Ðịnh hình bản sắc du lịch Cà Mau: Những điểm nghẽn cần khơi thông
Đến được rồi mới tính...
Thạc sĩ Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch ĐBSCL đã chỉ ra mấu chốt của vấn đề làm du lịch, đúng với bất cứ đâu, nhất là ở Cà Mau: “Anh muốn làm du lịch, cái đầu tiên, quan trọng nhất là người ta phải đến được với anh cái đã. Xong việc này, những chuyện khác mới có thể bàn”. Đường đến xa, khó khăn, nguồn lực đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng và giao thông hạn chế chính là một trong những nguyên nhân kiềm chế sự phát triển du lịch Cà Mau trong thời gian vừa qua".
Trong những ý kiến gặp nhau của nhà quản lý, chuyên gia và người làm du lịch, giao thông chính là trăn trở lớn cần phải giải quyết thông suốt để du lịch Cà Mau mở đường phát triển. Các tuyến giao thông huyết mạch trên đường bộ nối Cà Mau với các tỉnh, thành khác về cơ bản đã có, hoặc sẽ có trong nay mai. Nhưng du lịch cần nhiều hơn thế. Chuyên gia du lịch Phan Đình Huê đã chỉ rất cụ thể rằng: “Khách về Cà Mau đông nhất là khách nội địa từ miền Bắc, miền Trung, trong khi đó Cà Mau không có đường bay trực tiếp. Nếu có đường bay thẳng kết nối được với những sân bay lớn miền Trung, miền Bắc thì chắc chắn sẽ rất khác biệt”.
Theo ông Phan Đình Huê, vẫn còn nhiều ý tưởng khả thi để du khách đến được Cà Mau, nhưng đó là chuyện tương lai. Còn trước mắt, đừng để câu hát “nghe nói Cà Mau xa lắm” làm ám ảnh, chồn chân du khách. Bởi hiện tại, đến Cà Mau giao thông đường bộ vẫn đóng vai trò chính. Do đó, gỡ khó cho giao thông là vấn đề cấp bách mà du lịch Cà Mau cần phải tính toán làm ngay.
Đường Hồ Chí Minh về Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau nhỏ, hẹp, ngập, khi được nâng cấp lại kéo dài, trong khi đây lại là tuyến độc đạo, gây ách tắc trong phát triển du lịch của địa phương thời gian dài. (Ảnh chụp ngày 13/6/2022). Ảnh: Thanh Minh
Đến Cà Mau đã ít lựa chọn, đường về với du lịch Cà Mau còn vất vả hơn. Tuyến đường Hồ Chí Minh về Đất Mũi, tuyến du lịch trọng điểm của địa phương, trong một số thời điểm thi công nâng cấp khiến lưu thông gặp nhiều trở ngại. Dù đây chỉ là vấn đề mang tính thời điểm nhưng không thể cứ để tái diễn mãi. Tuyến giao thông huyết mạch này chưa hoàn thiện, nghĩa là đường về Đất Mũi còn xa. Ông Nguyễn Văn Hôn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ - Xây dựng - Du lịch Hoàng Hôn (chủ điểm du lịch cộng đồng Hoàng Hôn, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển), tâm tư: “Phải làm sao để đường về Đất Mũi thuận tiện, đảm bảo xuyên suốt thì khách mới đến được. Dù có đường thuỷ về Đất Mũi, nhưng khách phải tốn thêm thời gian, tiền bạc, và đâu phải ai cũng thích”.
Ở nhiều điểm du lịch của Cà Mau, du khách muốn đến cũng đắn đo. Anh Phạm Duy Khanh, chủ điểm du lịch cộng đồng Mười Ngọt, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Mình rất cố gắng để thu hút khách, nhưng đường vô đây khó đi quá, người ta cũng nản”. Dù là điểm đến đã khá nổi tiếng, song để đến được điểm du lịch Mười Ngọt, du khách phải kết hợp các loại hình phương tiện đi ô-tô, xuống vỏ lãi, cuốc bộ thêm một chặng.
Thiếu nhiều thứ
Ở Cà Mau, khi nói về các khu, điểm du lịch đã được giới thiệu, quảng bá rộng rãi như Khai Long, đầm Thị Tường, hòn Đá Bạc, U Minh Hạ đều ở trong tình trạng chưa được đầu tư đúng mức. Có những nơi đang trong giai đoạn mời gọi đầu tư và chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược. Riêng 2 điểm: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ, thì đã có đề án phát triển du lịch nhưng chưa được phê duyệt.
Nói về vấn đề này, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH,TT&DL Cà Mau, chỉ rõ: “Không chỉ khó khăn về hạ tầng kết nối du lịch, mà Cà Mau còn khó tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược để làm khu du lịch có đủ tầm vóc, sức hút và khả năng cạnh tranh để khai thác đúng lợi thế, tiềm năng. Đơn cử như đầm Thị Tường, kỳ vọng là rất lớn nhưng mời gọi đầu tư chưa được. Hay như Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, nhà đầu tư rất quan tâm, nhưng vướng cơ chế, chính sách đành thoái lui”.
Hạ tầng du lịch là cái Cà Mau đang thiếu trầm trọng. Ông Hùng cho biết: “Ngay chuyện cơ bản nhất là chỗ lưu trú cho du khách, tính riêng khách sạn đạt chuẩn 3-4 sao ở TP Cà Mau cũng chỉ vài ba điểm. Một số khách sạn lớn do ảnh hưởng dịch bệnh nên đã đóng cửa. Những dịp cao điểm, Cà Mau đành ngậm ngùi để khách rời đi vì không có đủ chỗ lưu trú. Chẳng hạn dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Cà Mau “cháy” phòng, hoạt động hết công suất vẫn không đảm bảo nhu cầu khách”.
Cà Mau vẫn chưa có doanh nghiệp du lịch lữ hành quốc tế mà phải thông qua những đơn vị chuyên nghiệp khác để thực hiện các tour, tuyến du lịch cho du khách, như Vietravel, BenThanh Tourist, Saigontourist…
Nhân lực ở lĩnh vực du lịch Cà Mau cũng là chỗ vướng. Sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, nhân lực du lịch ở địa phương vốn đã ít, đã thiếu lại còn mai một, giảm dần đi. Theo đánh giá của Vietravel Cà Mau, không chỉ lực lượng hướng dẫn viên du lịch, nguồn nhân lực ở các vị trí trực tiếp phục vụ du khách, như lễ tân, bàn, buồng, bếp ở Cà Mau vừa thiếu số lượng, vừa chưa được đào tạo theo quy chuẩn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng phục vụ của du lịch Cà Mau chưa thể cạnh tranh với nơi khác.
Sân bay nội địa Cà Mau chỉ khai thác dòng ATR72, chưa thể tạo động lực lớn để phát triển du lịch, thu hút đầu tư cho địa phương. Ảnh: Thanh Minh
Một cách nói nôm na, theo ông Phan Đình Huê: “Tại Cà Mau, khách du lịch thiếu chỗ để tiêu tiền dù họ rất muốn tiêu tiền”. Là người làm du lịch, nghiên cứu về du lịch, am hiểu du lịch của khu vực ĐBSCL, ông Huê chỉ ra rằng: “Khách du lịch chỉ mua sản phẩm du lịch chớ không mua tài nguyên du lịch. Thiếu sản phẩm du lịch, thiếu các dịch vụ gắn với du lịch thì không thể khiến du khách bỏ tiền ra”.
Hiện nay, các sản phẩm du lịch của Cà Mau chỉ tập trung ở loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, bước đầu thử sức với du lịch nông nghiệp. Trong khi đó, tài nguyên du lịch Cà Mau, như du lịch văn hoá - tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch giải trí - nghỉ dưỡng hầu như bỏ ngỏ. Định hình rõ ràng nhất về sản phẩm du lịch chỉ thể hiện được ở tuyến du lịch Mũi Cà Mau, còn những nơi khác khá mờ nhạt, hoặc mang tính đơn lẻ, chưa tạo được dấu ấn riêng.
Một khía cạnh khác, không thể bỏ qua, đó là tính kết nối, liên kết của du lịch Cà Mau còn khá lỏng lẻo ở tất cả các bình diện. Du lịch Cà Mau không thể “mình riêng một hướng” mà phải đặt trong tính tổng thể, kết nối của du lịch khu vực ĐBSCL, rộng hơn là cả nước và quốc tế. Trong phạm vi nội tại, các thành tố của du lịch Cà Mau cần phải có sự tương hỗ, gắn kết để tạo nên một đời sống du lịch lành mạnh, khoẻ khoắn và có cùng hệ giá trị, mục tiêu để phấn đấu./.
Hải Nguyên - Phúc An