Hoạt động của ngành

Di sản văn hóa Non nước Cao Bằng

Cập nhật: 29/11/2024 09:59:33
Số lần đọc: 114
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Cao Bằng đã hình thành, bồi đắp, tạo dựng nên một kho tàng di sản văn hóa (DSVH) phong phú, đa dạng, đó là hồn cốt, đặc trưng của miền non nước mà không phải địa phương nào cũng có được. Nhưng làm thế nào để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của các di sản là vấn đề đang đặt ra cho các cấp, ngành và toàn xã hội.


Tiềm năng lớn cần được khai thác

Cao Bằng - mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa với nhiều dân tộc cùng chung sống. Những nét đặc trưng của văn hóa các dân tộc đã kết đọng trong cộng đồng dân cư, tạo nên những sắc thái riêng biệt và trở thành những DSVH độc đáo. Những năm qua, tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo, ban hành các văn bản về việc bảo tồn, tôn tạo các di tích và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn gắn với xây dựng và phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Công tác tu bổ, tôn tạo di tích được đẩy mạnh bằng nhiều nguồn kinh phí, đạt được những kết quả đáng khích lệ, như: trùng tu, tôn tạo di tích Đền thờ Nùng Trí Cao (Quảng Hòa) với tổng mức đầu tư gần 8 tỷ đồng; Dự án tu bổ, tôn tạo cơ sở vật chất phục vụ tuyên truyền, quảng bá Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 (Thạch An) với tổng mức đầu tư 1 tỷ 797 triệu đồng; Dự án cải tạo, sửa chữa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ 394 triệu đồng...

Bức phù điêu lớn 34 chiến sĩ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình).

DSVH phi vật thể được quan tâm bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị; các lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, nếp sống tốt đẹp của đồng bào đã và đang tích cực được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và bảo vệ. Các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, các loại hình văn hóa dân gian được tổ chức thường xuyên tại các hội thi, hội diễn. Việc tổ chức hoặc phục dựng các lễ hội trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của từng cộng đồng dân cư theo hướng lành mạnh, tiến bộ; xây dựng các tiêu chí văn hóa mới phù hợp với không gian lễ hội và đời sống xã hội hiện đại.

Công tác truyền dạy và phát huy giá trị DSVH phi vật thể được quan tâm triển khai dưới nhiều hình thức, điển hình tại huyện Hà Quảng, nhận thức được vai trò của dân ca các dân tộc, từ năm 2015, huyện thành lập Chi hội Bảo tồn dân ca các dân tộc huyện. Hằng năm, huyện tổ chức các cuộc thi hát dân ca, qua đó, phát hiện những hạt nhân văn nghệ; thành lập các mô hình gìn giữ dân ca; mở các lớp truyền dạy dân ca cho các đối tượng, nhất là các bạn trẻ; gắn bảo tồn với phát triển loại hình du lịch cộng đồng...

Tại xã Mỹ Hưng (Quảng Hòa), những năm qua, xã tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, đưa dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng Đinh Tuyết Mai cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 6 câu lạc bộ dân ca, dân vũ, xã phấn đấu 100% xóm có câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng hoạt động có chất lượng; xây dựng 1 mô hình câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa các dân tộc (Tày, Nùng, Mông…); tổ chức 1 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể hát Then, đàn tính, múa Sluông chầu, thổi khèn, múa dân tộc Mông…

Gìn giữ cho muôn đời sau

Sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, song để biến những di sản, tài sản văn hóa thành sản phẩm của công nghiệp văn hóa, tạo đà bứt phá cho phát triển công nghiệp văn hóa vẫn còn là “bài toán” khó của tỉnh, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa, việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH đang trở thành một thách thức lớn đối với nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Cao Bằng. Một số DSVH phi vật thể đứng trước nguy cơ bị mai một, lãng quên do không gian và môi trường văn hóa thay đổi; quá trình định canh, định cư, thay đổi cây trồng, vật nuôi, vật liệu, kiến trúc nhà ở… dẫn đến số lượng người thực hành di sản ngày một ít. Các tập tục, nghi lễ, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc đang biến đổi, tinh thần cố kết cộng đồng cũng đứng trước nhiều thách thức; cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế tác động lớn đến các loại hình DSVH. Khi nền kinh tế phát triển, hàng hóa phong phú, đa dạng luôn có sẵn trên thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng, điều này làm ảnh hưởng đến sự duy trì các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, nghề đan lát, nghề rèn… Việc giữ gìn, kế tục, sử dụng và truyền dạy các DSVH truyền thống cho thế hệ trẻ của đội ngũ nghệ nhân gặp nhiều khó khăn do tuổi tác ngày càng cao, cách truyền đạt còn nhiều hạn chế, ít thực hành di sản trong thời gian dài. Thế hệ trẻ ít tìm hiểu, kế thừa và không mấy mặn mà các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại.

Tại huyện Trùng Khánh, công tác bảo tồn, lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc luôn được quan tâm, duy trì, thường xuyên hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ hát dân ca tại các xã, thị trấn nhằm gìn giữ, bảo tồn các làn điệu dân ca, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Chu Thị Vinh cho biết: Đến nay, huyện thành lập 69 câu lạc bộ dân ca, 7 đội văn nghệ quần chúng với 163 thành viên, 1 đội dá hai với 24 thành viên. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy DSVH phi vật thể với những bộ môn nghệ thuật truyền thống như làn điệu dân ca dá hai còn nhiều khó khăn trong kinh phí hoạt động, phải cạnh tranh gay gắt với các loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại, thiếu đội ngũ kế thừa tâm huyết là những nguyên nhân đã và đang đẩy nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống lâm vào thế khó.

Những năm qua, tỉnh quan tâm bố trí kinh phí sửa chữa, tôn tạo nhưng so với nhu cầu là quá lớn, trong khi nhiều di tích đã xuống cấp cần được tu bổ kịp thời. Hơn nữa, việc trùng tu đòi hỏi có đội ngũ chuyên gia, các nghệ nhân lành nghề nhưng khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí đầu tư lại hạn hẹp; theo đó, tại các địa phương việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích bằng nguồn xã hội hóa diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên việc quản lý trùng tu, tu bổ tương đối khó khăn vì thiếu đội ngũ cán bộ giám sát, thi công chuyên nghiệp, lành nghề, do đó dẫn tới một số di tích xảy ra hiện tượng công trình chưa đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, nhận thức về DSVH và việc bảo vệ DSVH chưa thực sự sâu sắc trong cộng đồng dân cư; chế độ cho cán bộ, người hoạt động không chuyên trách chưa đảm bảo vì phần lớn các hoạt động tại các di tích chưa đảm bảo tự chi...

Để từng bước bảo tồn, phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau, vấn đề quan trọng lúc này là các đơn vị và mỗi người dân cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH phi vật thể đã được UNESCO vinh danh trong cuộc sống đương đại, nhất là di sản nghi lễ Then của người Tày, để nghi lễ Then trường tồn và lan tỏa, trở thành biểu tượng văn hóa hấp dẫn trong quá trình hội nhập và phát triển. Trọng tâm là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá về các di sản bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tôn vinh, đãi ngộ đối với đội ngũ nghệ nhân; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu toàn diện về các di sản; tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phục dựng các không gian văn hóa, tạo ra môi trường và sức sống của các di sản ở trong và ngoài tỉnh. Do vậy, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và mỗi người dân cần phải có những hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tiễn, nhất là phải có quyết tâm nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trên quê hương.

Phó Chủ tịch UBND xã Bế Văn Đàn (Quảng Hòa) Nông Thị Hoa chia sẻ: Là địa phương có điểm di tích lịch sử Anh hùng Liệt sĩ Bế Văn Đàn, chúng tôi luôn xác định không chỉ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, nơi đón tiếp, tham quan học tập và nghiên cứu về truyền thống lịch sử của đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh mà còn là niềm tự hào của con người và vùng đất nơi đây, nhưng cũng đặt ra những trọng trách lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền, các hội, đoàn thể và nhân dân trong xã quan tâm, ủng hộ, định kỳ tổ chức quét dọn, vệ sinh khu di tích để gìn giữ cảnh quan sạch, đẹp.

Tại các buổi làm việc với UBND huyện Hà Quảng, Hạ Lang trong đợt khảo sát về công tác tổ chức lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại các lễ hội trên địa bàn tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nông Hải Lưu ghi nhận, đánh giá công tác tổ chức, quản lý lễ hội xuân, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử di sản của các huyện có những chuyển biến rõ nét. Đề nghị các huyện tăng cường quản lý và tổ chức, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự. Trước thực tế du khách về các lễ hội ngày càng đông, hạ tầng phục vụ lễ hội tại các di tích còn bất cập, vì vậy các huyện cần quan tâm đầu tư, tu bổ, tôn tạo các hạng mục để đón lượng khách lớn đến tham quan, hành lễ. Đối với khâu quản lý, khai thác di tích cần áp dụng phương thức quản lý mới để tăng tính hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH...

Theo Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nguyên Bình Nông Thị Thủy, với chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ tích cực tham mưu cho huyện tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách tham quan tới các di tích lịch sử, văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dựng công nghệ thông tin và phát huy tính tích cực của hệ thống thông tin đại chúng, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, lan tỏa các giá trị DSVH.

Câu chuyện về bảo tồn, phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh là một trong những nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm, lựa chọn để chất vấn tại phiên họp thường trực tháng 10/2024. Tại phiên họp, nhiều đại biểu thống nhất đưa ra ý kiến: Tỉnh cần ưu tiên ngân sách cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích; xây dựng chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào công tác bảo tồn DSVH; quan tâm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực di tích, di sản; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản, di tích...; phát huy tốt vai trò danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trong thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH đạt hiệu quả ngày càng cao, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An nhấn mạnh: Sở tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy DSVH; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH; tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, chuyên môn làm nhiệm vụ bảo tồn DSVH; tăng cường hội nhập, giao lưu giới thiệu về văn hóa, con người Cao Bằng thông qua các hoạt động chuyên môn về văn hóa, du lịch...

Nông Thị Huế

Nguồn: Báo Cao Bằng - baocaobang.vn - Đăng ngày 28/11/2024

Cùng chuyên mục