Hoạt động của ngành

Gia Lai: Xã Gào phát triển du lịch cộng đồng

Cập nhật: 20/07/2022 05:43:12
Số lần đọc: 900
Với sự hiện diện của những ngôi làng Jrai lưu giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo, cảnh sắc thiên nhiên hữu tình cùng với truyền thống anh hùng của vùng căn cứ địa trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, xã Gào (TP. Pleiku) đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng.  


Nhiều tiềm năng, lợi thế

Xã Gào nằm ở phía Tây Nam và cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 18 km. Toàn xã có 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Cộng đồng người Jrai ở đây vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống như: cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm… Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Thanh cho biết: “Hiện nay, cả 4 làng đều có đội cồng chiêng, riêng 3 làng A, C, D đã thành lập được đội chiêng “nhí”. Các đội cồng chiêng thường biểu diễn phục vụ mỗi khi có du khách tới tham quan. Bên cạnh đó, bà con vẫn bảo tồn mái nhà rông và giữ nếp nhà sàn cùng nhiều phong tục, tập quán độc đáo”.

Tuổi trẻ xã Gào gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng. Ảnh: Trần Dung

Cùng với bản sắc văn hóa, xã Gào còn sở hữu nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Gần Khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng Khu 9 (làng C) là con suối Ia Púch róc rách ngày đêm đổ ra thác Bàu Cạn cách đó không xa. Không chỉ vậy, đây còn là vùng đất “địa linh” với lưng tựa vào núi Hàm Rồng hùng vĩ, chạy dọc theo bờ Bắc của dòng suối Ia Púch thơ mộng. Theo truyền thuyết, những dòng suối xuất phát từ đỉnh núi Hàm Rồng thì quanh năm không bao giờ cạn nước.

Từng là căn cứ địa cách mạng nên xã Gào còn sở hữu những di tích lịch sử, trong đó có hang đá, cây đa-nơi đã từng chở che cán bộ, chiến sĩ tham gia hoạt động cách mạng. Nhằm phát huy giá trị của nơi này, địa phương đang quy hoạch Khu di tích lịch sử Khu 9 rộng 2,2 ha, trong đó có hang đá, cây đa, hệ thống hầm hào và phục dựng một số địa điểm di tích trong căn cứ. Hoạt động này nhằm tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích, gắn với phát triển tiềm năng du lịch và công tác bảo tồn, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho hay: “Xã Gào có tiềm năng du lịch văn hóa-lịch sử gắn với sinh thái rừng suối tự nhiên. Cùng với căn cứ địa Khu 9 xưa và cụm thắng cảnh núi lửa Hàm Rồng, suối đá Ia Púch huyền thoại, việc quan tâm phát huy những lễ hội truyền thống của người Jrai ở xã Gào sẽ góp phần đưa địa phương trở thành địa chỉ du lịch cộng đồng hấp dẫn. Tiềm năng là vậy, song để xã Gào trở thành địa chỉ du lịch vẫn cần sự quan tâm định hướng, đầu tư của các cấp, các ngành. Muốn khuyến khích người dân làm du lịch cộng đồng thì phải nâng cao nhận thức cho họ từ việc trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa cho tới việc khuyến khích khôi phục nghề dệt thổ cẩm và phục dựng các lễ hội truyền thống”.

Gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch

Theo Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Thanh, những năm gần đây, du lịch cộng đồng đang rất được ưa chuộng, có sức hút đối với du khách. Xác định được điều đó, UBND xã Gào tập trung khai thác lợi thế về di tích lịch sử, phong cảnh thiên nhiên thoáng đãng, xanh mát cũng như sự phong phú, đa dạng về văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc để tạo ra sản phẩm du lịch cộng đồng.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Những năm qua, lượng khách du lịch đến với xã Gào ngày một đông. Cách làm du lịch ở đây đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách với không gian buôn làng sạch sẽ, không rác thải, món ăn ngon, con người thân thiện. Đặc biệt, người Jrai ở đây vẫn giữ được hầu hết nét văn hóa bản sắc của dân tộc mình.

Xã Gào tập trung phát triển các vườn cây ăn quả để phục vụ nhu cầu du lịch canh nông. Ảnh: Trần Dung

Đang miệt mài đan gùi, ông Siu Mlang (77 tuổi, làng C) chia sẻ: “Ngày xưa đan gùi, dệt thổ cẩm… chỉ để dùng trong gia đình. Nhưng bây giờ mình làm những việc này còn vì khách du lịch rất thích và muốn ở lại để tìm hiểu văn hóa của dân tộc mình và mua sản phẩm về làm quà lưu niệm. Đó là niềm vui và tự hào. Mình mong muốn thế hệ trẻ học hỏi và lưu giữ nghề truyền thống của người Jrai để có thể giới thiệu tới tất cả bạn bè gần xa về cái đẹp của dân tộc”.

Cũng như ông Mlang, nhận thấy ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với kinh tế-xã hội là điều kiện tốt để giao lưu văn hóa, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nhiều hộ gia đình ở xã Gào đã chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động như: cải tạo và vệ sinh nhà ở, lưu giữ các nghề thủ công truyền thống, tham gia các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch… “Làng C có trên 95% người dân tộc thiểu số. Thời gian qua, nhiều đoàn du khách đã tới và trải nghiệm cuộc sống tại nhà dân để tìm hiểu về ẩm thực, văn hóa, nếp sống, con người địa phương. Tôi cùng một số gia đình trong làng đã trực tiếp chế biến các món ăn truyền thống để phục vụ du khách. Ngoài ra, âm thanh của cồng chiêng và điệu xoang cũng tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách”-ông Siu Khec-Trưởng thôn C-chia sẻ.

Thời gian qua, Đoàn Thanh niên xã Gào cũng đã tích cực tuyên truyền, định hướng cho đoàn viên, thanh niên chung tay quảng bá, phát triển du lịch bằng những hoạt động cụ thể như: thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, dọn vệ sinh môi trường tạo cảnh quan sạch, đẹp tại khu di tích, đường làng. Bên cạnh đó, Đoàn xã đã cử 2 đoàn viên ưu tú tham gia lớp tập huấn thuyết minh viên du lịch tình nguyện hướng dẫn khách tham quan. Bí thư Đoàn xã Rơ Mah Mang cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm phát triển các đội cồng chiêng trên địa bàn. Với lợi thế trẻ tuổi năng động và là người địa phương nên hơn ai hết, chúng tôi hiểu rất rõ về văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, từ đó giới thiệu đến du khách một cách chi tiết, cuốn hút. Chính điều này đã để lại nhiều ấn tượng cho bạn bè, du khách gần xa khi đặt chân đến vùng đất xã Gào hào sảng, phóng khoáng, nghĩa tình”.

Trao đổi về định hướng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã, ông Trần Ngọc Thanh thông tin: Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chung tay phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa. Ngoài ra, xã tập trung phát triển các vườn cây ăn quả để phục vụ nhu cầu du lịch canh nông; đầu tư xây dựng các công trình phục vụ việc đón khách; khôi phục các nghề thủ công truyền thống để sản xuất hàng lưu niệm; phục dựng các lễ hội truyền thống, đào tạo kỹ năng phục vụ khách cho người dân. “Để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, xã cũng chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức của những người tham gia vào hoạt động du lịch, tạo cơ hội cho họ làm chủ, đồng thời hưởng lợi từ di sản văn hóa”-Chủ tịch UBND xã Gào cho biết thêm.

Trần Dung

Nguồn: Báo Gia Lai - baogialai.com.vn - Đăng ngày 19/7/2022

Cùng chuyên mục