Hoạt động của ngành

Gia Lai: Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Cập nhật: 27/11/2024 10:42:21
Số lần đọc: 116
Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.


Nơi gặp gỡ bản sắc nghề truyền thống

Ở tuổi 40, chị Luăn (thị trấn Đak Đoa) có trên 20 năm thành thạo nghề dệt và hơn 6 năm kinh doanh các mặt hàng thời trang từ thổ cẩm truyền thống. Tại cuộc thi nghề đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch diễn ra mới đây, chị Luăn xuất sắc giành giải nhất.

Cuộc thi do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm tôn vinh tài năng và sự cống hiến của các nghệ nhân trong việc thực hành và trao truyền tinh hoa nghề truyền thống, tìm kiếm sản phẩm lưu niệm đặc sắc phục vụ du lịch.

Cuộc thi nghề đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống nhằm tìm kiếm những sản phẩm đặc sắc làm quà tặng du lịch. Ảnh: M.C

Chị Luăn bộc bạch: “Tham gia cuộc thi, mình càng trân quý sản phẩm làm thủ công. Chất liệu thổ cẩm có thể tạo ra nhiều sản phẩm như: váy áo truyền thống, móc chìa khóa, ví, túi xách, khăn trải bàn, khăn địu bé… Mình học hỏi được nhiều kiến thức để tạo ra sản phẩm mới từ nghề truyền thống và giới thiệu trên các trang bán hàng trực tuyến để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm”.

Họa tiết trên thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Minh Châu

Đến từ làng nghề đan gùi nổi tiếng của tỉnh, nghệ nhân trẻ Rinh (làng Nglơm Thung, xã Ia Pết) mang đến cuộc thi một số sản phẩm tinh xảo, độc đáo.

Ngoài chiếc gùi truyền thống còn có bình hoa, vật đựng có nắp cách điệu từ gùi… Anh Rinh xuất sắc giành giải nhất ở nội dung đan lát cách điệu và giải nhì nghề đan truyền thống.

Anh chia sẻ: “Đây là cuộc thi tìm kiếm các sản phẩm đặc sắc từ nghề truyền thống để làm quà lưu niệm du lịch. Các nghệ nhân lớn tuổi có tay nghề rất giỏi nhưng chủ yếu làm ra vật dụng phục vụ sinh hoạt. Còn mình là thế hệ trẻ, vừa biết nghề đan lát, vừa buôn bán các mặt hàng này nên phải nghĩ ra mẫu mã mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm huyện Đak Đoa thu hút 50 nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn. Đây cũng là nơi phô bày trình độ, kỹ thuật tay nghề và bản sắc văn hóa thông qua các sản phẩm.

Trò chuyện cùng tôi, anh Rinh và chị Luăn đều chia sẻ: Mặc dù đạt giải cao nhưng họ luôn tâm niệm việc học hỏi tinh hoa nghề truyền thống từ thế hệ đi trước chưa bao giờ là đủ.

“Sứ giả” du lịch

Quà lưu niệm từ sản phẩm thủ công là mặt hàng được du khách yêu thích khi trải nghiệm loại hình du lịch văn hóa, du lịch nông thôn. Đak Đoa là 1 trong 5 địa phương được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi nhằm tìm kiếm những sản phẩm lưu niệm đặc sắc phục vụ du lịch.

Các nghệ nhân thể hiện tay nghề đan lát. Ảnh: Minh Châu

Các huyện: Kbang, Chư Păh, Mang Yang và TP. Pleiku cũng tổ chức cuộc thi nhằm tìm kiếm những sản phẩm lưu niệm đặc sắc phục vụ du lịch gắn với các sự kiện văn hóa-thể thao của từng địa phương như: Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, Ngày hội Văn hóa-Du lịch TP. Pleiku, Ngày hội Văn hóa-Du lịch huyện Kbang... Qua đó, người dân và du khách có cơ hội tìm hiểu tinh hoa nghề truyền thống qua bàn tay của những “báu vật nhân văn” sống tại cộng đồng.

Mục đích và tiêu chí lựa chọn là nghệ nhân làm ra các sản phẩm truyền thống và cách điệu để có thể làm quà lưu niệm. Ban tổ chức khuyến khích nghệ nhân sử dụng nguyên liệu truyền thống. Sản phẩm đạt giải được ban tổ chức giữ lại để trưng bày phục vụ khách tham quan, trải nghiệm và giới thiệu, quảng bá du lịch.

Các sản phẩm đạt giải được giới thiệu tại các sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Minh Châu

Điều đáng mừng là trong các cuộc thi, bên cạnh lớp nghệ nhân lớn tuổi là sự xuất hiện lớp trẻ kế cận tiềm năng. Là giám khảo của hầu hết cuộc thi tay nghề do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức, chị Y Phương (Bảo tàng tỉnh) đánh giá: “Các sản phẩm vừa có sự kế thừa, vừa có sự đổi mới. Như thổ cẩm có thể làm mũ, nón, túi xách, trang phục, sản phẩm thời trang với mức giá vừa phải, phù hợp với túi tiền người dân và du khách.

Điều này rất có ý nghĩa bởi mục đích cuộc thi là tìm kiếm sản phẩm làm phong phú thêm các mặt hàng lưu niệm của địa phương. Qua đó tạo động lực cho các nghệ nhân tiếp tục duy trì, phát triển nghề truyền thống để vừa quảng bá di sản, lan tỏa hình ảnh điểm đến, vừa kích thích chi tiêu, phát triển kinh tế du lịch, tăng thu nhập cho bà con”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hạnh cho biết: Cuộc thi nghề đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch là một trong những hoạt động nằm trong Kế hoạch số 657/KH-UBND ngày 23/03/2023 của UBND tỉnh về chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Hạnh, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa đã phát triển khá mạnh ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Họ khai thác rất tốt các sản phẩm của làng nghề truyền thống để biến thành sản phẩm lưu niệm phục vụ nhu cầu du khách. Đối với Gia Lai, những sản phẩm này chưa nhiều và còn mới mẻ.

“Gia Lai có sự đa dạng văn hóa các dân tộc thiểu số, nhiều ngành nghề truyền thống lâu đời, đặc sắc. Đa số các địa phương vẫn gìn giữ và phát huy rất tốt nghề truyền thống tại cộng đồng.

Cuộc thi không chỉ tạo sân chơi ý nghĩa trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, mà góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay”-ông Hạnh nhấn mạnh.

Lai Châu

Nguồn: Báo Gia Lai - baogialai.vn - Đăng ngày 27/11/2024

Cùng chuyên mục