Hoạt động của ngành

Ninh Bình tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch sau sáp nhập

Cập nhật: 11/07/2025 10:34:42
Số lần đọc: 49
(TITC) - Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (09/7/1960 - 09/7/2025), Ninh Bình tổ chức chuỗi hoạt động sôi nổi, thiết thực nhằm tri ân những người làm du lịch, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch trong bối cảnh mới sau sáp nhập. Đây là dịp để tôn vinh giá trị truyền thống, khơi dậy khát vọng phát triển, tăng cường liên kết vùng và từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành cực tăng trưởng mới của du lịch đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.


Ba miền hội tụ - một điểm bứt phá

Sau sáp nhập địa giới hành chính, không gian du lịch mới của tỉnh Ninh Bình được mở rộng với sự hội tụ của ba địa phương giàu tiềm năng du lịch: Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định - mỗi nơi mang trong mình những thế mạnh riêng biệt, tạo nên một bức tranh du lịch phong phú và đầy triển vọng.

Với vị trí cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, Hà Nam thuận lợi kết nối du khách từ các vùng kinh tế lớn. Tỉnh sở hữu quần thể chùa Tam Chúc - ngôi chùa lớn nhất thế giới, cùng nhiều điểm đến tâm linh, sinh thái nổi bật như Ngũ Động Sơn, hồ Tam Chúc... Di sản văn hóa, làng nghề truyền thống, lễ hội đặc sắc cũng là điểm nhấn hấp dẫn, góp phần đưa Hà Nam được vinh danh là “Điểm du lịch văn hóa hàng đầu Việt Nam” (2019), “Điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu châu Á” (2023), “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” (2023). Năm 2024, Hà Nam đón 4,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 3.657 tỷ đồng - minh chứng rõ rệt cho sức hấp dẫn của điểm đến này.

Nam Định cũng là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch lớn, đặc biệt ở các lĩnh vực du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái và biển. Với hệ thống đền, phủ nổi tiếng như Đền Trần, Phủ Dầy - nơi thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, cùng các bãi biển như Thịnh Long, Quất Lâm mang vẻ đẹp nguyên sơ, Nam Định đang dần định vị vai trò trong bản đồ du lịch vùng duyên hải Bắc Bộ. Năm 2024, Nam Định đón trên 1,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt 560 tỷ đồng.

Ninh Bình sở hữu nhiều lợi thế phát triển du lịch như: nằm ở vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, hành lang kết nối giữa vùng Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng; hệ thống giao thông đồng bộ với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt quan trọng; quỹ tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng về cảnh quan và sinh thái; ẩm thực đa dạng và độc đáo. Bên cạnh đó, Nam Định còn sở hữu di sản văn hóa đặc sắc với gần 5.000 di tích, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 265 di tích cấp quốc gia, 01 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và 33 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng hệ thống lễ hội truyền thống phong phú, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành Du lịch.

Là điểm đến có thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế, Ninh Bình liên tục được các chuyên trang du lịch vinh danh như “Top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới”, “Top 10 điểm du lịch hàng đầu Việt Nam”, và “Điểm đến có ảnh hưởng” (Kotler Award). Vườn quốc gia Cúc Phương cũng được công nhận là Công viên quốc gia hàng đầu châu Á nhiều năm liền (2019 - 2024).

Năm 2024, Ninh Bình đón 8,7 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu đạt hơn 9.100 tỷ đồng, tăng trên 40% so với năm 2023. Cùng với Hà Nam và Nam Định, Ninh Bình sau sáp nhập dự kiến sẽ đón khoảng 20 triệu lượt khách vào năm 2025, với doanh thu ước đạt hơn 15.500 tỷ đồng; đồng thời, đề ra mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu cả nước và khu vực.

Gắn kết vì sự phát triển du lịch bền vững

Từ sự quyết tâm với các giải pháp đồng bộ, những định hướng phát triển du lịch Ninh Bình trong không gian mới sau sáp nhập; đồng thời, để tạo sự gắn kết, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam, Du lịch Ninh Bình đã tổ chức chuỗi các hoạt động thiết thực.

Chương trình Ngày hội của những người làm du lịch thu hút khoảng 200 doanh nghiệp du lịch trên toàn tỉnh tham gia

Chương trình Ngày hội của những người làm du lịch với chủ đề "Gắn kết hôm nay - Bứt phá ngày mai" đã thu hút khoảng 200 doanh nghiệp du lịch trên toàn tỉnh tham gia. Thông qua Ngày hội, ngành Du lịch Ninh Bình một lần nữa thể hiện quyết tâm đoàn kết, đổi mới và phát triển bền vững, đồng thời gửi lời tri ân sâu sắc tới những người làm du lịch  “những cánh chim không mỏi” góp phần lan tỏa vẻ đẹp “Tuyệt sắc miền Cố đô” đến với bạn bè trong nước và thế giới.

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh phát biểu tại Tọa đàm “Định hướng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình trong không gian mới”

Tọa đàm “Định hướng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình trong không gian mới” là diễn đàn tham vấn quan trọng, nơi các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp cùng bàn thảo định hướng phát triển, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế biển - đồng bằng - đồi núi - tâm linh - sinh thái - đô thị. Qua đó, góp phần đưa Ninh Bình trở thành cực tăng trưởng du lịch phía Bắc và cả nước trong thời gian tới.

Đáng chú ý, Chương trình Gala Dinner nhằm tri ân và tôn vinh các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp tiêu biểu, tạo động lực đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ, chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới.

Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chú trọng đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hình ảnh điểm đến xanh - thân thiện - an toàn, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác xúc tiến, quảng bá và quản lý điểm đến. Thông qua các hoạt động chào mừng, ngành Du lịch Ninh Bình thể hiện quyết tâm đổi mới, phát triển bền vững và lan tỏa thông điệp về một miền di sản - sinh thái - thân thiện đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục