Hà Nội tạo động lực cho kinh tế đêm
Biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại Hoàng thành Thăng Long.
Nếu như trước đây, các trung tâm thương mại hay nhiều quán xá trên địa bàn Hà Nội chỉ mở cửa đến khoảng 22 giờ, thì hiện nay, thời gian hoạt động đã kéo dài hơn rất nhiều; bên cạnh đó, hàng loạt tour du lịch đêm, phố đi bộ đêm được đưa vào khai thác làm phong phú sự lựa chọn của khách.
Hướng tới “thành phố không ngủ”
Hồ Thiền Quang và công viên Thống Nhất là những không gian công cộng quen thuộc của người Hà Nội. Nhưng thời gian gần đây, khu vực này đã thu hút sự chú ý của người dân Thủ đô khi được kết nối với nhau trong tổng thể của không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và vùng phụ cận. Việc tổ chức trục phố Trần Nhân Tông làm trung tâm của không gian đi bộ, một bên là công viên Thống Nhất, bên kia là bờ hồ Thiền Quang đã phát huy lợi thế của khu vực, cũng như phát huy giá trị cụm di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, kết hợp quảng trường Công an nhân dân vì dân phục vụ. Được tổ chức từ sáng thứ bảy đến hết 24 giờ chủ nhật hằng tuần, nhưng không gian này thường đông nhất vào buổi tối.
Dù cách không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm không xa, nhưng vào hai buổi tối cuối tuần, vẫn có hàng nghìn lượt người đến tham quan và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí tại đây. Bên cạnh các không gian biểu diễn nghệ thuật, Ban Tổ chức còn bố trí nhiều gian hàng bán các loại thực phẩm đường phố, hàng lưu niệm… tạo điểm nhấn cũng như phục vụ nhu cầu của khách tham quan.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung khẳng định: “Việc tổ chức không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và vùng phụ cận nhằm tạo một không gian mở cho cộng đồng, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững”. Dự kiến, trong giai đoạn 2, không gian đi bộ sẽ được mở rộng sang các phố Quang Trung, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du, lồng ghép trong không gian đi bộ là các công trình văn hóa như Nhà hát Chèo, Rạp xiếc Trung ương...
Trong những ngày cuối cùng của năm 2022, một không gian đi bộ khác của Hà Nội được đưa vào khai thác là đảo Ngọc-Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình). Khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ đảo Ngọc-Ngũ Xã gồm bảy tuyến phố: Ngũ Xá, Trần Tế Xương, Nguyễn Khắc Hiếu, Mạc Đĩnh Chi, Nam Tràng, Lạc Chính và Trấn Vũ nằm trọn trên bán đảo tại hồ Trúc Bạch. Trong đó, hai tuyến phố trung tâm đảo là phố Ngũ Xã và phố Nguyễn Khắc Hiếu. Không gian này được phát triển thành phố đi bộ-ẩm thực do tập trung hàng chục hàng quán là địa điểm ẩm thực của người dân Hà Nội cũng như khách du lịch lâu nay.
Chị Hoàng Thị Hương, khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi ra Hà Nội đúng vào dịp phố đi bộ đảo Ngọc-Ngũ Xã mới khai trương. Sau khi tham quan hồ Tây, hồ Trúc Bạch, tôi cùng bạn bè ghé vào đây ăn uống. Tôi thấy quán xá khá phong phú và bán giá phải chăng”. Cũng để thúc đẩy kinh tế đêm, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội vừa phối hợp Công ty Du lịch Bền vững (S.T.I.D) ra mắt tour du lịch “Đêm hoàng cung Thăng Long” dành riêng cho khách nước ngoài. Tour du lịch này dài 120 phút, giúp du khách có những trải nghiệm lý thú về kiến trúc, nghệ thuật cung đình cho đến các di tích khảo cổ... trong một không gian Hoàng cung lung linh về đêm.
Càng gần Tết Nguyên đán, các hoạt động thúc đẩy kinh tế đêm trên địa bàn Hà Nội càng sôi động. Từ ngày 6/1/2023, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khi Tết Nguyên đán đang đến gần, siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy) đã tăng thời gian mở cửa đến 23 giờ hằng ngày. Từ khi kéo dài giờ mở cửa, lượng khách đến siêu thị mua sắm vào buổi tối còn đông hơn ban ngày, đơn vị phải bố trí thêm các quầy thu ngân, nhân viên để kịp thời phục vụ.
Cùng với hệ thống siêu thị Big C, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Hà Nội như BRG Mart, MM Mega Market, AEON... cũng tăng thời gian mở cửa để khách hàng mua sắm trong dịp Tết. Anh Nguyễn Văn Bắc (ở phố Hòa Mã, Hà Nội) nhận xét: “Tôi rất ủng hộ việc các siêu thị, cửa hàng kéo dài thời gian hoạt động vào buổi tối. Bởi buổi tối, nhất là tối cuối tuần cả gia đình mới có thể cùng nhau đi mua sắm, ăn uống… một cách thoải mái”.
Góp phần “đánh thức” kinh tế đêm, ba năm qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ-Hanoi Midnight Sale” với đặc trưng nổi bật là “càng khuya giá càng giảm”. Sự kiện này thường diễn ra từ 17 giờ chiều, chia thành các khung giờ khác nhau với mức giảm giá tương ứng tăng dần. Trong đó, từ 0 giờ đến 2 giờ sáng sẽ có mức giảm giá lớn nhất, thậm chí lên tới 100%.
Riêng năm 2022, 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống phân phối lớn như Central Retail, AeonMall, BRGMart, Co.opMart, WinMart, MediaMart, Pico, Tập đoàn Doji, Vinaphone… đã tham gia sự kiện đặc biệt này. Hơn 3.000 chương trình khuyến mại trực tuyến và trực tiếp, tổng giá trị gần 25.000 tỷ đồng đã được áp dụng, tăng 20% so với năm 2021. Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long Nguyễn Minh Tuấn cho biết, người tiêu dùng rất quan tâm đến sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ ”, trong những ngày triển khai sự kiện này, lượng khách hàng đến siêu thị tăng gần 250%. Hệ thống siêu thị BRGMart cũng tăng hơn 160% về doanh thu và lượng khách tham quan mua sắm tại các điểm bán hàng.
Cần những sản phẩm đặc sắc
Phát triển kinh tế đêm là yêu cầu tất yếu với một đô thị như Hà Nội, trong đó, tập trung vào mũi nhọn là các hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ. Thành phố còn nhiều “dư địa” để phát triển. Song, thực tế cũng đang đặt ra không ít khó khăn. Hà Nội hiện có tất cả 5 tuyến phố đi bộ đêm, ngoài hai không gian mới mở, trước đó còn có không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây). Tuy nhiên, không phải phố đi bộ đêm nào cũng thành công.
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn là một điển hình. Không gian này chỉ sôi nổi thời gian đầu khi mới khai trương, rồi vắng khách dần. Việc tái khởi động sau giai đoạn phải đóng cửa vì dịch Covid-19 cũng không “cứu” tuyến phố khỏi tình trạng ế khách, các loại hình dịch vụ quanh tuyến phố lèo tèo. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, phố đi bộ Trịnh Công Sơn chưa xác định rõ chủ đề, chưa tạo ra các dịch vụ thương mại phục vụ nhân dân, chưa bảo đảm đồng bộ việc đi chơi thư giãn của người dân với các nhu cầu văn hóa khác và chưa có nguồn lực để cải tạo nhà ở quanh phố đi bộ thành các dịch vụ phát triển kinh tế. Do đó, nhiều chuyên gia lo ngại, các tuyến phố đi bộ mới có nguy cơ rơi vào tình trạng tương tự, do thiếu sức hút, không tạo được đặc trưng về văn hóa du lịch.
Nhiều khách tham quan phàn nàn rằng các hàng quán trong không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông còn tạm bợ, gây mất mỹ quan. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hàng lưu niệm chưa đặc sắc. Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, mô hình phố đi bộ đêm chỉ nên phát huy ở những tuyến phố có đặc trưng về văn hóa, đậm bản sắc địa phương hoặc có các công trình kiến trúc đặc trưng. Nếu không có yếu tố trên, tuyến phố phải nằm ở vị trí trung tâm hoặc dễ tiếp cận để kinh doanh dịch vụ, thương mại.
Đối với hoạt động thương mại, ngành công thương Hà Nội nhận thấy tiềm năng để phát triển kinh tế đêm, tiềm năng của các doanh nghiệp và người tiêu dùng còn rất lớn. Tuy nhiên, Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan nhận định: “Các chương trình, sự kiện nhằm phát triển kinh tế đêm như Hanoi Midnight Sale vẫn còn rất ít, thời gian tổ chức ngắn, chưa thật sự tạo được hiệu quả mạnh mẽ. Thành phố cũng chưa hình thành được khu mua sắm xuyên đêm có quy mô và thu hút được người dân.
Số lượng các cửa hàng tiện ích, siêu thị… hoạt động 24/24 giờ chưa nhiều và chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm. Hiện việc phát triển kinh tế đêm chủ yếu do các cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị tự tổ chức chứ chưa có nhiều các cơ chế khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện từ phía thành phố”. Để có thể đưa kinh tế đêm thành động lực phát triển, các “gói” sản phẩm cần được đầu tư kỹ lưỡng hơn, đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, tổ chức có thể tham gia đầu tư, phát triển.
Giang Nam Và Nguyên Trang