Hoạt động của ngành

Giao lưu văn hoá, du lịch Việt Nam - Cát Lâm (Trung Quốc) góp phần tăng lượng khách trao đổi giữa hai bên

Cập nhật: 19/11/2024 16:27:44
Số lần đọc: 41
(TITC) - Chiều ngày 18/11, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu tham dự chương trình giao lưu văn hoá, du lịch Việt Nam - Cát Lâm (Trung Quốc). Đây là sự kiện do Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Du lịch Cát Lâm (Trung Quốc) và các đơn vị liên quan tổ chức với sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp du lịch hai nước.

Toàn cảnh chương trình (Ảnh: TITC)

Phát biểu tại chương trình, ông Trương Đức Sơn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội cho biết, Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị gắn bó lâu đời. Trong đó, Cát Lâm (Trung Quốc) và Việt Nam có vị trí địa lý dù cách xa nhau nhưng cầu nối văn hóa luôn gắn kết chặt chẽ, có nhiều cơ hội học hỏi, phát triển du lịch và văn hóa.

Cát Lâm có tài nguyên thiên nhiên phong phú với nền văn hóa lâu đời, nổi bật là những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, núi non hùng vĩ, làng quê bình yên và những giá trị văn hóa dân gian truyền thống. Mỗi một mùa Cát Lâm đều mang theo một vẻ đẹp, sắc thái riêng biệt. Mùa xuân ngắm hoa, mùa hè tránh nóng, mùa thu ngắm chim, mùa đông trượt tuyết.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại chương trình (Ảnh: TITC)

Ông Trương Đức Sơn nhấn mạnh Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam có những giá trị lịch sử, điểm đến du lịch hấp dẫn, nổi bật với các địa danh lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, quảng trường Ba Đình, chùa Một Cột, phố cổ… Đây đều là những điểm đến được du khách Trung Quốc yêu thích và lựa chọn khi đến Hà Nội.

Ông Trương Đức Sơn hy vọng rằng, chương trình giao lưu sẽ là cầu nối để thúc đẩy hợp tác, chia sẻ, gặp gỡ giữa các doanh nghiệp du lịch, qua đó góp phần vẽ lên những bức tranh mới về phát triển văn hóa, du lịch, mở ra những cơ hội mới về hợp tác giữa hai bên.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội Trương Đức Sơn phát biểu tại chương trình (Ảnh: TITC)

Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Du lịch Cát Lâm Trương Thần Nguyên đã giới thiệu về tiềm năng du lịch Cát Lâm. Theo đó, tỉnh Cát Lâm nằm ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc, diện tích 187.400 km², có 56 dân tộc, dân số khoảng 24 triệu người, là một trong những “kho lúa lớn” và “căn cứ công nghiệp cũ” của Trung Quốc.

Cát Lâm có môi trường sinh thái tuyệt vời, tốc độ phát triển mạnh mẽ và đang trở thành một điểm đến du lịch quốc tế nổi tiếng về du lịch băng tuyết và nghỉ dưỡng mùa hè. Hiện nay, Cát Lâm có 04 hệ thống sản phẩm chính, gồm: nghỉ dưỡng băng tuyết, suối nước nóng và sức khỏe, trải nghiệm du lịch băng tuyết và di tích văn hóa dân gian băng tuyết

Cát Lâm đã tổ chức thành công 07 lần triển lãm ngành công nghiệp băng tuyết đầu tiên của Trung Quốc mang tên “Triển lãm ngành công nghiệp băng tuyết Trung Quốc - Cát Lâm”. Các địa phương trong tỉnh, các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết lớn và các khu du lịch nổi tiếng đều tổ chức các sự kiện lễ hội quan trọng như Lễ hội Băng Tuyết Trường Xuân, Lễ hội Sương Mù Băng Cát Lâm, Lễ hội Tuyết Mịn Cháng Bạch Sơn… Tất cả đã trở thành các lễ hội lớn để người dân và du khách trải nghiệm băng tuyết.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Du lịch Cát Lâm Trương Thần Nguyên phát biểu tại chương trình (Ảnh: TITC)

Những năm gần đây, Cát Lâm đã chú trọng phát triển “mùa hè tại các khu trượt tuyết”, với các hoạt động như leo núi, thể thao mạo hiểm, thể thao ngoài trời, cắm trại dã ngoại, đốt lửa trại, bắn pháo hoa… Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết lớn trong tỉnh đều đã triển khai các hoạt động trượt tuyết ban đêm, cửa hàng văn hóa sáng tạo băng tuyết, thư viện, cửa hàng của các thương hiệu quốc tế đã tạo ra các sản phẩm mới cho giải trí ban đêm, đọc sách và mua sắm. Các gói combo “trượt tuyết + lưu trú”, “trượt tuyết + suối nước nóng”, “trượt tuyết + văn hóa dân gian” đang rất được du khách ưa chuộng.

Ông Trương Thần Nguyên nhấn mạnh, ngành du lịch của tỉnh Cát Lâm và Việt Nam có sự khác biệt lớn về tài nguyên du lịch và văn hóa vùng miền, nên tiềm năng hợp tác rất lớn và không gian hợp tác rất rộng. Trong thời gian tới, ông Nguyên hi vọng hai bên sẽ cùng sử dụng các nền tảng liên quan để quảng bá tài nguyên du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch hai bên mở rộng lĩnh vực hợp tác; thúc đẩy trao đổi trong lĩnh vực du lịch và các ngành dịch vụ liên quan.

Lãnh đạo và các đại biểu dự chương trình xem clip du lịch Việt Nam (Ảnh: TITC)

Đánh giá cao ý nghĩa của chương trình, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, đây không những là cơ hội cho du khách Việt Nam khám phá vẻ đẹp văn hóa và du lịch của tỉnh Cát Lâm, mà còn góp phần hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung 2025.

“Đặc biệt hơn nữa khi đây là lần đầu tiên tỉnh Cát Lâm tổ chức sự kiện xúc tiến du lịch tại Việt Nam. Đây không chỉ là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta khám phá vẻ đẹp, tiềm năng du lịch của Cát Lâm, mà còn là bước khởi đầu quan trọng mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực du lịch giữa tỉnh Cát Lâm và Việt Nam”, Phó Cục trưởng nhấn mạnh.

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có chung biên giới, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và tình hữu nghị do các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân hai nước giao lưu và tìm hiểu văn hóa, du lịch. Trên nền tảng đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã ký kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023 - 2027. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch với 6 địa phương của Trung Quốc gồm: Trùng Khánh, Ma Cao, Giang Tô, Triết Giang, Sơn Đông và Tứ Xuyên.

Ký kết hợp tác du lịch giữa doanh nghiệp hai bên (Ảnh: TITC)

Cát Lâm luôn là điểm đến hấp dẫn đối với những ai yêu thích khám phá các vùng đất mới. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nền văn hóa đặc sắc, nơi đây luôn khiến du khách phải ngỡ ngàng. Cát Lâm không chỉ là một điểm đến nổi bật ở Trung Quốc mà còn là một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá các giá trị văn hóa, thiên nhiên đa dạng của khu vực Đông Bắc Á.

“Với những tiềm năng du lịch đặc biệt của tỉnh Cát Lâm và du lịch Việt Nam, tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể khai thác và phát triển những cơ hội hợp tác sâu rộng trong tương lai. Cát Lâm và Việt Nam đều sở hữu những tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, đó là những yếu tố quan trọng để xây dựng một nền tảng hợp tác vững chắc trong lĩnh vực du lịch. Hôm nay, chúng ta không chỉ chia sẻ về vẻ đẹp, giá trị văn hóa của mỗi vùng đất, mà còn nhìn nhận về những cơ hội hợp tác tiềm năng, nhằm kết nối con người, nền văn hóa và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho du lịch hai bên”, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội Trương Quốc Hùng đại diện các doanh nghiệp du lịch Việt Nam phát biểu tại chương trình (Ảnh: TITC)

Đồng thời, Phó Cục trưởng cũng khẳng định Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành cùng du lịch tỉnh Cát Lâm để xây dựng các chương trình du lịch sáng tạo và hấp dẫn, mang lại giá trị cho du khách hai bên.

Tại chương trình, các doanh nghiệp đã cùng nhau gặp gỡ, chia sẻ về kế hoạch hợp tác, xây dựng các tour tuyến mới, các gói combo giảm giá, ưu đãi cho du khách, các điểm đến mới thu hút du khách, cơ sở hạ tầng du lịch phục vụ du khách… Đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp du lịch hai bên hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch, khẳng định quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng thống nhất tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hợp tác du lịch (Ảnh: TITC)

Trước đó, vào chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã có buổi gặp gỡ, làm việc với đoàn công tác tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc do Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Du lịch Cát Lâm Trương Thần Nguyên làm trưởng đoàn. Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng thống nhất tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hợp tác du lịch, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch gặp gỡ, trao đổi, qua đó góp phần tăng lượng khách trao đổi hai bên.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 18/11/2024

Cùng chuyên mục