Tin tức - Sự kiện

Khai thác văn hóa dân gian để phát triển du lịch

Cập nhật: 19/02/2021 09:25:27
Số lần đọc: 1095
Cùng với tham quan, giải trí và nghỉ dưỡng, xu hướng du lịch gắn với tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa dân gian của một vùng đất đang hấp dẫn nhiều đối tượng khách. Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã khai thác lợi thế độc đáo của văn hóa dân gian để phục vụ phát triển du lịch địa phương.


Chương trình dân vũ đặc sắc do thiếu nữ Chăm (Ninh Thuận) biểu diễn đón mừng Lễ hội Katê 2020. Ảnh: TTXVN

Tỉnh Ninh Thuận luôn chú trọng tạo đà cho sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh trong giai đoạn mới thông qua việc phát huy, đưa bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Ninh Thuận là địa phương có nhiều dân tộc anh em sinh sống ở cả vùng núi, vùng bằng và vùng biển. Sự đa dạng đó đã gắn liền với nhiều loại hình di sản vật thể và phi vật thể phong phú và độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Kinh; Chăm; Raglai...

Để khai thác tiềm năng trên, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã luôn chú trọng và xem đó là thế mạnh to lớn để tạo đà cho sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh trong giai đoạn mới thông qua việc phát huy, đưa bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có tổng số 239 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê, gồm các loại hình: Đình làng; chùa; miếu; nhà thờ; lăng (lăng thờ cá Voi/cá Ông); tháp Chăm; thánh đường Hồi giáo; đền thờ của người Chăm; phế tích, bia ký Chăm; di tích lịch sử cách mạng; danh lam thắng cảnh...

Ngoài các di tích, di sản đã được xếp hạng và công nhận ở các cấp, Ninh Thuận còn có hệ thống các lễ nghi, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn học nghệ thuật dân gian của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh như: Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn; Tết Cổ truyền Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bàni; nghệ thuật làm gốm truyền thống; nghề dệt thổ cẩm truyền thống; nghề làm thuốc Nam của người Chăm;… Đó là vốn quý về văn hóa, tô đậm thêm bức tranh văn hóa nhiều màu sắc của tỉnh Ninh Thuận.

Để phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, những năm qua, việc sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc đã được tỉnh quan tâm, chỉ đạo và từng bước tổ chức thực hiện, đạt nhiều kết quả như: Phát triển hạ tầng gắn liền với hệ thống di sản, di tích, danh lam thắng cảnh; triển khai sưu tầm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc Kinh, Chăm, Raglai... phục vụ cho phát triển du lịch.

Một số lễ hội, di tích được nâng tầm giá trị, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh như: Lễ hội Katê gắn với không gian đền tháp Chăm; hệ thống nhà sàn, đặc sản rượu cần, sản phẩm thủ công truyền thống như nỏ, gùi... của người Raglai đã dần định hình, tạo thêm nhiều không gian và sản phẩm du lịch cho tỉnh Ninh Thuận.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Bình Thuận là một trong những địa phương biển có nền văn hóa dân gian “đậm đặc” miền biển với nhiều loại hình di sản văn hóa biển độc đáo có thể đưa vào khai thác du lịch.

Tín ngưỡng dân gian nổi bật ở Bình Thuận là tín ngưỡng thờ cá Ông với hệ thống 26 lăng, dinh, vạn (nhiều nhất các tỉnh Nam Trung bộ). Về niên đại, có những lăng, vạn được thành lập rất lâu như vạn Thủy Tú (1762) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1996; lăng An Thạnh - Phú Quý (1781), lăng Thạch Long - Phan Thiết (1795).

Bình Thuận hiện nay vẫn còn lưu giữ được một số nghề truyền thống, mà nổi tiếng nhất là nghề làm nước mắm với danh xưng một thời “thủ đô của nước mắm”. Cùng với nước mắm, nghề biển còn tạo ra một số nghề truyền thống như trước đây là nghề làm thúng chai, nghề xảm thuyền, đóng thuyền và bây giờ là nghề nuôi cá lồng bè. Đây là một trong những nghề nuôi hải sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao như cá bóp, cá mú, tôm hùm gắn với mô hình du lịch homestay trên biển, thu hút ngày một nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Cùng với đó, tiềm năng văn hóa dân gian Chăm lại là thế mạnh khác để phát triển du lịch. Đền tháp Pô Sah Inư (Phan Thiết), đền tháp Pô Đam gắn với nhiều làng Chăm Bắc Bình, hay kho mở Hoàng tộc Chăm và những đền thờ kít vua Chăm kết hợp với các lễ hội dân gian như Katê, Ramưwan hay làng nghề gốm, nghề dệt truyền thống cũng góp thêm bản sắc riêng của du lịch Bình Thuận.

Cùng với sự hấp dẫn của “thiên đường nghỉ dưỡng biển”, tăng cường giới thiệu, quảng bá những nét độc đáo riêng có của văn hóa dân gian miền biển, du lịch Bình Thuận không chỉ có thêm nhiều sản phẩm mới để mời gọi khách đến mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn từ sự sống động của biển - cát - nắng cho đến sự kỳ thú của văn hóa dân gian miền biển.

Thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đa số là đồng bào dân tộc Thái với nhiều nét văn hóa độc đáo. Để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch, cấp ủy, chính quyền Thành phố luôn chú trọng việc bảo tồn, phục dựng lễ hội, phong tục truyền thống; tích cực quảng bá các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Hằng năm, Thành phố đã tổ chức các lễ hội, như Lễ hội Mùa Hoa Ban; Hội Hạn khuống; Hội diễn nghệ thuật quần chúng..., nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và khai thác tiềm năng phục vụ phát triển du lịch; đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng tại các tổ, bản, tiểu khu. Phát động cán bộ, công chức, viên chức, học sinh mặc trang phục dân tộc đến công sở, trường học... Khuyến khích thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn các xã, phường và phổ biến các điệu xòe Thái cho cán bộ, công chức, học sinh và nhân dân trên địa bàn…

Bên cạnh đó, Thành phố tập trung chỉ đạo phát triển mạnh du lịch cộng đồng, thực hiện hỗ trợ cho các bản du lịch cộng đồng, gồm: Đầu tư hệ thống thu gom rác thải, xây dựng công trình vệ sinh, xây dựng biển báo chỉ dẫn du lịch, tổ chức tập huấn nghề du lịch cho các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, gắn với phát triển du lịch, xây dựng kế hoạch khôi phục các làng nghề truyền thống, như: Mây tre đan; dệt thổ cẩm...; xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch trải nghiệm.

NT (t/h)

Nguồn: Chinhphu.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT