Du lịch Tuy Hòa (Phú Yên) kết nối dấu xưa
Gành Đá Đĩa Phú Yên do thiên nhiên kiến tạo từ hơn hai trăm triệu năm trước
Như đã mặc định, chuyến lữ hành những ngày ngoạn cảnh ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đến nay đều vận hành nối tuyến di tích vùng núi lửa Gành Đá Đĩa với nhà thờ Mằng Lăng thuộc địa phận huyện Tuy An. Khoảng cách từ trung tâm thành phố Tuy Hòa đến hai khu tham quan này từ 35 - 40 km, đường nhựa thênh thang rộng mở đến nơi. Trong đó, cung đường chạy dọc thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An - cửa ngõ vào Gành Đá Đĩa vẫn giữ lại những hàng đá đĩa sắp xếp theo khuôn viên bao quanh nhiều căn nhà ở, thể hiện dấu tích xa xưa giữa cảnh quan sống động bây giờ.
Trước khi vào trung tâm Khu di tích đặc biệt Gành Đá Đĩa, du khách “khởi động” qua không gian “tiền sảnh” cho thấy đã có nhiều thay đổi với các khu nhà dịch vụ hướng dẫn viên du lịch, ăn uống, giải khát, trong đó điểm nhấn thiết kế hai bên hành lang đá đĩa xếp chồng lên nhau, kéo dài hàng trăm mét dẫn đường dạo bộ cho lữ khách chạm chân vào ngọn sóng từ khơi xa vỗ về bờ đá. Lúc này nếu dừng lâu hơn trước cánh cổng kiến trúc theo từng cột đá từ thấp đến cao, biểu trưng của vùng đất có dòng nham thạch phun trào từ hai trăm triệu năm trước đã hòa vào dòng nước biển để “chạm trổ” thành những tuyệt phẩm tổ ong đá khổng lồ cho lữ khách muôn phương ngày nay chiêm ngưỡng, cảm nhận.
Nhà thờ Mằng Lăng với phong cách kiến trúc Pháp từ ngàn năm trước công nguyên
Đang lúc giữa trưa tháng 9, Gành Đá Đĩa phản chiếu ánh nắng màu bạc loang loáng mặt biển và rực rỡ bờ đá màu xám tro hoang sơ. Rất nhiều góc ảnh được thu vào chiếc điện thoại thông minh của du khách, không chỉ những bức tường đá hình trụ, hình vuông, hình chữ nhật, hình lục giác, hình tròn tựa lưng đất liền; mà còn quang cảnh bao la biển cả với nhấp nhô những ngọn núi, uốn lượn bờ bãi muôn trùng.
“Gành Đá Đĩa ở Phú Yên là 1 trong 5 ghềnh đá đĩa trên thế giới có hiện tượng nham thạch phun trào tạo ra hình thù đẹp tuyệt cùng với núi đá Giant’s Causeway ở bờ biển Đông Bắc Ireland, ghềnh đá Órganos ở đảo La Gomera của Tây Ban Nha, hang động Fingal ở đảo Staffa, Scotland hay ghềnh đá đĩa Jusangjeolli của Hàn Quốc…”, theo thông tin của một hãng lữ hành du lịch trong nước cho biết. Đáng nói Gành Đá Đĩa của tỉnh Phú Yên là một điểm đến để khám phá thêm nhiều điểm đến gần nhất. Tiêu biểu của tuyến du lịch kết nối dấu xưa ở đây tham quan nhà thờ Mằng Lăng cổ nhất Việt Nam, được xây dựng hoàn thành từ hơn 120 năm trước.
Cuốn sách in chữ quốc ngữ đầu tiên vào năm 1651 đang lưu giữ trong đường hầm nhà thờ Mằng Lăng
Giữa bầu trời trong xanh, tràn đầy nắng, gió tháng 9/2023, những cội cây cổ thụ bằng lăng trong chu vi nhà thờ Mằng Lăng của tỉnh Phú Yên cách Gành Đá Đĩa khoảng mười lăm phút ô tô, đã bung nở những tầng hoa tím hồng rực rỡ. Nhìn tổng thể của nhà thờ Mằng Lăng với một màu xám nhạt, tọa lạc giữa diện tích 5.000 m2 trồng nhiều loại cây xanh, trong đó có cây bằng lăng trồng lâu năm của xã An Thạch, huyện Tuy An nơi này. Các tài liệu ghi lại rằng, cách đây hơn 130 năm, khu vực xã An Thạch, huyện Tuy An dân cư rất ít, phần lớn không gian phủ kín đa dạng cây rừng. Trong đó, có một loại cây tán phủ rộng, lá hình bầu dục, hoa nở ra thành từng chùm màu tím hồng gọi là mằng lăng, cùng họ với cây bằng lăng. Hiện nay, dấu vết khu rừng không còn, nhưng ngôi nhà thờ vào thời điểm ấy đã được đặt tên theo loại cây mằng lăng quý này. Trong nhà thờ ngày nay còn giữ một chiếc bàn mặt tròn làm bằng gỗ mằng lăng có đường kính đến 1,7 m. Đặc biệt, trong khu đồi bên cổng nhà thờ Mằng Lăng có đường hầm trưng bày cuốn sách “Phép giảng tám ngày” của linh mục Alexandre de Rhodes in chữ quốc ngữ đầu tiên vào năm 1651 tại Roma, Ý...
Nếu như tuyệt tác Gành Đá Đĩa kiến trúc từ thiên nhiên hơn hai trăm triệu năm trước thì nhà thờ Mằng Lăng với lối kiến trúc Pháp đã ra đời 1.000 năm trước công nguyên, phát triển đỉnh cao trong thế kỷ 18, 19. Đây là những dòng tư liệu giúp du khách lựa chọn lịch trình khám phá, cảm nhận thêm nhiều điều thú vị khi trở về kết nối dấu xưa trên đất Phú Yên nhiều lớp tầng trầm tích…
Văn Việt