ông, thích du lịch làng nghề hay trải nghiệm nông nghiệp, thích vui chơi giải trí hay nghỉ dưỡng cuối tuần, thích du lịch hội nghị-hội thảo (MICE) hay du lịch thể thao (trekking, chơi golf, bay trải nghiệm bằng trực thăng)..., Ninh Bình đều có thể sẵn sàng phục vụ.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Nằm ở cực nam của đồng bằng sông Hồng-vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch bắc-nam, lại chỉ cách Thủ đô có 93km, Ninh Bình được xác định thuộc khu vực động lực du lịch Hà Nội-Ninh Bình-Hải Phòng và Quảng Ninh, với nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp không khói của cả miền bắc.

“Di sản thiên nhiên hoặc văn hóa thế giới thì nhiều địa phương có, nhưng chỉ Ninh Bình mới may mắn được sở hữu Cố đô Hoa Lư-kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền trong sử Việt. Đến với Ninh Bình, du khách sẽ được chào đón nồng hậu bởi những người dân hiền lành thân thiện, môi trường an ninh đặc biệt an toàn”. Tập trung khai thác những điểm nhấn đặc sắc, riêng có của đất và người Ninh Bình là hướng phát triển cần được đặc biệt ưu tiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng khẳng định.

Trong giai đoạn vừa qua, ngành du lịch của tỉnh đã có những bước phát triển khá nhanh, hiệu quả kinh tế tăng khá mạnh. Lượng khách giai đoạn 2010-2019 tăng trưởng bình quân đạt hơn 12%/năm. Năm 2019, tỉnh đã đón 7,65 triệu lượt, gấp 2,5 lần so với 2010. Tổng thu từ du lịch đạt mức tăng trưởng 24,17%/năm, con số thống kê của năm 2019 đạt 3.671 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với 2010. Trong hơn hai năm đại dịch hoành hành, dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng Ninh Bình vẫn tiếp tục được nhiều chuyên trang du lịch uy tín như TripAdvisor, Telegraph, Business Insider... đánh giá là điểm đến an toàn và hấp dẫn. Nhiều năm liền, Ninh Bình giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước.

Tuy nhiên, khách đến có đông nhưng doanh thu từ du lịch còn thấp, chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Giàu tiềm năng và thế mạnh song Ninh Bình vẫn nhiều năm chịu cảnh là điểm đến trung chuyển của du khách, khi họ ít chọn cố đô làm nơi lưu trú, nghỉ lại và móc hầu bao mua sắm, ăn-chơi. Bởi thế, số ngày lưu trú bình quân của khách năm 2019 chỉ đạt 1,85 ngày, chi tiêu bình quân là 1,1 triệu đồng/khách quốc tế và 700 nghìn đồng/khách nội địa có lưu trú.

Nhận thức rất rõ ưu thế và cả những nhược điểm còn tồn tại, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Ninh Bình đã triển khai hàng loạt quyết sách đồng bộ và mạnh mẽ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII chỉ rõ, phải tập trung nguồn lực để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá. Như phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch đồng bộ và hiện đại. Ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư mới hệ thống giao thông kết nối các khu-điểm-tuyến du lịch và hạ tầng giao thông đường thủy để phát triển du lịch trên sông. Đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án hạ tầng cơ sở du lịch trọng điểm, đặc biệt tại các khu du lịch quốc gia. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển kinh tế đêm. Phát triển các loại hình sản phẩm có thế mạnh, đầu tư phát triển sản phẩm mới, giàu tiềm năng.

Để hiện thực hóa nghị quyết này cần triển khai cùng lúc rất nhiều đầu việc. Ông Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình đã liệt kê hàng loạt dự án đã, đang và sẽ thành hình trong tương lai gần. Không chịu cảnh là điểm trung chuyển cho du khách như trước đây, Ninh Bình cố gắng trở thành nơi đón khách “sân sau” của Hà Nội, đặc biệt là với loại hình du lịch kết hợp hội nghị-hội thảo. Với vị trí nằm giữa hai sân bay (Nội Bài-Hà Nội và Sao Vàng-Thanh Hóa), lại có hệ thống đường sá giao thông thuận tiện, giá dịch vụ rẻ, sở hữu nhiều điểm tham quan hơn Thủ đô, Ninh Bình hy vọng sẽ đón khách di chuyển thẳng từ sân bay về, theo hướng liên kết tuyến điểm chặt chẽ giữa các địa danh thuộc khu vực động lực du lịch phía bắc. Ninh Bình đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để phát triển MICE, khách sạn 4-5 sao tiêu chuẩn quốc tế (như Hoàng Long, Legend) đủ điều kiện phục vụ cả đối tượng khách cao cấp. Cũng theo ông Phong, nhiều dự án lớn đang được triển khai hoàn thiện và sẽ sớm đưa vào hoạt động như Khu nghỉ dưỡng Kênh Gà-Vân Trình (với số vốn đầu tư hai tỷ USD bao gồm năm hợp phần, trong đó có cả Disney Land và Công viên động vật hoang dã - Safari), mở tuyến du lịch Con đường di sản, hình thành các không gian trưng bày giới thiệu giá trị của kinh đô Hoa Lư và nhà nước Đại Cồ Việt, xây dựng bảo tàng chuyên đề lịch sử và thư viện tỉnh...

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh cho biết, nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo (tour ngắm thú về đêm, thả động vật cứu hộ, trekking trong rừng, khám phá hang động), tour nông nghiệp (một ngày làm nông dân), tour đậm sắc màu địa phương (tham quan chùa Bái Đính về đêm, đi bộ khám phá Tràng An, thưởng thức chương trình nghệ thuật thực cảnh, ngắm cánh đồng lúa chuyển màu trong Tuần lễ Sắc vàng Tam Cốc) cũng đã, đang được gấp rút xây dựng, để mang lại những xúc cảm mới mẻ và đủ sức giữ chân du khách lưu trú tại đây.

Du lịch Ninh Bình “hậu Covid-19” đang dần phục hồi và bắt đầu le lói tín hiệu tăng trưởng. Theo báo cáo của Sở Du lịch Ninh Bình thì chỉ trong nửa đầu năm 2022, toàn tỉnh ước đón gần 1,78 triệu lượt khách, đạt 204,95% so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó có gần 1,76 triệu khách nội địa và hơn 18 nghìn lượt khách quốc tế). Doanh thu ước đạt 1.054 tỷ đồng, đạt 188,71% so với cùng kỳ 2021.

Người dân Ninh Bình đang đồng lòng góp sức chung tay để định vị thương hiệu du lịch gắn với Di sản hỗn hợp thế giới Tràng An, Di tích quốc gia đặc biệt lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư. Như mục tiêu mà “Đề án phát triển du lịch Ninh Bình, giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2045” đã đề ra, rằng “đến năm 2045, Ninh Bình sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong nhóm 10 điểm đến hàng đầu của cả nước cũng như khu vực Đông Nam Á”.

Cố đô Hoa Lư.

Hồ Cúc Phương

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 27/7/2022

Cùng chuyên mục