Hoạt động của ngành

Đượm vị Tết ở “thủ phủ” lá dong

Cập nhật: 13/01/2023 08:19:11
Số lần đọc: 497
Những ngày này, vị Tết đã thấm đượm ở "thủ phủ" lá dong, thôn Tràng Cát, xã Kim An (huyện Thanh Oai). Khắp trong làng, ngoài xã, đâu đâu cũng thấy người dân hối hả, tất bật thu hoạch lá dong, mang bán ở khắp vùng, miền, phục vụ nhu cầu gói bánh chưng ngày Tết của người dân. Năm nay, lá dong được mùa, được giá, mang lại niềm vui cho nhiều hộ dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.  


Thu hoạch lá dong tại thôn Tràng Cát, xã Kim An (huyện Thanh Oai). Ảnh: Hương Giang

Hối hả vào vụ Tết

Thôn Tràng Cát, xã Kim An (huyện Thanh Oai) là một trong những vựa trồng lá dong lớn của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Tất bật cắt lá để kịp cho chuyến hàng ngày hôm sau, bà Chu Thị Thanh, ở thôn Tràng Cát vui vẻ cho biết, với hơn 2 sào lá dong, dự kiến năm nay cho thu hoạch hơn 30.000 lá. Ngày bình thường, một hộ dân thu hoạch khoảng 1.000 lá; vào dịp cao điểm phục vụ Tết, có hộ thu hoạch tới 5.000-6.000 lá/ngày. Từ Rằm tháng Chạp trở đi, các hộ dân nơi đây phải huy động hết thành viên trong gia đình ra vườn thu hoạch lá mang ra chợ bán.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Tràng Cát, với 4 sào lá dong, vào những ngày cận Tết, các thành viên trong gia đình tạm gác mọi công việc để tập trung thu hoạch cho kịp thời vụ. Cây dong có thể cho thu hoạch 3 lần mỗi năm, nhưng nếu khai thác với tần suất cao, lá sẽ không to, dày và đẹp, vì thế, người dân chủ yếu để dành cho dịp cuối năm.

“Năm nay khách đặt mua sớm nên các hộ dân phải tranh thủ cắt ngày, cắt đêm. Lá dong năm nay được mùa, được giá, bán tại vườn đã đạt 80.000-120.000 đồng/100 lá. Mỗi sào dự kiến thu được khoảng 20.000 lá, như vậy có thể cho thu nhập 20 triệu đồng/sào” - ông Nguyễn Văn Tuấn nhẩm tính.

Lá dong Tràng Cát là giống dong nếp, bầu lá tròn và dai, chất lượng lá ít nơi nào sánh kịp. Lá có màu xanh non, cuống dài. Khi gói bánh, lúc luộc chín bánh chưng có màu xanh lá tự nhiên, đẹp mắt và có vị thơm đặc trưng. Do đó, lá dong Tràng Cát thường bán cao hơn 10.000-20.000 đồng/bó so với lá dong rừng.

Trưởng thôn Tràng Cát Nguyễn Hữu Huy cho biết, toàn thôn có hơn 300 hộ dân với 50-60 mẫu lá dong, gia đình nào trồng nhiều khoảng 5-6 sào, trồng ít thì 1-2 sào. Từ ngày mùng 10 tháng Chạp, người dân bắt đầu cắt lá dong mang ra chợ bán. Lá dong không chỉ sử dụng vào dịp Tết Nguyên đán mà còn dùng ở nhiều dịp lễ, Tết khác trong năm. Ngoài ra, một số hộ dân trồng lá dong ở Tràng Cát đã đưa mặt hàng này đến với bà con người Việt ở một số quốc gia trong khu vực. Với cây "đặc sản" này, thu nhập từ lá dong đã giúp đời sống của người dân trong thôn ngày càng khấm khá hơn.

Sản phẩm thân thiện với môi trường

Lá dong được xem là “linh hồn” của thôn Tràng Cát. Người dân nơi đây luôn hy vọng, màu xanh của lá dong sẽ mãi mãi gắn bó với hình ảnh Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Tuất ở thôn Tràng Cát cho biết, lá dong Tràng Cát có những đặc trưng riêng không nơi nào có được. Những năm gần đây, mô hình trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế không cao như trước, người dân Tràng Cát muốn tăng diện tích trồng lá dong và xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, từ đó nâng cao thu nhập.

Theo Chủ tịch UBND xã Kim An Đoàn Văn Huỳnh, lá dong Tràng Cát đã nổi tiếng từ lâu đời, để tận dụng hơn nữa lợi ích từ lá dong, xã và thôn đã vận động, khuyến khích người dân sử dụng lá dong bao gói các sản phẩm rau màu để thay thế túi ni lông. Việc này góp phần thiết thực trong bảo vệ môi trường và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng. Hiện tại, lá dong đang là sản phẩm được nhiều doanh nghiệp cung ứng thực phẩm sạch sử dụng cho việc bao gói sản phẩm đưa ra thị trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, Thanh Oai đang tập trung phát triển nông nghiệp gắn với sinh thái, hình thành vùng sản xuất an toàn. Xã Kim An là một trong những vùng đất bãi, không chỉ là vùng trồng cây ăn quả lớn của huyện mà còn là vùng trồng lá dong nổi tiếng. Hiện nay, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích đang thay đổi phương thức bao gói thực phẩm từ túi ni lông sang gói bằng lá cây tự nhiên, trong đó có lá dong. Đây không chỉ là biện pháp hạn chế việc xả rác thải nhựa trong tiêu dùng mà còn tạo điều kiện để lá dong Tràng Cát phát triển mạnh và cho giá trị kinh tế cao.

Trước kia, lá dong thường chỉ thu hoạch vào dịp Tết nhưng giờ đây, do nhu cầu thị trường đa dạng, người dân sử dụng lá dong để gói nhiều loại bánh cũng như thực phẩm và làm bột lá dong... nên lá dong Tràng Cát thu hoạch quanh năm. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, trên mâm cỗ cúng gia tiên ở mỗi gia đình Việt Nam không thể thiếu những chiếc bánh chưng xanh. Lá dong được xem như phần hồn không thể thiếu của bánh chưng ngày Tết và người dân Tràng Cát rất tự hào về sản phẩm này.

Lá dong không chỉ là một sản phẩm đặc trưng mang phong vị Tết cổ truyền mà đang hiện hữu ngày càng nhiều trong đời sống thường nhật của mỗi gia đình...

Ngọc Quỳnh

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 13/01/2023

Cùng chuyên mục