Festival Huế: Cơ hội phát triển các làng nghề truyền thống
Bày bán các sản phẩm của nghề đúc đồng tại Phường Đúc, thành phố Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Hiện hơn 300 nghệ nhân, 63 cơ sở sản xuất và làng nghề từ trong và ngoài tỉnh đã đăng ký tham gia Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 8 năm 2019 diễn ra từ 26/4-2/5.
Tham gia Festival nghề truyền thống Huế từ năm 2013, nghệ nhân Thân Văn Huy - làng hoa giấy Thanh Tiên cho biết, cái được lớn nhất mà ông cảm nhận là sự hồi sinh và phát triển của làng nghề truyền thống trên địa bàn.
Từ chỗ chỉ tiêu thụ trong tỉnh và một số thành phố trong nước, từ năm 2013, thông qua các kỳ Festival, sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tháng 7/2018, nghệ nhân Thân Văn Huy vinh dự được mời tham gia triển lãm và thao diễn nghề tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) và ký kết một số hợp đồng kinh tế sau các kỳ lễ hội.
Festival nghề truyền thống Huế cũng là nơi để nghề dệt Zèng (A Lưới) được quảng bá, trình diễn và giới thiệu rộng rãi hơn đến công chúng và du khách trong ngoài nước.
Đây cũng là cơ hội chắp cánh cho nghề dệt Zèng bay xa, được vinh danh trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2017).
Hiện sản phẩm dệt Zèng đã có mặt ở thị trường nhiều nơi trong nước. Gần đây, sản phẩm làm ra từ nghề dệt Zèng được nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu ở Nhật Bản, Pháp.
Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Bao La, cho biết đối với Hợp tác xã Mây tre đan Bao La, Festival nghề truyền thống Huế đã mở ra cho làng nghề truyền thống này cơ hội ký kết, đưa sản phẩm đến các thị trường lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam và xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản.
Hàng năm khi tổ chức Festival, Hợp tác xã phải huy động hàng trăm nhân công làm hàng nghìn sản phẩm lớn nhỏ để trưng bày và tiêu thụ với doanh số bán hàng đạt hàng trăm triệu đồng.
Làng Bao La nằm ven bờ Bắc sông Bồ, thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, một làng quê nổi tiếng nghề đan lát sản phẩm tre với các loại vật dụng gần gũi trong gia đình làng quê như thúng mủng, rổ rá, giần sàng, nong, nia…
Ngày nay, Bao La cũng bắt đầu nổi tiếng sản xuất hàng mây tre đan với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hợp tác xã mây tre đan Bao La.
Nghề đan lát ở Bao La vì thế càng nổi tiếng hơn tại Fesstival nghề truyền thống Huế, xứng danh với câu ca truyền khẩu: Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột/Chiếu Bình Định tốt lắm ai ơi/Tạm tiền mua lấy vài đôi./Dành khi hiếu sự trải côi giường Lào.
Sau 7 kỳ tham gia Festival nghề truyền thống Huế, theo ông Đỗ Hữu Triết, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thái Hưng (ở đường Chi Lăng, thành phố Huế), hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp là những hợp đồng được ký kết và cơ hội quảng bá sản phẩm. Để chuẩn bị cho Festival nghề truyền thống Huế 2019, doanh nghiệp đang huy động hơn 10 thợ giỏi.
Đồng thời, đầu tư các thiết bị tiên tiến để tạo một số dòng sản phẩm mới, như: tượng Phật, sản phẩm thờ tự, đèn ốp tường, tranh trang trí để trưng bày và bán tại lễ hội.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế khẳng định, không chỉ thành công ở khâu tổ chức, quảng bá thương hiệu, Festival nghề truyền thống Huế là dịp để các nghệ nhân thể hiện tài năng, trí tuệ và tinh hoa của nghề, tạo sản phẩm độc đáo. Nhiều sản phẩm du lịch ra đời qua các kỳ lễ hội và thu hút khách.
Hiệu ứng mà các kỳ Festival nghề truyền thống Huế mang lại không chỉ dừng ở việc gìn giữ, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống và tôn vinh nghệ nhân mà lớn hơn đó là đưa sản phẩm làng nghề Huế đến với bạn bè quốc tế.
Sau các kỳ Festival nghề truyền thống Huế có một số sản phẩm, ví như dệt zèng A Lưới được giới thiệu trên sân khấu thời trang tại Nhật Bản; diều Huế có mặt tại Festival diều ở Pháp và mới đây, 3 ngành nghề gồm điêu khắc gỗ, pháp lam và phục dựng trang phục áo dài của Huế đã tham gia triển lãm tại thành phố Cheongju (Hàn Quốc)./.