Hoạt động của ngành

Giải pháp và chính sách liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch

Cập nhật: 10/10/2019 07:51:57
Số lần đọc: 932
(TITC) – Sáng ngày 9/10/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch tổ chức Hội thảo “Giải pháp và chính sách liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch”. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương chủ trì hội thảo.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu tại hội thảo

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Tổng cục Thể dục, Thể thao; lãnh đạo các Vụ, đơn vị Tổng cục Du lịch cùng các nhà nghiên cứu, khoa học, doanh nghiệp du lịch, phóng viên báo chí.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ VHTTDL đã giao Tổng cục Du lịch xây dựng Đề án “Liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch”.

Du lịch Việt Nam thời gian qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 2018 đã thu hút được gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng gần gấp 2 lần trong vòng 3 năm. Chín tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế tiếp tục duy trì ở mức trên 10%. Trên thực tế để có sự phát triển này, sản phẩm du lịch hướng tới du khách sử dụng nhiều yếu tố đầu vào của các ngành, lĩnh vực khác như: nông nghiệp, thương mại, công nghiệp, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, y tế, bảo hiểm... để đáp ứng nhu cầu ăn, ở, đi lại, tham quan và các dịch vụ hỗ trợ khác cho khách du lịch.

Toàn cảnh hội thảo

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương, trên thế giới hiện nay, du lịch không chỉ là nghỉ dưỡng, mà còn có các loại hình du lịch mua sắm, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch thể thao, du lịch y tế, du lịch nông nghiệp... Thực tế đã có những doanh nghiệp, cơ sở cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mang tính chuyên đề này và dựa vào chính các giá trị, sản phẩm của các ngành, các lĩnh vực khác để hình thành sản phẩm du lịch. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã đề ra các chiến lược, kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch, thông qua tăng trưởng du lịch kéo theo sự tăng trưởng của nhiều ngành và lĩnh vực. Việc phát huy và gắn kết các giá trị của các ngành khác để hình thành các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường cần đến sự phối hợp của ngành Du lịch với các ngành có liên quan và có những giải pháp và chính sách thiết thực. 

Theo TS. Đỗ Cẩm Thơ – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Tổng cục Du lịch), với bản chất là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao, sản phẩm du lịch được hình thành dựa vào nhiều yếu tố tổng hợp, trong đó phần lớn từ sản phẩm, dịch vụ của ngành, lĩnh vực khác nhau như cung ứng thực phẩm, cung ứng điện nước, hạ tầng… Bên cạnh những yếu tố tự nhiên, trong quá trình phát triển du lịch hiện đại và sáng tạo, nhiều yếu tố nhân tạo có thể trở thành điểm hấp dẫn du lịch. Du lịch thưởng ngoạn và tìm hiểu khám phá không chỉ là mục đích duy nhất hiện nay mà còn có du lịch chữa bệnh, làm đẹp, giáo dục…

TS. Đỗ Cẩm Thơ – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Tổng cục Du lịch) trình bày đề dẫn

Như vậy nhiều yếu tố của các ngành, lĩnh vực tham gia trong chuỗi cung ứng của sản phẩm du lịch và tham gia vào các khâu đầu vào để hình thành sản phẩm du lịch. Các yếu tố đầu vào của các ngành vừa có thể là điểm hấp dẫn lõi về du lịch, tức là cung cấp nhu cầu trải nghiệm du lịch, vừa có thể là sản phẩm tiêu dùng đảm bảo nhu cầu tối thiểu trong quá trình thực hiện du lịch.

Đề án “Liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch” được thực hiện nhằm làm rõ được vai trò và những lĩnh vực ngành nghề là sản phẩm đầu vào hình thành sản phẩm du lịch và thực tiễn liên kết hiện nay để từ đó đề xuất các giải pháp liên ngành liên kết các yếu tố này trong chuỗi giá trị hình thành sản phẩm du lịch, một mặt giúp đa dạng hóa và hiệu quả hóa sản phẩm du lịch, mặt khác thực hiện đúng vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò thúc đẩy, tạo động lực phát triển các ngành kinh tế khác như quan điểm của Nghị quyết 08 đặt ra.

Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục, Thể thao trình bày tham luận tại hội thảo

Các yếu tố đầu vào của các ngành, lĩnh vực tham gia chính vào trong 3 hình thức, gồm: Tham gia vào các khâu phục vụ nhu cầu thiết yếu như ăn uống, vận chuyển, lưu trú, mua sắm; Tham gia vào các khâu phục vụ một hợp phần của nhu cầu tìm hiểu, tham quan, khám phá với các hoạt động trải nghiệm; Tham gia vào phục vụ nhu cầu chính về tìm hiểu, tham quan, khám phá.

Trong thời gian tới, cần tập trung vào tăng cường quản lý chất lượng các yếu tố của ngành, lĩnh vực phục vụ nhu cầu thiết yếu du lịch. Bên cạnh đó đẩy mạnh cải thiện và liên kết các yếu tố hình thành trải nghiệm du lịch, đồng thời tăng cường các sản phẩm sáng tạo từ các yếu tố của ngành, lĩnh vực tham gia trong phần chính của sản phẩm du lịch.

Tại hội thảo, nhiều tham luận đã được giới thiệu với các đại biểu như: Mối quan hệ cộng sinh giữa thể thao và du lịch; Thực trạng, đề xuất giải pháp, chính sách các ngành lĩnh vực công thương liên quan đến hình thành sản phẩm du lịch; Vai trò của ngành giao thông vận tải và thực trạng các yếu tố tham gia hình thành sản phẩm du lịch; Sự tham gia của ngành nông nghiệp và các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp khi tham gia chuỗi giá trị du lịch; Các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tham gia hình thành sản phẩm du lịch; Sự phát triển của du lịch y tế ở Việt Nam – Sản phẩm du lịch nha khoa.

Đánh giá cao tầm quan trọng của việc kết nối ngành Du lịch với các ngành khác, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết việc kết nối sẽ tạo ra những sản phẩm vừa giúp thúc đẩy phát triển du lịch, vừa thúc đẩy các ngành khác. Do mối liên kết giữa du lịch và các ngành khác còn chưa thực sự chặt chẽ nên Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL xây dựng Đề án “Liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch”, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Những giải pháp của Đề án cần có tính khả thi, phân trách nhiệm cho từng ngành và đồng bộ với các giải pháp tại các Đề án khác. Đề án cũng cần nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, lồng ghép với các chiến lược về thể thao, y tế, giáo dục… và những chính sách cụ thể; vai trò phối hợp công – tư với chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch, đồng thời đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với khách hàng.

Tin, ảnh: Thu Thủy

 

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục