Du lịch Việt Nam: Hành trình kiến tạo vị thế ngành kinh tế mũi nhọn
Từ nhiệm vụ chính trị, ngoại giao
Vào ngày 09/7/1960, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã thay mặt Hội đồng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 26 CP về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Công ty Du lịch Việt Nam có nhiệm vụ đặt quan hệ và ký kết hợp đồng với các tổ chức du lịch nước ngoài, phối hợp với các tổ chức có liên quan ở trong nước để tổ chức cho khách nước ngoài vào du lịch Việt Nam và khách Việt Nam ra du lịch nước ngoài. Hội đồng Chính phủ cũng giao Công ty Du lịch Việt Nam tổ chức và quản lý những cơ sở và những phương tiện cần thiết để phục vụ khách du lịch.
Đón đoàn chuyên gia quốc tế thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Trên cơ sở Nghị định 26 CP của Hội đồng Chính phủ, ngày 16/3/1963, Bộ Ngoại thương đã ban hành Quyết định số 164-BNT-TCCB quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Công ty Du lịch Việt Nam. Khi đó, đất nước còn chia cắt, nhu cầu giao lưu, đối ngoại trở nên ngày càng quan trọng. Việc thành lập một đơn vị chuyên trách đã thể hiện tầm nhìn về vai trò của du lịch, dù khi ấy,
chức năng chủ yếu là phục vụ các đoàn khách quốc tế, chuyên gia và hoạt động đối ngoại. Cho đến, tháng 6/1978, Tổng cục Du lịch Việt Nam được thành lập trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
Cơ sở pháp lý trong giai đoạn này còn sơ khai, chủ yếu là các nghị định, chỉ thị của Chính phủ mang tính chất hành chính. Du lịch thời kỳ này tập trung vào tính công vụ, thực hiện nhiệm vụ chính trị và ngoại giao hơn là kinh tế. Các công cụ chính sách tập trung vào việc quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, đảm bảo an ninh, trật tự và quy định về việc cung cấp dịch vụ cơ bản.
Dù chưa được coi là ngành kinh tế, giai đoạn này đã đặt nền móng cho việc hình thành bộ máy quản lý, tích lũy kinh nghiệm ban đầu trong việc tiếp xúc và phục vụ du khách quốc tế - một tiền đề quan trọng cho sự phát triển sau này.
Đến phát huy tiềm năng kinh tế trong thời kỳ Đổi mới
Đại hội VI của Đảng (1986) mở ra công cuộc Đổi mới, mang theo luồng gió mới cho các ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Đến tháng 8/1987, Tổng cục Du lịch ra đời là cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Tiếp theo Nghị quyết 45/CP được Chính phủ ban hành tháng 6/1993, đến tháng 10/1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW về "Lãnh đạo đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới". Tư duy về du lịch chuyển dịch từ "công vụ" sang "dịch vụ kinh doanh", được khuyến khích phát triển để tạo nguồn thu ngoại tệ. Đây là giai đoạn mở đường cho sự gia tăng nhanh chóng về số lượng khách quốc tế và nội địa, kéo theo nhu cầu về khung pháp lý rõ ràng hơn.
Ngày 11/11/1998, lần đầu tiên Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận số 179-TB/TW về phát triển du lịch trong tình hình mới, có ý nghĩa chiến lược tạo bước ngoặt quan trọng cho chặng đường phát triển ngành Du lịch. Đây là văn bản chỉ đạo quan trọng mở đường cho sự ra đời nhiều cơ chế, chính sách quan trọng cho Du lịch Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Pháp lệnh Du lịch ra đời năm 1999 là văn bản pháp lý cao nhất trong lĩnh vực du lịch tại thời điểm đó, thể chế hoá chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch. Cùng năm 1999, Thủ tướng ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch do một Phó Thủ tướng đứng đầu, thể hiện sự thay đổi về nhận thức trong quản lý du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo phối hợp liên ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.
Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm chủ trì phiên họp lần thứ ba Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, tháng 4/2000. Ảnh tư liệu
Cùng với đó, lần đầu tiên, năm 2022 Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010, trong đó xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đánh dấu tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển du lịch nước nhà.
Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch và sau này tiếp tục bổ sung Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia. Đây là những chương trình quốc gia quan trọng mang lại nguồn lực để triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá, phát triển du lịch.
Xây dựng thương hiệu và hội nhập vươn xa
Bước vào thiên niên kỷ mới, Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO (2007). Du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp đáng kể vào GDP. Giai đoạn này chứng kiến sự hoàn thiện về thể chế, nhằm tạo môi trường kinh doanh bền vững hơn.
Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế
Dấu mốc pháp lý nổi bật là Luật Du lịch năm 2005. Đây là đạo luật đầu tiên và toàn diện về du lịch, thay thế Pháp lệnh Du lịch 1999, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Luật này đã làm rõ hơn các khái niệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch, quy định về phát triển du lịch bền vững, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Các công cụ chính sách được vận dụng đa dạng hơn: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch: Xác định rõ không gian phát triển du lịch, các vùng du lịch trọng điểm quốc gia, các khu du lịch quốc gia, các sản phẩm du lịch đặc thù; Chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia: xây dựng các chiến dịch quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới; Chính sách ưu đãi đầu tư: Tiếp tục thu hút các dự án quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng du lịch; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch: Nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.
Đến năm 2017, Quốc hội đã sửa đổi và bổ sung Luật Du lịch 2005. Luật Du lịch 2017 được đánh giá là tiến bộ hơn, phản ánh kịp thời các xu thế mới, đặc biệt là du lịch thông minh, trách nhiệm xã hội, và quản lý các loại hình kinh doanh du lịch mới (như homestay, condotel). Luật cũng tập trung hơn vào việc phân cấp quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Cùng năm, Bộ Chính trị ban Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thể hiện quyết tâm cao nhất của Đảng, Nhà nước về nâng tầm vai trò, vị thế của du lịch trong nền kinh tế.
Những kết quả về xây dựng thể chế, chính sách đã tạo thuận lợi cho du lịch phát triển. Giai đoạn 2015-2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lượt (năm 2015) lên 18 triệu lượt (năm 2019),. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách quốc tế của Việt Nam đạt 22,7%, được Tổ chức Du lịch thế giới xếp vào nhóm các quốc gia có tăng trưởng cao.
Nỗ lực vượt khó, kiến tạo thể chế, đưa du lịch vững bước vào kỷ nguyên mới
Giai đoạn 2020 - 2025, đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19, ngành Du lịch Việt Nam đã nỗ lực vượt bậc để thích ứng linh hoạt, đổi mới sáng tạo, không chỉ tái thiết lại hoạt động, phục hồi mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu tăng trưởng, mà còn tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và toàn diện của du lịch trong kỷ nguyên mới.
Để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chủ động tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành như: hỗ trợ tài chính cho các hướng dẫn viên bị ảnh hưởng của dịch bệnh, giảm giá bán điện, giảm tiền điện, tiền thuế cho doanh nghiệp du lịch, giảm các khoản phí, lệ phí thẩm định cấp phép kịnh doanh lữ hành, giảm tiền ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành...
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thông tin với báo chí về mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 sau đại dịch Covid-19
Trước sự thay đổi lớn về xu hướng du lịch toàn cầu, cơ cấu thị trường, hành vi du lịch do ảnh hưởng của Covid-19, cùng những cơ hội và thách thức đan xen đến từ làn sóng cách mạng công nghệ lần thứ 4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã làm tốt chức năng tham mưu kiến tạo hành lang pháp lý cho du lịch phục hồi sau đại dịch và phát triển với tâm thế mới trong kỷ nguyên mới.
Trong đó, nổi bật là tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách mới về miễn thị thực và cấp thị thực điện tử, là động lực quan trọng để thu hút khách quốc tế từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam. Cùng với đó là Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới; Công điện 06/CĐ-TTg về nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch; Công điện 34/CĐ-TTg về thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số; Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch tháng 3/2023, mở ra các quyết sách mới cho du lịch đột phá trong thời kỳ mới
Đáng chú ý, Chính phủ vừa chính thức quyết định áp dụng mức giá bán lẻ điện cho các cơ sở lưu trú du lịch tương đương các ngành sản xuất. Đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực kiên trì đề xuất, tham mưu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng các cơ quan liên quan trong nhiều năm qua. Quyết định này được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp lưu trú, tạo điều kiện để các cơ sở lưu trú đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ phục vụ khách.
Bên cạnh đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các thông tư định mức kinh tế - kỹ thuật trong ngành; các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển du lịch ban đêm, du lịch cộng đồng; du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ hỗ trợ du lịch, chiến lược marketing du lịch,... Đồng thời tham mưu Lãnh đạo Bộ thiết lập cơ chế hợp tác giữa du lịch với nhiều ngành liên quan như công thương, hàng không, đường sắt, nông nghiệp, y tế... qua đó hình thành các dòng sản phẩm mới độc đáo, đáp ứng nhu cầu của du khách sau dịch bệnh.
Bộ VHTTDL và Bộ NN&PTNT ký kết hợp tác phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2024-2030 (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường)
Với những nỗ lực của toàn ngành, Du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Năm 2022, nước ta đón 3,7 triệu lượt khách quốc tế; năm 2023 đón 12,6 triệu lượt; năm 2024 đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm 2023, đạt tỷ lệ phục hồi 98% so với năm 2019 - mức phục hồi tốt nhất trong khu vực ASEAN, xếp trên các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan (88%), Singapore và Indonesia (86%), Philippines (72%). Sáu tháng đầu năm 2025, ngành Du lịch đón 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước; khách nội địa đạt 77,5 triệu lượt; tổng thu du lịch đạt 515 nghìn tỷ đồng. Du lịch được Chính phủ đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước.
Với những nỗ lực tái thiết thành công ngành Du lịch sau đại dịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã vinh dự nhận giải thưởng Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á do Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới trao tặng.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á
Những thành tựu của ngành Du lịch không thể thiếu sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đích thân chủ trì 3 hội nghị lớn về du lịch, cho thấy sự quan tâm và kỳ vọng cao của người đứng đầu Chính phủ đối với ngành Du lịch. Cùng với đó là sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, và nỗ lực của toàn ngành Du lịch đã giúp kiến tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho du lịch phát triển tương xứng tiềm năng, thế mạnh.
Bước vào kỷ nguyên mới, du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vai trò, vị thế ngành kinh tế mũi nhọn trong tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội. Nền tảng pháp lý vững chắc, truyền thống vinh quang 65 năm phát triển, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, là hành trang quan trọng để du lịch Việt Nam sẵn sàng cho những đột phá mới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trở thành điểm đến hàng đầu khu vực và thế giới.
Trung tâm Thông tin du lịch