Non nước Việt Nam

“Giữ hồn” văn hóa Thái

Cập nhật: 13/01/2022 05:38:56
Số lần đọc: 666
Mặc dù ly hương vào Đắk Nông lập nghiệp đã nhiều năm song đồng bào Thái ở bản Thanh, thuộc tổ dân phố 8, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) vẫn còn giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống. Những người góp công lớn trong việc “giữ hồn” văn hóa Thái phải kể đến vợ chồng trưởng bản Lê Văn Liên.  


Phải giữ nét đẹp truyền thống

Theo ông Lê Văn Liên (SN 1954) một trong những hộ người Thái đầu tiên sinh sống ở bản Thanh, thị trấn Kiến Đức thì năm 1994 do cuộc sống khó khăn, nên vợ chồng ông cùng 4 gia đình khác từ huyện Tân Kỳ (Nghệ An) dắt díu nhau vào đây lập nghiệp. Ngày ấy, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề, không đường, không điện, không nước sạch… Nhưng cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cùng sự cần cù, chịu khó, động viên nhau vượt khó, dần dà cuộc sống của người Thái ở bản Thanh cũng khá lên. Hiện nay, cả bản có tới trên 30 gia đình nhưng không còn hộ nghèo. Nhiều hộ đã làm được nhà khang trang, con cái học hành chăm ngoan.

Khi kinh tế ổn định, người dân ở bản Thanh nghĩ đến chuyện bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Trưởng bản Lê Văn Liên chia sẻ: “Thực tình, do mải mê làm ăn, lo miếng cơm manh áo, chăm lo con cái học hành nên một thời gian dài chúng tôi không nghĩ đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Thậm chí thế hệ con cháu còn không biết tiếng mẹ đẻ. Trước thực trạng đó, tôi cùng với mọi người quyết tâm phải giữ nét đẹp truyền thống, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình”.

Mọi người quây quần gói bánh chưng đen tại nhà trưởng bản Lê Văn Liên

Việc đầu tiên ông Liên làm là khôi phục lại tục cúng tổ tiên sau mỗi vụ mùa của người Thái. Sau mỗi vụ mùa, các hộ dân lại làm lễ  cúng tổ tiên. Lễ vật chủ yếu gồm: bánh chưng đen, cá nướng, chè lam, bánh ít… Sau khi lễ vật đã xong xuôi, nhà có chiêng thì đánh chiêng, có cồng thì gõ cồng mời tổ tiên về chứng giám lòng thành và phù hộ cho vụ mùa sang năm thắng lợi hơn. Sau lễ cúng mọi người cùng uống rượu cần. Các chị, các bà thì hát Luống, ném Pao hay nhảy sạp.

Trên quê hương mới, bà con chủ yếu trồng các loại cây như: tiêu, cà phê, điều…., vì vậy mốc thời gian cũng có thay đổi. Ông Liên cho biết thêm: “Vài năm gần đây, sau mỗi vụ thu hoạch cà phê, tôi lại dặn các con sum vầy để cúng tổ tiên mừng một vụ mùa thành công. Ngày làm lễ tôi còn mời bà con trong bản tới chia vui. Có năm, hàng chục hộ trong bản cũng làm lễ mừng vụ mùa như gia đình tôi”.

Tiếp nối truyền thống

Bà Hà Thị Tân (SN 1957), vợ của trưởng bản Thanh Lê Văn Liên là một trong số ít những người ở bản còn biết làm những món ăn truyền thống hay hát Luống, điệu múa truyền thống của người Thái. Mấy năm trước, khi chồng cùng mọi người trong bản khôi phục văn hóa truyền thống, bà Tân là người nhiệt tình ủng hộ.

Ông Liên chuẩn bị mâm cúng tổ tiên mừng một vụ mùa thắng lợi

Cứ mỗi khi gia đình quây quần làm lễ cúng tổ tiên bà lại chỉ cho cô con dâu, cháu chắt của mình cách làm từng món truyền thống. Trong số đó không thể thiếu các món: bánh chưng đen, xôi ngũ sắc, náp (cá ướp hành đùm vào lá dong rồi hấp), pa pỉnh tộp, pa pỉnh phé (cá ướp hành, mắc khén, hạt dỗi rồi kẹp nướng), moót (lõi chuối rừng nấu với tấm nếp cùng cá hoặc thịt), trà lam (bột nếp trộn mật mía, lạc, gừng)…

Mỗi món ăn là một món cúng tổ tiên, vì vậy người Thái chế biến rất cẩn thận. Chẳng hạn, muốn làm bánh chưng đen, người Thái dùng rơm nếp sạch đã chuẩn bị từ trước đốt lấy tro. Sau đó trộn tro này với gạo nếp đã ngâm trước đó. Theo bà Tân thì nhiều món ăn cần những gia vị riêng mới thành món ăn của người Thái. Có những gia vị Đắk Nông không có phải mua từ ngoài quê vào như: hạt mắc khén hay hạt dỗi, mật mía…

Người bản Thanh men say rượu cần và điệu khắp Luống

Ngoài các món ăn, phụ nữ ở bản Thái còn mặc trang phục truyền thống khi gia đình có việc hệ trọng. Trong cách ăn mặc, các bà, các mẹ chỉ cho con cháu cách vấn khăn hay buộc dây lưng. Phụ nữ có chồng quấn một kiểu; chưa chồng thì quấn khác.

Anh Lê Văn Hữu, con trai đầu trưởng bản Lê Văn Liên tâm sự: “Tôi sinh ra tại Đắk Nông nên chỉ biết về truyền thống dân tộc mình qua bố mẹ. Dù vậy, tôi thấy văn hóa truyền thống của dân tộc mình rất nhân văn, đáng quý nên tôi ủng hộ. Ngoài việc gìn giữ những phong tục tốt đẹp, tôi còn dạy con cái tiếng nói dân tộc mình; khi trong bản có việc đều tham gia nhiệt tình”.

Dẫu có nhiều nỗ lực song bà Hà Thị Tân trăn trở: “Chúng tôi hiện chưa có bộ chiêng nào nên mong muốn có được một bộ chiêng truyền thống. Trong các cuộc vui thiếu tiếng chiêng niềm vui mất đi một nửa”.

Theo bà Phạm Thị Thái Nguyên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Đức thì bà con người Thái ở tổ dân phố 8 những năm gần đây có nhiều nỗ lực trong bảo tồn văn hóa dân tộc tại địa phương. Điều này, làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở khu dân cư. Địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát huy và giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp, bảo đảm thuần phòng mỹ tục.

Bài, ảnh: Hoàng Thanh

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT