Hoạt động của ngành

Thành phố Hồ Chí Minh: Ngành du lịch chộn rộn mở tour mới

Cập nhật: 11/07/2025 09:44:16
Số lần đọc: 33
Sản phẩm đa dạng, có nhiều chất liệu du lịch để kết nối đến các địa phương đã mở ra hàng loạt cơ hội mới cho doanh nghiệp lữ hành cũng như người dân, du khách đến vui chơi, trải nghiệm tại TPHCM.


Không gian rộng mở, nhiều sản phẩm mới

Không giấu niềm vui khi chia sẻ với PV Báo SGGP, ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho hay, vài tuần qua, nhiều đoàn khách bắt đầu quan tâm đến sản phẩm du lịch dài ngày (3-5 ngày) của TPHCM, thay vì tour ngắn ngày như trước. Do vậy, công ty đang rà soát lại các sản phẩm tour cũ; điều chỉnh, xây dựng sản phẩm mới có tính liên vùng.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Vietluxtour, thông tin, đơn vị đang tổ chức các tour “City break - Biển và Thiền” kết nối từ TPHCM đi các làng nghề, tắm biển Vũng Tàu vào dịp cuối tuần, tập trung vào nhóm khách trẻ, các gia đình trung lưu cũng như khách quốc tế muốn trải nghiệm ngắn ngày tại TPHCM.

Trong khi đó, Saigontourist Group đang lên kế hoạch phát triển sản phẩm “Hành trình di sản phương Nam”. Chất liệu của tour có du lịch biển cao cấp tại Vũng Tàu, Hồ Tràm, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo); xây dựng các gói tour liên tuyến từ nội đô đến các điểm du lịch nổi tiếng ở Bình Dương, Vũng Tàu…

Ông Nguyễn Dương Trung Hiếu, Tổng giám đốc Vietourist Holdings, cho biết, đang chuẩn bị mở City tour du lịch kết nối liên vùng khá thú vị: đi tàu cao tốc và về bằng máy bay nhằm đưa đón khách từ nội đô thành phố đến đặc khu Côn Đảo.

Du khách tham quan đặc khu Côn Đảo, TPHCM. Ảnh: Gia Hân

Nhìn chung, nhận xét từ các công ty du lịch cho thấy “bản đồ du lịch” đã thay đổi căn bản. Trước đây, du khách chỉ xem TPHCM là nơi trung chuyển để đến với các địa phương khác, còn nay du khách đến TPHCM để vui chơi vì đã hội tụ đầy đủ điều kiện cần và đủ.

Siêu đô thị TPHCM đang tập trung nguồn lực rất lớn, với trung tâm đón khách trong và ngoài nước, các hoạt động trải nghiệm sông nước nội đô, city tour; các làng nghề truyền thống như làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng mây tre đan Tân Uyên… Biển Vũng Tàu là một địa điểm du lịch rất nổi tiếng, chỉ cách trung tâm khoảng 100km. Càng thú vị hơn khi TPHCM có đầy đủ khu đô thị, rừng, biển, đảo, di tích địa đạo nổi tiếng như Củ Chi, Cần Giờ, Côn Đảo…

Định vị thương hiệu du lịch TPHCM

Ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch HĐTV Saigontourist Group, nhận xét, việc kết nối hạ tầng đô thị ngày càng hoàn thiện sẽ giúp việc di chuyển của người dân, du khách quốc tế đến tham quan TPHCM thuận tiện hơn trước. Điển hình, thành phố có lợi thế vượt trội về hạ tầng giao thông, dịch vụ như sân bay quốc tế Long Thành khi đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian từ ga quốc tế đến trung tâm đô thị và các vùng biển nghỉ dưỡng chỉ còn 30-45 phút.

Các tuyến cao tốc liên vùng như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Chơn Thành kết nối hiệu quả các không gian đô thị, công nghiệp và ven biển, tạo thành trục hành lang phát triển du lịch theo cung đường chuyên đề. Hệ thống cảng biển, logistics, giao thông thủy nội địa và các tuyến sông lớn như sông Sài Gòn, Nhà Bè cũng mở ra dư địa phát triển du lịch đường sông.

Bên cạnh đó, với khoảng 93.000 phòng lưu trú, từ khách sạn cao cấp đến homestay, resort sinh thái, cùng hệ thống trung tâm mua sắm, bệnh viện quốc tế, sân golf, khu giải trí… giúp TPHCM hoàn toàn có khả năng đón tiếp song song khách nội địa quy mô lớn và khách quốc tế cao cấp.

Nhằm hoàn thiện bức tranh của ngành du lịch, chuyên gia Phan Yến Ly nhấn mạnh, để ngành du lịch phát triển xứng tầm với vị thế, chính quyền nên sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông như đường cao tốc, tuyến metro kết nối đến Bình Dương, Vũng Tàu… nhằm tránh tình trạng kẹt xe ùn ứ, di chuyển từ nội đô TPHCM đến Vũng Tàu vào cao điểm mất 4-5 giờ, thậm chí 8 giờ như hiện nay.

Ngoài ra, vé máy bay di chuyển từ trung tâm Sài Gòn đến đặc khu Côn Đảo khá cao, khoảng 4 triệu đồng/vé khứ hồi/người, riêng dịp cao điểm lễ, tết có thể lên mức 5-6 triệu đồng/người. Vì vậy, nên có chính sách kích cầu du lịch như giảm giá vé máy bay, tiền phòng khách sạn… để hỗ trợ người dân, du khách.

Khách vui chơi tại Khu du lịch Văn Thánh, TPHCM. Ảnh: Gia Hân

Từ góc độ quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Lê Trương Hiền Hòa thông tin, ngành du lịch thành phố đang hoàn thiện các nhóm sản phẩm đặc trưng, tổ chức theo trục trải nghiệm liên kết. Nổi bật là hành trình “Từ phố theo sông ra biển” - kết nối các không gian đô thị trung tâm, vùng sinh thái ven sông và vùng nghỉ dưỡng biển trong một tuyến liên tục; chuỗi “Văn hóa biển” - tái định vị các điểm đến ven biển gắn với tín ngưỡng, di sản và sinh thái. Các sản phẩm chuyên đề như ẩm thực, du lịch đêm, làng nghề đang từng bước được đầu tư mạnh hơn.

“TPHCM có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn để thu hút khách trong và ngoài nước. Các sản phẩm thế mạnh bao gồm du lịch MICE, du lịch sông nước, nội đô, văn hóa - ẩm thực, du lịch biển đảo, làng nghề, du lịch golf… Ngành du lịch thành phố luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp chung tay xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm, làm nổi bật thế mạnh vốn có của từng địa phương và điều này sẽ góp phần thu hút khách lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều hơn”, ông Lê Trương Hiền Hòa nhận định.

Thi Hồng

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng - sggp.org.vn - Đăng ngày 11/7/2025

Cùng chuyên mục