Hoạt động của ngành

“Hợp lực - Chọn điểm - Bứt tốc” để Du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á

Cập nhật: 10/07/2025 09:06:58
Số lần đọc: 46
(TITC) - Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025 diễn ra chiều ngày 9/7. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Bộ VHTTDL và kết nối trực tuyến đến 34 sở quản lý du lịch các địa phương trên toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TITC

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Hội nghị diễn ra vào thời điểm hết sức có ý nghĩa, sau khi bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vừa đi vào hoạt động, cũng như sắp xếp lại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 63 tỉnh, thành xuống còn 34 tỉnh, thành. Đồng thời nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập ngành, Bộ trưởng gửi lời chúc mừng và bày tỏ tri ân tới sự đóng góp, tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động đã và đang công tác trong ngành Du lịch Việt Nam, đã góp phần xây dựng và nâng cao vai trò, vị trí của ngành Du lịch như hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến phát triển du lịch và khẳng định du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua, ghi nhận những nỗ lực của các địa phương, đồng thời nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp là làm sao để không đứt gãy trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và phải nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị

Để làm được điều này, Bộ trưởng cho rằng phải có cách tiếp cận mới, tăng cường liên kết, thay vì phát triển trong không gian hẹp phải tạo ra không gian mở, tạo ra các sản phẩm thực sự đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa. Lấy ví dụ khi Bình Định và Gia Lai sáp nhập, phải làm sao để kết nối từ vị mặn của gió biển đến núi rừng Tây Nguyên hay khi Quảng Bình sáp nhập với Quảng Trị thì phải phát huy giá trị di sản thiên nhiên gắn với giá trị của các di tích lịch sử cách mạng, hay như khi Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình sáp nhập thì phải trở thành một trung tâm du lịch tâm linh của vùng…

Bộ trưởng nhấn mạnh, phải làm sao để đưa du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn truyền cảm hứng, chạm đến trái tim của du khách, khơi dậy cảm hứng của du khách để thu hút và giữ chân du khách.

Du lịch là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm

Trong 6 tháng đầu năm 2025, du lịch Việt Nam tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ, xuất sắc hoàn thành gần 50% chỉ tiêu tăng trưởng cả năm. Du lịch được Chính phủ đánh giá là một trong 10 điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm đã đạt 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Khách nội địa đạt 77,5 triệu lượt. Tổng thu du lịch đạt 518 nghìn tỷ đồng.

Trên bình diện quốc tế, kết quả tăng trưởng của du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao. Quý I năm 2025, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2024, cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và xếp thứ 6 trên toàn thế giới. Xét về góc độ phục hồi so với năm 2019 thời điểm trước dịch, Việt Nam cũng có kết quả rất tốt, xếp thứ 2 ở châu Á Thái Bình Dương với mức tăng 34%. Trong bối cảnh du lịch châu Á Thái Bình Dương vẫn đang tìm đường phục hồi thì mức tăng trưởng của Việt Nam thực sự trở thành điểm sáng trong khu vực.

Hội nghị kết nối trực tuyến đến 34 sở quản lý du lịch các địa phương trên toàn quốc. Ảnh: TITC

Trong công tác xây dựng thể chế, chính sách, 6 tháng đầu năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chủ động tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về miễn thị thực cho Ba Lan, Séc, Thụy Sỹ theo chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025. Nghị quyết 44 về miễn thị thực cho 12 quốc gia. Đặc biệt Thủ tướng đã ban hành Công điện 34 về thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số, cho thấy kỳ vọng cao của người đứng đầu Chính phủ về vai trò động lực của du lịch.

Đáng chú ý, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 14, chính thức áp dụng giá bán lẻ điện cho các cơ sở lưu trú du lịch tương đương các cơ sở sản xuất. Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực kiên trì tham mưu đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng toàn ngành trong nhiều năm qua. Qua đó tạo điều kiện cho các cơ sở lưu trú du lịch cắt giảm chi phí, tăng đầu tư cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tiếp tục là điểm sáng với hàng loạt hoạt động sôi nổi, đa dạng. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp tục chủ trì cùng các địa phương, doanh nghiệp tham gia hội chợ du lịch quốc tế Travex tại Malaysia, ITB Berlin tại Đức. Tổ chức giới thiệu du lịch Việt Nam tại 6 nước châu Âu gồm Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Ba Lan, Séc và Đức. Xúc tiến du lịch điện ảnh tại Liên hoan Phim Cannes, Pháp.

Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số và truyền thông trên nền tảng số tiếp tục đạt hiệu quả cao. Website vietnam.travel của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam giới thiệu du lịch ra nước ngoài vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng sôi nổi, kết nối du lịch Việt Nam trong các cơ chế song phương và đa phương.

Công tác quản lý nhà nước được tăng cường nhằm đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã lên kế hoạch kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực du lịch và sẽ triển khai trong thời gian tới tại các địa phương. Hiện nay Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đang triển khai tập huấn công tác điều tra tài nguyên du lịch theo kế hoạch của Bộ, nhằm phục vụ lập quy hoạch, khai thác phát triển điểm đến và sản phẩm du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình. Ảnh: TITC

Ở các địa phương trên cả nước, nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức nhằm quảng bá và thu hút khách, hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch năm 2025. Nổi bật là Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2025 với chủ đề "Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới", mở màn cho chuỗi hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch, nghệ thuật, thể thao ở TP. Huế và các địa phương trên toàn quốc. Quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 tại Hà Nội. Các sự kiện như Hội chợ du lịch quốc tế VITM tại Hà Nội, Ngày hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh... thực sự trở thành ngày hội sôi động dành cho du khách trong và ngoài nước. Với định hướng của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và sự chủ động của các địa phương cùng đồng hành của doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan của du khách trong cao điểm nghỉ Tết Dương lịch và Nguyên đán Ất Tỵ 2025; nghỉ lễ 30/4 và 01/5 và Hè 2025. Nhờ đó, nhiều địa phương trong cả nước đạt tăng trưởng ấn tượng.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: "Kết quả đó là minh chứng cho hướng đi đúng, kịp thời của ngành Du lịch trong cơ cấu lại thị trường khách, định hướng xây dựng sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá hiệu quả cả trên thực địa và trên các nền tảng số cùng hiệu ứng tích cực từ chính sách thị thực mới, trong đó có vai trò của công tác quản lý nhà nước của cơ quan Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các Sở quản lý Nhà nước về Du lịch các địa phương".

Về phương hướng trong thời gian tới, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết ngành du lịch sẽ tập trung vào công tác tham mưu hoàn thiện thể chế theo hướng "kiến tạo phát triển"; nghiên cứu, tham mưu ban hành "chính sách, cơ chế đột phá" về thị thực, xuất nhập cảnh, chính sách thuế, mở rộng kết nối hàng không; tiếp tục định hướng phát triển du lịch đi vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu, xây dựng sản phẩm đặc sắc mang lại những giá trị trải nghiệm thực sự đặc sắc, ấn tượng cho du khách; thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong hoạt động du lịch, tăng cường liên kết du lịch với các ngành liên quan; cơ cấu lại thị trường du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển du lịch; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách; tiếp tục đổi mới cả về nội dung, phương thức quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, các nền tảng số kết nối hệ thống thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách và điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế. định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu.

"Hợp lực - Chọn điểm - Bứt tốc" để cùng nhau phát triển

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TITC

Qua thảo luận của các địa phương, hiệp hội du lịch tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu toàn ngành phải quyết tâm theo phương châm "Hợp lực - Chọn điểm - Bứt tốc" để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á. Bộ trưởng nhấn mạnh, các địa phương sau khi sáp nhập cần tái định vị tài nguyên du lịch trong không gian phát triển rộng lớn hơn. Tái xác định thị trường trọng điểm, tập trung vào 10 thị trường hàng đầu gồm có Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, ASEAN, Ấn Độ, Trung Đông, Nga, EU, trong đó cần xác định “Thị trường là trung tâm, thương hiệu là nền tảng”, từ đó đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá một cách hiệu quả. Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, các địa phương phải xác định lại hệ thống sản phẩm, các sản phẩm phải có chiều sâu, chú trọng phát huy các giá trị di tích, di sản văn hóa để làm tài nguyên phát triển du lịch. Đẩy mạnh triển khai chương trình kích cầu Việt Nam - Đi để yêu mà Bộ VHTTDL đã phát động, chú trọng khai thác cả thị trường quốc tế và nội địa.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu cần tập trung phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, cho ra đời các sản phẩm cụ thể, xác định rõ vai trò của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các địa phương trong phát triển hệ sinh thái, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng sản phẩm công nghệ, tăng cường số hóa dữ liệu, số hóa điểm đến...

Đồng thời, toàn ngành cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý điểm đến, chất lượng dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, văn minh, hiện đại, đẩy mạnh lan tỏa những tấm gương người tốt việc tốt trong bảo vệ môi trường du lịch. Bộ trưởng cũng đề nghị cần thúc đẩy liên kết vùng theo hướng thực chất, phát huy vai trò của mỗi địa phương trong hình thành tuyến du lịch liền mạch với các sản phẩm đặc sắc, riêng có; bên cạnh đó cũng cần tăng cường liên kết du lịch với các ngành, lĩnh vực liên quan như thương mại, y tế, hàng không, đường sắt, nông nghiệp... Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích thống kê du lịch phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách.

 

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 09/7/2025

Cùng chuyên mục