Non nước Việt Nam

Gia Lai: Cộng đồng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Cập nhật: 28/11/2022 08:00:56
Số lần đọc: 803
Di sản văn hóa là tài sản do các thế hệ trước truyền lại cho các thế hệ tiếp nối, tồn tại dưới 2 hình thức: di sản văn hóa (DSVH) vật thể và DSVH phi vật thể. Dù tồn tại dưới hình thức nào thì DSVH cũng được gìn giữ, trao truyền giữa các thế hệ trong cộng đồng và đều thuộc về cộng đồng. Do đó, thái độ ứng xử của cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của DSVH.  


Gia Lai được biết đến là vùng đất còn lưu giữ nhiều loại hình DSVH. Sự đa dạng và phong phú về DSVH được biểu hiện qua nhiều loại hình khác nhau như: kho tàng văn học truyền miệng, nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật cồng chiêng, hệ thống lễ hội, công trình kiến trúc, tổ chức làng xã, ẩm thực truyền thống và cả hệ thống di tích, di vật tồn tại từ xưa đến nay cũng như các tập tục, quan niệm và lối sống sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Tất cả mang dấu ấn đặc trưng về một vùng “văn hóa núi” với lối tư duy hiện thực huyền ảo, mọi thứ đều được con người quy về cái tự nhiên và ẩn chứa trong nó cái hồn (Yàng/thần) mang tính nhân văn sâu sắc. Việc ứnng xử của cộng đồng các dân tộc ở Gia Lai đối với DSVH được biểu hiện dưới nhiều phương diện.

Trước hết, với tư cách là chủ thể di sản, cộng đồng là chủ thể tạo ra các DSVH và trao truyền di sản đó qua các thế hệ. Di sản văn hóa không tồn tại một cách độc lập mà do con người tạo ra. Do đó chỉ khi di sản được thực hành và trao truyền thường xuyên thì mới được bảo vệ và phát huy có hiệu quả. Sự phong phú về thành phần dân tộc dẫn đến sự đa dạng về văn hóa. Gia Lai tồn tại các hệ giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư tại chỗ và văn hóa của cộng đồng cư dân đến định cư. Ở mỗi cộng đồng nhất định, họ có cách gìn giữ, trao truyền và thực hành di sản nhằm tạo ra những đặc trưng riêng. Do đó, khi chủ thể văn hóa nhận thức được vai trò của DSVH đối với sự phát triển kinh tế-xã hội thì cộng đồng sẽ tích cực giữ gìn và phát huy giá trị DSVH. Ngược lại, khi cộng đồng chưa nhận thức đúng đắn về vai trò của DSVH thì ắt sẽ có những biểu hiện tiêu cực xảy ra. Vì vậy, cộng đồng cần được nâng cao nhận thức về DSVH mình đang nắm giữ, họ cần nhận thức rõ vai trò chủ thể, không nên chỉ thụ động cung cấp thông tin cho những nhà nghiên cứu mà cần tham gia thảo luận, xây dựng các biện pháp để bảo vệ và phát huy di sản.

Cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Võ Đình Khoa

Cộng đồng là chủ thể thực hành di sản. Một DSVH muốn tồn tại thì phải được thực hành và phải có người thực hành di sản, tức là phải có môi trường để di sản tồn tại và phát huy. Do đó, người thực hành di sản phải hiểu và nắm rõ giá trị của di sản. Nhiều nhà nghiên cứu có chung nhận định là người thực hành di sản giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Trong điều kiện kinh tế-xã hội phát triển như hiện nay, không phải lúc nào người ta cũng giải quyết một cách hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế-xã hội. Và khi có xung đột xảy ra, người thực hành di sản gặp nhiều khó khăn. Vì thế, để di sản tồn tại và phát huy giá trị một cách hiệu quả, chúng ta cần quan tâm, giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Trong đó, tập trung phát triển du lịch cộng đồng, quan tâm đến đời sống kinh tế-xã hội của người thực hành di sản, bởi đó là yếu tố quyết định duy trì sức sống của di sản.

Cộng đồng thực hành, sáng tạo ra các DSVH, đồng thời cũng hưởng thụ các giá trị văn hóa do mình sáng tạo ra hoặc thông qua giao lưu văn hóa với các cộng đồng khác nên cộng đồng hiểu rất rõ tính chất và đặc thù của di sản mình đang nắm giữ. Do đó, họ sẽ cùng nhau vun đắp, giữ gìn giá trị của di sản và phát huy năng lực của mỗi cá nhân trong cộng đồng, thúc đẩy sự gắn kết của cộng đồng.

Có thể nói, dù ở phương diện nào, cộng đồng đều giữ vai trò rất quan trọng và quyết định sự tồn và các hình thức phát huy giá trị của di sản. Do đó, thái độ ứng xử của cộng đồng dù ít dù nhiều đều có những tác động nhất định đến di sản. Thực tế cho thấy, hoạt động bảo tồn sẽ không đạt kết quả cao nếu không xem cộng đồng gắn liền với di sản cũng như những ứng xử của cộng đồng đối với di sản là đối tượng cần bảo tồn và sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, tổ chức xã hội liên quan.

Xuân Toản

Nguồn: Báo Gia Lai - baogialai.com.vn - Đăng ngày 28/11/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT