Hoạt động của ngành

Đưa khu di tích khảo cổ học thời Trần ở Thái Bình trở thành di tích cấp Quốc gia

Cập nhật: 04/12/2020 08:19:48
Số lần đọc: 822
Thông tin cho Nhân Dân điện tử, UBND huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) cho biết: Địa phương đang nỗ lực phối hợp các ban, ngành chuyên môn của tỉnh hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình tỉnh để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) xem xét đưa khu di tích khảo cổ học thời Trần tại xã Hồng Minh (huyện Hưng Hà) trở thành di tích cấp Quốc gia.


Ngói lợp mái kiến trúc cung điện thời Trần khai quật tại khu khảo cổ học xã Hồng Minh (Hưng Hà, Thái Bình).

Xuất phát từ chủ trương chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình, từ năm 2014 đến 2017, Viện Nghiên cứu Kinh Thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cùng với Sở VH, TT và DL và UBND huyện Hưng Hà tổ chức ba cuộc điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại xã Hồng Minh.

Kết quả cho thấy, đã phát hiện được rất nhiều loại hình di tích, di vật thời Trần tại các cánh đồng: Phủ Lỗ, Lạch Đường Cả, Càn Thiên Mã, Lăng Ngói, Lăng Sa Trong, khu đền Thái…

Cuộc khai quật năm 2014 và 2015 tại đền Thái (di tích cấp tỉnh) đã tìm thấy một công trình kiến trúc gỗ rất độc đáo có mặt bằng hình chữ Công, gồm ba bộ phận cấu thành, diện tích hơn 554 m2. Đặc biệt, tính chất và dấu ấn vương quyền của công trình không những được nhận biết qua các vật liệu trang trí hình rồng, mà còn tìm thấy viên ngói úp đầu bờ dải trang trí mặt sư tử, trên trán khắc chữ “Vương”. Tư liệu này góp phần khẳng định rõ tính chất và tầm quan trọng đặc biệt của công trình kiến trúc liên quan đến nơi ở và làm việc của nhà vua.

Cuộc khai quật trong năm 2016-2017 tại Lăng Sa Trong làm xuất lộ rõ một nửa phía tây của một khuôn viên kiến trúc có quy mô lớn, khá hoàn chỉnh, trong đó đã tìm thấy hệ thống ba công trình kiến trúc gỗ ở bên trong, bao gồm kiến trúc cổng, kiến trúc hình chữ Công và kiến trúc nhà dài có bộ vì bốn hàng cột. Cùng thời gian này, cuộc khai quật ở khu vực Lăng Sa Ngoài làm xuất lộ một “gò sỏi” lớn trong diện tích khoảng 150 m2 nằm dưới lớp cát và phù sa bồi đắp. Việc tìm thấy “gò sỏi” quy mô lớn như vậy đang đặt ra cho các nhà nghiên cứu khảo cổ học nhiều giả thuyết. Đây có thể là dấu vết nền móng của một tòa tháp, hoặc đây có thể là gò mộ cổ thời Trần vì nó có liên quan đến tên các địa danh đang tồn tại ở đây như Lăng Ngói, Lăng Sa Trong, Lăng Sa Ngoài.

Tháng 2/2018, Viện Nghiên cứu Kinh thành phối hợp Sở VH, TT và DL, Bảo tàng tỉnh Thái Bình và UBND huyện Hưng Hà tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá kết quả các cuộc khai quật. Trong đó, khẳng định đây là một phát hiện mới rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu về hành cung Lỗ Giang (thời Trần) mà nhiều người ít biết đến, chỉ được ghi chép hết sức ngắn ngủi trong sử cũ.

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, các hành cung xưa đều không còn tồn tại đến ngày nay. Và, cũng trải qua nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu chủ yếu biết đến hành cung Thiên Trường (Nam Định) hay Vũ Lâm (Ninh Bình). Vậy hành cung Lỗ Giang xưa ở đâu, diện mạo, quy mô, hình thái của nó như thế nào vốn từ lâu là điều bí ẩn của lịch sử. Phải chăng, những di vật được tìm thấy ở xã Hồng Minh (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) chính là hành cung Lỗ Giang được biết đến trong lịch sử?

Nhận thức rõ tầm quan trọng và giá trị đặc biệt của khu di tích khảo cổ học thời Trần ở xã Hồng Minh, trong năm 2017, UBND huyện Hưng Hà đã đầu tư hơn 4,3 tỷ đồng làm nhà mái che bảo tồn nguyên trạng kiến trúc thời Trần phát lộ tại khu vực đền Thái trên diện tích hơn 1.000 m2; đầu tư hơn 14 tỷ đồng làm hàng rào bảo vệ khu khai quật, làm đường giao thông, đường công vụ, đào hệ thống mương tiêu thoát nước quanh khu vực khai quật trên diện tích khoảng sáu ha.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà thông tin cho biết: Những giá trị riêng có của khu di tích khảo cổ học thời Trần đang mở ra tiềm năng mới trong việc nghiên cứu, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quý giá của nhà Trần tại vùng đất này. Địa phương đang khẩn trương phối hợp các cơ quan chức năng, nhất là Sở VH, TT và DL và tham vấn của Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) để nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo UBND tỉnh trình Bộ VH, TT và DL sớm công nhận khu di tích khảo cổ học thời Trần tại xã Hồng Minh là di tích cấp Quốc gia.

Về việc khẳng định đây có đúng là hành cung Lỗ Giang thời Trần hay không, ông Dương thông tin: Tại Hội thảo khoa học tổ chức tháng 2/2018, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu lịch sử, giáo sư đầu ngành trong vấn đề này. Hơn nữa, đến nay chưa có một văn bản pháp lý nào của cơ quan có thẩm quyền khẳng định đây là hành cung Lỗ Giang, do đó để khách quan và tôn trọng lịch sử, địa phương thống nhất tên gọi là khu di tích khảo cổ học thời Trần.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục