Du lịch thích ứng trong bối cảnh mới
Tour ngắn ngày, nhóm nhỏ đang được nhiều du khách lựa chọn. Trong ảnh: Nhóm khách gia đình trong hành trình khám phá Côn Đảo. Ảnh: Vietsun Tourist
Hơn một năm diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã bào mòn năng lực của doanh nghiệp du lịch và các ngành dịch vụ hữu quan. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải chuyển nhượng hoặc chuyển hướng kinh doanh bởi khó khăn tài chính. Nhiều chính sách hỗ trợ dù đã có chủ trương nhưng chưa đến kịp thời với doanh nghiệp và người lao động trong ngành. Trong khi đó, thị trường luôn không ổn định bởi tâm lý du khách hiện nay ưu tiên an toàn hơn là vui chơi, giải trí. Do đó, ngành Du lịch xác định phải thực hiện nhiệm vụ kép: vừa bảo đảm an toàn vừa duy trì hoạt động để tạo đà phục hồi. Các chuyên gia nhận định, năm 2021 du lịch nội địa sẽ là đòn bẩy quan trọng để ngành phục hồi, trong đó yếu tố an toàn vẫn được các doanh nghiệp và du khách đặt lên hàng đầu.
Bà Nguyễn Thị Tia, Phó Giám đốc Vietsun Tourist, Cần Thơ, chia sẻ: “Trong tư vấn, trao đổi với khách hàng, chúng tôi luôn thông tin hướng về các điểm đến an toàn. Phần lớn du khách lựa chọn những tour ngắn từ 2-3 ngày và có xu hướng đi nhóm nhỏ, gia đình nhiều hơn”. Thực tế, xu hướng du lịch ngắn ngày, nhóm nhỏ, xé nhỏ đi nhiều lần, hay hình thức tự chọn gói dịch vụ theo combo (máy bay, khách sạn…) đang lên ngôi và được du khách ưu tiên. Nắm bắt điều này, các doanh nghiệp cũng xây dựng sản phẩm phù hợp hơn. Những điểm đến mới còn hoang sơ, hay những khu riêng biệt, đa dạng hóa dịch vụ chuyên biệt... được chú trọng đầu tư và giới thiệu để du khách lựa chọn.
Các doanh nghiệp không đầu tư theo quy mô lớn, thay vào đó hướng đến sự phân tán, tách nhỏ nhưng có sự kết nối với nhau. Các tour, tuyến thường hướng đến những khu nghỉ dưỡng biệt lập, hay các dịch vụ giới hạn về số lượng. Trên cơ sở này, các sản phẩm du lịch cũng đang thay đổi theo hướng chú trọng sức khỏe. Các loại hình du lịch: sinh thái, yoga, thể thao, chữa bệnh, hay nông nghiệp gần gũi với thiên nhiên dần lên ngôi. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch khai thác các trải nghiệm có chất lượng, trách nhiệm với tài nguyên môi trường, những hoạt động hướng đến giá trị cốt lõi văn hóa bản địa... cũng ngày càng đa dạng. Tại Cần Thơ, các đơn vị như Victoria, Cần Thơ Ecolodge, Azerai resort… đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch theo xu hướng này với daycation, wellness cruise, family getaways, staycation…
Dịch COVID-19 buộc ngành Du lịch phải tự cơ cấu lại để thích ứng, từ các hoạt động xúc tiến quảng bá, định vị thị trường mục tiêu cho tới xây dựng sản phẩm phù hợp. Trong đó, thị trường nội địa với các xu hướng du lịch chủ động (du khách tự lựa chọn dịch vụ, trải nghiệm hơn là theo lịch trình đề xuất từ các đơn vị lữ hành) đang dần thúc đẩy ngành Du lịch thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ số nhiều hơn. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp du lịch tiếp cận nhiều khách hàng hơn, chăm sóc du khách tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Với khách hàng, việc lựa chọn dịch vụ cũng trở nên tiện lợi và phù hợp hơn. Các ứng dụng trên điện thoại di động cho phép du khách khai thác thông tin, thực hiện các thao tác giao dịch và tích hợp nhiều tiện ích khác. Việc tìm kiếm thông tin về điểm tham quan, chọn hướng dẫn viên, dịch vụ khách sạn, nhà hàng… cũng trở nên chủ động hơn và không cần tương tác trực tiếp. Các doanh nghiệp lữ hành vì vậy phải có những kết nối, liên kết dịch vụ đa dạng hơn, tính cạnh tranh cũng tăng hơn.
Ngành Du lịch đang đứng trước nhiều thách thức hơn bao giờ hết, buộc phải thay đổi mọi thứ. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế hầu như đều đóng cửa và chuyển đổi sang hình thức khác, trong khi các nhà cung ứng dịch vụ phải năng động với nhiều chính sách và giải pháp thích ứng theo từng hoàn cảnh. Ở mỗi địa phương cũng tùy theo tình hình mà xây dựng những giải pháp thích hợp, vừa giữ an toàn vừa phục hồi các hoạt động du lịch./.
ÁI LAM