Khai thác và quảng bá thương hiệu Huế
Bến Me, điểm check-in mới của Huế. Ảnh: Nguyễn Phong
Nhớ lại cách đây gần 2 năm, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã được chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế phát động. Từ phong trào tưởng như chỉ có thể “bùng lên rồi vụt tắt”, “Ngày Chủ nhật xanh” được triển khai liên tục, rộng khắp trong cộng đồng với nhiều hình thức ngày càng đa dạng, phong phú và sáng tạo. Phong trào cũng đã làm thay đổi diện mạo cảnh quan của Huế, thay đổi luôn cách nhìn nhận, rằng nếu có quyết tâm và sự tự giác của người dân, thương hiệu Huế có thể xây dựng từ những điều không quá to tát, nhưng không phải ở đâu cũng làm được.
Nhớ lại tháng 10 và 11 năm 2020, thiên tai bão lụt xảy ra liên tiếp với Huế nhất là sau cơn bão số 5, ít ai có thể nghĩ mọi thứ tưởng như rất hoang tàn đã kịp hồi sinh không lâu sau đó. Màu xanh trở lại với Huế cũng là minh chứng cho sức mạnh của ý thức cộng hưởng trong cộng đồng, cùng chung tay khắc phục hậu quả bão lụt, thu dọn hàng chục nghìn tấn rác cây xanh, để trả lại cho Huế màu xanh như vốn có, để Huế hôm nay vẫn ngời lên vẻ đẹp như chưa từng có những cơn bão hung dữ quét qua...
Những người yêu Huế còn kỳ vọng nhiều hơn về Huế, muốn Huế luôn luôn mới, tạo nên niềm cảm hứng và động lực để phát triển nhanh hơn, chất lượng hơn. Chẳng thế mà Huế khi tổ chức các diễn đàn đóng góp ý kiến như Innovation day lần thứ 2 năm 2020, đã có hàng chục chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý nổi tiếng trong nước và thậm chí là quốc tế quy tụ về, thuyết trình trực tiếp hay bằng qua hình thức trực tuyến đóng góp ý kiến cho Huế. Trong các câu chuyện kể tại diễn đàn, dễ nhận thấy họ đều bị thuyết phục với những gì Huế đã làm được trong thời gian qua, họ khẳng khái đưa ra những đề xuất mới mẻ bởi có niềm tin rằng, những ý tưởng của mình sẽ được ghi nhận, lắng nghe, được lãnh đạo để tâm, rồi có thể được triển khai trên thực tế. Đó là cơ hội để những người yêu Huế góp trí tuệ giúp Huế thay đổi...
Đoàn làm phim “gái già lắm chiêu 5” trong buổi trao tặng “vườn bạch trà” cho tỉnh
Huế đang định hướng xây dựng một thành phố thông minh và sáng tạo. Nếu trước đây, nói đến điều này nhiều người có thể cho đó là khá viển vông khi cả tiềm lực và xuất phát điểm của Huế là khá thấp. Việc xây dựng một đô thị thông minh hoàn toàn có thể làm được ở mức độ như Huế hiện tại. Bởi thực tế chỉ ra rằng, vấn đề đầu tư nhiều tiền chưa hẳn quan trọng bằng giải pháp tương thích và phù hợp.
Thành tựu rõ nhất là Huế-S, một giải pháp có tính bước đột phá, vươn đến tầm châu Á (đạt giải Giải giáp thông minh sáng tạo nhất châu Á) nhưng chỉ được đầu tư ở mức độ vừa phải. Ông Nguyễn Dương Anh, Giám đốc Trung tâm IOC tự hào cho biết, trong gần 2 năm hoạt động, Trung tâm IOC, nơi đã triển khai Huế-S đã vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều vị đứng đầu các bộ, ngành đến thăm. Ai cũng đều bất ngờ với những thành công của Huế trong việc triển khai đô thị thông minh. Hàng chục địa phương trên khắp cả nước đã đến tìm hiểu và học tập mô hình xây dựng đô thị thông minh ở Huế. Ông Nguyễn Dương Anh cho rằng, đó không chỉ là điều tự hào của Trung tâm mà còn chính là tạo nên thương hiệu Huế, bởi giờ đây mô hình Huế giờ là một hình mẫu, nghĩ đến đô thị thông minh ở quy mô thành phố, người ta sẽ nghĩ ngay đến Huế.
Cũng trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp toàn cầu và trở thành mối nguy cơ trong cả nước, Huế cũng nổi lên là một trong những địa phương làm tốt nhất công tác phòng chống COVID-19, thể hiện ở trên tất cả các phương tiện, từ khâu phòng ngừa từ xa, ngăn chặn và kiểm soát tất cả các nguồn lây, quản lý tốt các khu cách ly, và cả trong việc điều trị các ca bệnh bị lây nhiễm, không chỉ ở Huế mà còn ở các địa phương khác chuyển đển Huế. Nhanh chóng, kịp thời với nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và khoa học, Huế đã không để một ca lây nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng, thậm chí ngay bên cạnh địa phương Đà Nẵng bùng phát đợt lây nhiễm thứ 2. Không những thế, đội ngũ cán bộ y tế chuyên môn cao của Huế còn vào giúp Đà Nẵng và một số tỉnh bạn chữa trị và ngăn chặn COVID-19. Huế cũng rất sáng tạo khi là địa phương đầu tiên dùng resort để làm chỗ cách ly công dân. Và chính những bước đi đồng bộ này đã giúp Huế trở thành địa phương có chỉ số an toàn trong công tác phòng chống COVID-19 tốt nhất.
Chưa bao giờ hình ảnh của Huế lại xuất hiện nhiều như vậy trên các bộ phim. Các đạo diễn tìm đến với Huế ngoài tâm huyết, muốn quảng bá hình ảnh quê hương thì có một lý do khác là Huế rất đẹp, rất cuốn hút. Các bộ phim được quay tại Huế đều là bảo chứng cho sự thành công, như “Gái già lắm chiêu 3” của đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân trở thành bộ phim thuộc top ăn khách nhất từ trước đến nay ở Việt Nam hay MV ca nhạc của ca sĩ Hòa Minzy đạt giải MV xuất sắc của năm, MV “Chúng ta của hiện tại” của Sơn Tùng MTP cũng trở thành MV triệu view...
Cũng trong năm 2020, Huế đã có thêm một thiết chế văn hóa tầm cỡ được đưa vào sử dụng là Nhà hát sông Hương của Học viện Âm nhạc Huế-nhà hát tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất ở miền Trung, và là một trong những nhà hát lớn và hiện đại nhất của cả nước. Thiết chế văn hóa này ra đời đã giúp cho Huế có thể đăng cai những sự kiện lớn về âm nhạc, nghệ thuật, gần đây nhất là Liên hoan Các trường nghệ thuật trong cả nước, và tới đây là Liên hoan phim Việt lần đầu tổ chức tại Huế.
Dù là năm dịch bệnh, thời tiết không thuận lợi, song trong năm 2020 Huế cũng đã triển khai hàng loạt các sự kiện mang tầm quốc gia để quảng bá thương hiệu Huế như: Chương trình Lễ hội Áo dài và tôn vinh ẩm thực Việt Nam, Ngày hội Lân Huế 2020, Giải Hiphop Huế, Giải Marathon Vnexpress Huế 2020, Countdown 2021... đã tạo ra hiệu ứng rất lớn để khuếch trương hình ảnh thương hiệu Huế năng động ở trong nước và thậm chí vang xa cả thế giới.
2021 là năm quan trọng với Huế khi đặt mục tiêu sẽ tăng tốc với những dự án mang tính đột phá lớn hơn, từ đó nâng tầm thương hiệu Huế lên ở tầm vóc cao hơn nữa, Huế sẽ xây dựng để trở thành Kinh đô áo dài, Kinh đô ẩm thực của cả nước; Huế tổ chức Festival Huế với nhiều yếu tố mới mẻ, độc đáo để khẳng định thương hiệu Thành phố Festival của Việt Nam; Huế sẽ cùng với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel xây dựng và hoàn thiện các giải pháp công nghệ thông tin mới, để Huế ứng dụng sâu công nghệ 4.0, trở thành một đô thị thông minh đúng nghĩa. Mục tiêu trước mắt là địa phương đầu tiên triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, triển khai hệ thống camera giám sát cảnh báo ở mức độ cao hơn, thậm chí có “tham vọng” nâng tầm Hue-S thành mạng xã hội.../.
Bài, ảnh: Quang Phong