Hoạt động của ngành

Ea súp (Đắk Lắk) - Mảnh đất huyền bí của Tây Nguyên

Cập nhật: 12/12/2019 08:45:47
Số lần đọc: 2083
Đến với Ea Súp, du khách được ngắm nhìn các địa điểm đẹp như hồ Ea Súp, tháp Chàm Yang Prong, rừng xanh Ea Súp.

Huyện Ea Súp cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 85 km. Tới đây, du khách tham quan các địa điểm nổi tiếng của vùng đất này như hồ Ea Súp, tháp Chàm Yang Prong, rừng xanh Ea Súp... Khí hậu nơi đây chia hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.

Nằm trong khu rừng xanh Ea Súp là tháp Chàm Yang Prong. Tháp do người Chăm xây dựng ở Đắk Lắk từ thế kỷ XVIII, tương ứng với triều đại vua Chăm Jaya Sinhavarman III và triều đại nhà Trần của nước Đại Việt ở phía Bắc. Tháp cao 9m, được thiết kế theo kiểu hình búp hoa, nền hình vuông, mỗi chiều năm mét. Toàn bộ tháp được xây bằng gạch nung đỏ, đá xanh. Càng lên cao, công trình được thiết kế càng nhỏ dần, chóp tháp là những viên gạch được xếp chồng lên nhau. Nhìn xung quanh, người ta chỉ phát hiện ra một cửa vào duy nhất mở về hướng Đông.

Tháp Yang Prong không xây trên những ngọn đồi cao mà chìm lấp dưới những tán cổ thụ của rừng già Easup cùng con sông Ea H'leo uốn lượn quanh khu rừng tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Hiện nay, nơi đây trở thành một điểm tâm linh của người dân vùng đất Easup, từ người Gia Rai, Ê Đê, M’nông cho tới người Kinh đều xem đó như một nơi chốn thiêng liêng. Cái tên Yang Prong lại mang nhiều ý nghĩa khác nhau, với người Ê Đê, Yang Prong có nghĩa là một vị thần tối cao.

Ngoài ra, mảnh đất này còn có hồ Ea Súp được xây dựng năm 1978 diện tích mặt nước 240 ha, dùng để tưới tiêu cho nông nghiệp, điều tiết lũ. Hồ là nơi cung cấp nguồn lợi thủy sản cho người dân sống quanh hồ, đặc biệt là ngư dân sống bằng nghề cá. Cùng với công trình thủy lợi hồ Ea Súp thượng phục vụ nước tưới cho hàng nghìn ha lúa và nhiều cây trồng khác, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội vùng đất biên giới này.

Hồ Ea Súp Thượng không chỉ có giá trị to lớn về mặt thủy lợi, thủy sản mà còn hấp dẫn về du lịch. Đặc điểm của hồ là mặt nước lớn, bán đảo rộng lớn có rừng tự nhiên. Du khách đứng trên đập chính của hồ có thể thấy những cánh rừng rộng lớn với hệ động thực vật phong phú.

Bên cạnh đó, du khách đến đây sống trong âm hưởng của cồng chiêng Tây Nguyên, khác với tiếng chiêng ròn rã, rền vang của Ê đê thì tiếng chiêng của người J’Rai thánh thót và rộn rãng hơn. Mỗi dàn cồng chiêng đánh lên chính là tiếng nói, tâm tư của người dân nơi đây. Những điệu múa, tiếng cồng chiêng vẫn được dân tộc J'Rai gìn giữ để nó mãi trường tồn với thời gian./.


 

Nguồn: vtv.vn

Cùng chuyên mục