Non nước Việt Nam

Vang danh nghề gốm Lái Thiêu, Bình Dương

Cập nhật: 27/06/2024 12:04:02
Số lần đọc: 668
Bình Dương được thiên nhiên ban tặng cho nguồn khoáng sản đất sét và cao lanh rất phù hợp, thuận lợi cho nghề làm gốm phát triển. Trong những làng gốm ở Bình Dương thì làng gốm Lái Thiêu (TP.Thuận An) đã nổi danh trong và ngoài nước bởi sự mộc mạc, tinh tế và đậm chất Đông Nam Bộ.

Làng gốm Lái Thiêu là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời và nổi tiếng tại tỉnh Bình Dương. Với hàng trăm năm lịch sử sản xuất gốm sứ, Lái Thiêu đã trở thành nơi sản xuất gốm sứ hàng đầu của Việt Nam.  Lái Thiêu được biết đến với những sản phẩm gốm sứ cao cấp, chất lượng, được chế tác thủ công bởi những nghệ nhân tài ba của làng. Những sản phẩm gốm sứ của Lái Thiêu được thiết kế và sản xuất với nhiều họa tiết độc đáo, tô đậm phong cách truyền thống Việt Nam.

Các sản phẩm của làng gốm Lái Thiêu có nhiều điểm khác biệt so với các sản phẩm gốm sứ khác, gốm sứ Lái Thiêu được làm từ đất sét đặc biệt có trong vùng, được lọc và xử lý kỹ càng để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, quá trình trộn đất sét và nước để tạo thành hỗn hợp đúng tỷ lệ cũng rất quan trọng để tạo ra sản phẩm gốm sứ chất lượng cao.

Làng gốm Lái Thiêu là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời và nổi tiếng tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Internet.  

Ngày nay với sự phát triển và nhu cầu sử dụng các vật dụng truyền thống, an toàn với thiên nhiên, thay vì sử dụng đồ dùng bằng nhựa, nhiều sản phẩm của làng gốm Lái Thiêu đã được xuất khẩu sang các quốc gia trên thế giới, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới và hướng tới bảo vệ môi trường, giảm thiểu đồ dùng bằng nhựa.

Theo chiều dài của lịch sử, ở mỗi giai đoạn nghề gốm và sản phẩm gốm đã mang trên mình những dấu ấn lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, sự sáng tạo của đất và người Bình Dương. Trước sự tinh sảo, cùng nét đẹp đậm chất Đông Nam Bộ, sản phẩm gốm của Bình Dương nói chung và làng gốm Lái Thiêu nói riêng đã được những con thuyền vận chuyển đi khắp nơi trong cả nước.

Đôi bàn tay khéo léo của những thợ thủ công lành nghề đã tạo ra những sản phẩm gốm Lái Thiêu đẹp mắt. 

Thông tin từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, gốm Lái Thiêu bắt đầu phát triển vào đầu thế kỷ XX, ngay khi gốm Sài Gòn bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn. Không giống những làng gốm khác, gốm Lái Thiêu đi sâu, tập trung sản xuất gốm gia dụng.

Với mục đích đưa những nét đẹp truyền thống vào đời sống hiện đại, mỗi món đồ gốm đều được trau chuốt, tỉ mỉ bởi những đôi bàn tay khéo léo của các người thợ gửi gắm vào trong gốm. Họa tiết trên gốm được lấy ý tưởng từ cuộc sống thôn quê. Các sản phẩm gốm sứ Lái Thiêu được làm thủ công, dưới đôi bàn tay bởi các nghệ nhân có kinh nghiệm và tâm huyết. Chính vì vậy, các sản phẩm mang đến sự độc đáo, sáng tạo và tinh tế. Ngoài ra, sản phẩm gốm sứ Lái Thiêu còn được thị trường và người tiêu dùng đánh giá rất cao về giá trị nghệ thuật và tính thẩm mỹ.

Gốm Lái Thiêu được trang trí những chi tiết tỉ mỉ, sắc nét. Ảnh: NG.

Trong xu thế hội nhập và mở cửa, nghề gốm sứ ở Bình Dương đang dần lấy lại vị trí quan trọng của mình trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của dân dân Bình Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung. Một làng  nghề truyền thống mang hình ảnh, giá trị và bản sắc rất đặc biệt và độc  để  giới thiệu một cách sinh động về đất nước và con người Việt Nam.

Vừa đẹp lại vừa dễ sử dụng, gốm Lái Thiêu đã nhanh chóng được người dùng ưa thích. Từ khâu tạo tác, lên ý tưởng, gốm Lái Thiêu đã đồng thời kết hợp những nhu cầu tiện ích lẫn hiệu quả thẩm mỹ trong việc sáng tạo nên các dòng gốm dân dã. Sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, phong phú về hình dáng, bố cục, nội dung trang trí gốm Lái Thiếu vừa mang đậm chất hội họa vừa mang tính dân gian đã tạo nên nét đặc thù của dòng gốm thôn quê hào nhoáng này.

Phát triển du lịch làng gốm sứ ở Bình Dương nói chung và làng nghề gốm Lái Thiêu nói riêng chính là một hướng đi đúng và phù hợp  để  quảng bá phát triển du lịch. Loại hình du lịch làng nghề ở Bình Dương ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng của vùng đất Đông Nam Bộ mà chỉ ở nơi đây mới có.

Phương Thúy

Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 27/06/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT