Trùng Khánh (Cao Bằng) phát huy truyền thống văn hóa dân tộc gắn với du lịch
Trùng Khánh được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp; có 7 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 2 danh thắng cấp quốc gia, 1 danh thắng cấp tỉnh, 4 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; có 7 di sản văn hóa phi vật thể. Đây là những điều kiện thuận lợi để huyện phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển du lịch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh La Văn Hồng cho biết: Huyện đã có nhiều chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là gắn với phát triển du lịch. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc bảo tồn và phát huy, khơi dậy làn điệu dân ca các dân tộc; truyền dạy, giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống quê hương.
Hằng năm, huyện tổ chức các cuộc thi văn hóa, văn nghệ nhằm phát hiện hạt nhân, nhân rộng mô hình, thành lập mô hình hoạt động gìn giữ giá trị di sản văn hóa. Năm 2016, huyện thành lập Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc và 2 phân Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc với gần 400 thành viên. Hằng năm tổ chức 2 - 3 lớp truyền dạy dân ca, hát Then, đàn tính gắn với phát triển loại hình du lịch cộng đồng được triển khai trên địa bàn bước đầu đạt hiệu quả. Hiện, có 5 câu lạc bộ hát dân ca gắn với du lịch cộng đồng (homestay) tại xã Đàm Thủy và một số xã lân cận, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Huyện đăng ký thực hiện đề tài khoa học về phục dựng, bảo tồn giá trị Dá Hai xã Thông Huề, năm 2018 được tỉnh chấp thuận chủ trương, hiện nay đang chuẩn bị tổ chức thực hiện.
Đối với bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc, huyện đã và đang tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, gìn giữ gắn với các hoạt động lễ hội, chợ phiên, trong lễ cưới, hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn. Trên địa bàn huyện hiện còn lưu truyền các bộ trang phục bằng chất liệu vải chàm, khâu thủ công bằng tay của người Tày, Nùng được bà con mặc vào dịp lễ, tết, ngày cưới...
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về du lịch tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ lưu trú được huyện thực hiện thường xuyên, triển khai kịp thời các hoạt động du lịch đi vào nền nếp, thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về kinh doanh du lịch, kiên quyết xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, góp phần duy trì, bảo đảm tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Đàm Thủy là xã có Khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao thu hút nhiều khách đến tham quan, du lịch. Hiện, trên địa bàn xã có 7 hộ gia đình làm dịch vụ homestay. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch được quan tâm, xã vận động 20 người dân ở xóm Lũng Niếc, Bản Gun - Khuổi Ky tham gia lớp truyền dạy văn nghệ, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc do huyện tổ chức. Cử 5 người tham gia lớp tập huấn hướng dẫn viên du lịch. Lượng khách du lịch đến tham quan tại địa phương ngày càng tăng.
Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, huyện Trùng Khánh tăng cường ngân sách cho việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp đối với giá trị di sản văn hóa vật thể, kiểm kê và đưa vào danh mục xem xét xếp hạng di tích; phục hồi, sưu tầm và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, phát triển con người.
Chú trọng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đặc biệt là ở cấp cơ sở phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Tiếp tục tổ chức các lớp truyền dạy giá trị văn hóa phi vật thể, nhất là chú trọng mở các lớp tại làng du lịch cộng đồng để có nguồn lực tại chỗ phục vụ cho phát triển du lịch trên địa bàn.
Hỗ trợ nguồn ngân sách của địa phương, huy động các nguồn lực xã hội hóa cho phát triển các làng nghề truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhân rộng loại hình phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương./.