Gia Lai: Giữ gìn phát huy những sản phẩm ''sinh ra từ làng''
Sản phẩm từ nghề đan lát truyền thống của người Ba Na là những chiếc túi xách nhỏ phối màu tinh tế, đẹp mắt, hợp thời trang.
Đa dạng sản phẩm thủ công truyền thống
Trong các buôn làng hay trong những sự kiện văn hóa của tỉnh Gia Lai, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nghệ nhân đang cặm cụi đan lát. Không chỉ dừng lại ở những chiếc gùi, nia quen thuộc, mà giờ đây, các nghệ nhân đã làm nên những chiếc túi xách nhỏ xinh xắn, nón tre, vali du lịch thời trang… Sự đổi mới trong tư duy giúp những sản phẩm thủ công “sinh ra từ làng” ngày càng có thêm sức sống, gia tăng giá trị.
Dưới tán cây xanh mát, vợ chồng ông Hmễ và bà Prớp, làng Bok Ayơl, xã Hà Ra, huyện Mang Yang tỉ mỉ chuốt từng nan tre nhỏ xíu. Trước mặt ông Hmễ, là những bó sợi tre mảnh đã được nhuộm màu và 2 chiếc khuôn gỗ để làm túi xách thời trang. Trên giàn, 3 chiếc túi xách có kích thước khoảng 20cm được trưng bày, khẽ đung đưa trong gió với đường nét, kiểu dáng hiện đại, trẻ trung, đẹp mắt. Cũng bởi sự tỉ mỉ, kỳ công, mà mỗi chiếc túi được bán ra với giá thành khá cao, khoảng 800.000 đồng/chiếc nhưng vẫn hấp dẫn được nhiều người tìm mua.
Ông Hmễ chia sẻ: “Những chiếc túi này đều do tôi tự đan. Vợ tôi thì phụ vuốt nan tre và may lót bên trong để có thể đựng được các vật dụng. So với đan gùi truyền thống của đồng bào Ba Na, thì để làm ra một chiếc túi như vậy mất nhiều thời gian hơn, vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, độ chính xác cao hơn. Nhất là những góc cạnh cần phải bo tròn cho thật đều đặn, cân đối. Nếu muốn sống được với nghề đan lát, mình phải làm nhiều sản phẩm mới hơn, phù hợp hơn với thực tế”.
Đặc biệt, hôm nay, những du khách đến với Làng văn hóa du lịch Gia Rai, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, đều ấn tượng khi được trải nghiệm nghề làm gốm truyền thống của đồng bào Gia Rai. Theo lời anh Rơ Châm Hiêng là một người làm nghề gốm giỏi; anh cũng là người trực tiếp hướng dẫn du khách các quy trình tạo ra sản phẩm, cách sử dụng sản phẩm gốm của người Gia Rai, chia sẻ: Nguyên liệu làm gốm của người Gia Rai chủ yếu từ đất sét - loại đất được lấy gần khu vực giọt nước của làng. Đất sét trộn thêm cát mịn cùng một ít nước, dùng thanh tre nạo phần nguyên liệu ở giữa sản phẩm và làm mỏng thân gốm.
Tiếp đó, dùng mảnh vải nhỏ thấm nước chuốt quanh để làm đều bề mặt. Sau khi đem phơi khô sẽ được đem đi nung. Để có màu xám đen trên sản phẩm, người dân thường lấy nước lá rừng quét bên ngoài để bảo vệ sản phẩm được bền chắc hơn. Đồng bào Gia Rai thường chế tác đồ gốm thành nồi tròn; hoặc những chiếc hũ lớn dùng để đựng thóc, gạo, măng le, hạt giống, thức ăn,…
Du khách trải nghiệm làm gốm truyền thống của đồng bào Gia Rai ở xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh
“Mọi người đến đây muốn tìm hiểu nghề gốm của cha ông mình để lại, mình vui vẻ hướng dẫn mọi người từng thao tác cơ bản để làm nên một sản phẩm gốm. Sau đó, du khách trải nghiệm tự tay nhào nặn, tạo hình miếng đất sét trên chiếc bàn xoay thủ công”, anh Hiêng cho hay.
Tiếp “lửa” nghề truyền thống
Theo những người già ở Ia Mơ Nông, từ xa xưa, đồng bào Gia Rai đã có nghề làm gốm. Tuy nhiên, với nhịp sống hiện đại, số người biết làm gốm ngày càng ít đi. Trước đây, sản phẩm làm ra chủ yếu là nồi đất, ché ủ rượu cần hoặc làm vật hiến tế trong các nghi thức tín ngưỡng. Thời gian gần đây, thông qua mô hình "Làng văn hóa du lịch Gia Rai, xã Ia Mơ Nông", địa phương đã mở dịch vụ trải nghiệm nghề làm gốm truyền thống của người Gia Rai dành cho du khách. Các sản phẩm làm ra đa dạng không chỉ phục vụ cho cuộc sống hằng ngày, mà còn làm đồ lưu niệm, để du khách trải nghiệm phục vụ du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh cho biết: Mô hình trải nghiệm nghề gốm truyền thống, đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan và tìm hiểu. Chủ trương của địa phương là tiếp tục duy trì và lan tỏa mô hình nhằm góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống và tạo việc làm thu nhập cho đồng bào Gia Rai.
Mô hình trải nghiệm làm gốm dành cho du khách góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của người Gia Rai
Qua tìm hiểu được biết, thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, năm 2024, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình bảo tồn, tìm hiểu, trải nghiệm văn hoá truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai thông tin thêm: Ngoài mô hình "Làng văn hóa du lịch Gia Rai, xã Ia Mơ Nông" với việc mở dịch vụ trải nghiệm nghề làm gốm truyền thống, Sở cũng đã hỗ trợ 5 nghệ nhân Ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, truyền dạy những người kế cận trong các lớp học đan lát, kỹ thuật đan gùi hoa văn của người Ba Na.
"Kỳ vọng của địa phương là tạo ra đội ngũ nghệ nhân kế cận trong việc bảo tồn và truyền dạy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của người Ba Na, Gia Rai trên địa bàn tỉnh", ông Trần Ngọc Nhung cho hay.
Ngọc Thu