Hoạt động của ngành

Phát triển sản phẩm du lịch bản sắc Kinh Bắc

Cập nhật: 11/07/2025 09:39:49
Số lần đọc: 31
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, di sản văn hóa trở thành nguồn lực có sức ảnh hưởng quan trọng để nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia. Quê hương Bắc Ninh với nền văn hóa đậm đà bản sắc là nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển các sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo, tạo sự khác biệt và giúp du khách có thêm trải nghiệm.


Bắc Ninh đã và đang nỗ lực chuyển hóa văn hóa thành sức mạnh thông qua các hình thức như: Mở rộng giao lưu, trao đổi văn hóa với các quốc gia trên thế giới; đầu tư phục dựng các không gian văn hóa thu hút khách du lịch tham quan, thưởng thức, trải nghiệm di sản; khuyến khích sáng tạo các mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm, tranh ảnh, sản phẩm âm nhạc thể hiện được nét đẹp đặc trưng của văn hóa Bắc Ninh...

Du khách tham quan di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích.

MV Bắc Bling phát hành đầu tháng 3/2025 là một ví dụ điển hình cho việc kết hợp thành công giữa văn hóa nghệ thuật với truyền thông và du lịch. Các hình ảnh đậm chất Kinh Bắc trong MV được thể hiện hiện đại, giàu cảm xúc, giúp giới thiệu, quảng bá nét đẹp của Bắc Ninh - Kinh Bắc, khơi dậy mong muốn khám phá, trải nghiệm trong khán giả. Tận dụng sức hút của MV, tỉnh Bắc Ninh ngay lập tức chỉ đạo tổ chức tour du lịch miễn phí. Đây là một quyết định nhanh nhạy, cho thấy phản ứng kịp thời của tỉnh và cũng là bước đi chiến lược nhằm nâng cấp trải nghiệm, hiện đại hóa cách quảng bá văn hóa, đưa di sản sống trong nhịp thở đương đại.

Tổng hợp sơ bộ của đơn vị tổ chức, sau 3 tháng triển khai tour du lịch miễn phí "Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh - Sắc màu di sản" đã có gần 12 nghìn lượt khách tham gia trải nghiệm tại các di tích, điểm du lịch của tỉnh. Du khách hào hứng bày tỏ tình yêu, ấn tượng sâu sắc với những giá trị độc đáo của di sản văn hóa Bắc Ninh. Nhiều người mong muốn tỉnh duy trì, mở rộng tour, tuyến kết nối nhiều điểm đến trong tỉnh Bắc Ninh sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Trong cuốn "Ngoại giao văn hóa - Cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và ứng dụng", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thái Việt đã khẳng định: Trước đây, khi đề cập đến sức mạnh quốc gia, người ta vẫn thường nghĩ đến tiềm lực kinh tế, quân sự, nguồn nhân lực, tài nguyên, thổ nhưỡng, vũ khí hạt nhân, dầu lửa... nhưng nay văn hóa lại được quan tâm và nhắc đến rất nhiều ở khắp các diễn đàn từ nghị trường cho đến dư luận cộng đồng xã hội… Văn hóa với tư cách là sức mạnh mềm không có tính độc quyền mà có tính lan tỏa và cộng hưởng.

Chia sẻ với truyền thông, ông Lương Duy Ngân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Newstar Group cho biết: Trên cơ sở các tour du lịch mẫu trong chương trình du lịch miễn phí, doanh nghiệp đang tập trung nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng mang bản sắc Kinh Bắc để thu hút, gia tăng lượng khách từ Hà Nội về Bắc Ninh, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch văn hóa bền vững.

Xác định văn hóa làm nền tảng, công nghiệp văn hóa làm động lực và sự trải nghiệm của du khách làm trung tâm, ngành du lịch Bắc Ninh đang tập trung phát triển sản phẩm đặc thù gồm: Tìm hiểu văn hóa quan họ; du lịch sinh thái; du lịch trải nghiệm làng nghề; du lịch tâm linh qua các ngôi chùa cổ Kinh Bắc như Phật Tích, Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà, Am Vãi, Bút Tháp...; đầu tư cụm dịch vụ chuyên biệt tại các không gian di sản như làng Diềm, làng tranh Đông Hồ, làng cổ Thổ Hà...; phát triển hạ tầng cho các sản phẩm mới như du thuyền sông Cầu; gắn văn hóa với sản phẩm âm nhạc, phim tài liệu, game, xây dựng các sản phẩm truyền thông số, phần mềm du lịch thông minh, bản đồ di tích online...

Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ thu hút đông du khách. Ảnh: Lệ Thanh.

Mặc dù tài nguyên văn hóa dồi dào nhưng đến nay, du lịch Bắc Ninh vẫn chưa thể "cất cánh" xứng tầm với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng, trải nghiệm sâu; dịch vụ lưu trú, mua sắm còn phân tán, manh mún; du khách thường đến và đi trong ngày, chưa có lý do để ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Các chuyên gia gợi mở, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bắc Ninh cần bền bỉ đi xa hơn, phát triển hệ sinh thái du lịch theo hướng lấy văn hóa làm trục xuyên suốt, sáng tạo các sản phẩm độc đáo và kết nối linh hoạt với các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa. Trong đó, chú trọng phát triển dịch vụ du lịch bổ trợ nhằm kích thích nhu cầu chi tiêu của khách; thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá về di sản văn hóa và các điểm đến du lịch của tỉnh trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội, thông qua hội chợ du lịch, các đoàn famtrip trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương, đơn vị với các doanh nghiệp trong phát triển du lịch.

Bài, ảnh: Thanh Lâm

Nguồn: Báo Bắc Ninh - baobacninhtv.vn - Đăng ngày 10/07/2025

Cùng chuyên mục