Trải nghiệm nghệ thuật cải lương hòa cùng xiếc trong vở ''Thượng Thiên Thánh Mẫu''
Vở diễn kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật cải lương và xiếc.
Vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” được xây dựng trên những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh - vị đệ nhất Thánh mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân Việt Nam. Theo truyền thuyết dân gian, bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, ba lần giáng trần cứu nhân độ thế, truyền dạy nhiều nghề truyền thống và những khúc văn ca cho người dân.
Tác giả Lê Thế Song và Xuân Hồng đã khéo léo chắt lọc những câu chuyện, tình huống từ các lần giáng trần của bà để hai đạo diễn là Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên và Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng dùng những thủ pháp nghệ thuật cải lương, xiếc thể hiện hấp dẫn, hợp lý và giàu tính giải trí trên sân khấu.
Người xem có thể nhập cuộc vào câu chuyện đầy chất huyền sử ngay từ đầu qua dẫn dắt của một nhóm bạn trẻ hiện đại đi xuyên không vào quá khứ, chứng kiến và hòa mình vào luân kiếp duyên nợ trần ai của Thánh Mẫu.
Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, đồng đạo diễn tác phẩm lý giải: “Vở diễn mong muốn hướng đến nhiều đối tượng khán giả, thuyết phục họ bước vào câu chuyện và bị chinh phục giống như những nhân vật dẫn chuyện trẻ này”.
Nghệ sĩ cải lương vừa hát, diễn, vừa thể hiện màn xiếc đu hấp dẫn.
Khán giả được thưởng thức những màn biểu diễn mãn nhãn.
Có thể thấy rõ sự kết hợp ăn ý hơn, nhuần nhuyễn hơn giữa nghệ thuật cải lương và xiếc trong tác phẩm này so với vở diễn lần đầu là “Cây gậy thần”. Khán giả được thưởng thức những điệu lý, câu vọng cổ và lớp diễn ngọt ngào, trữ tình của nghệ thuật cải lương hòa quyện hợp lý với những trò diễn xiếc ly kỳ, hấp dẫn như đu bay, nhào lộn trên xà, lắc vòng trên bóng, tung hứng, ảo thuật…
Ở nhiều cảnh, các diễn viên của Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa đu bay, vừa diễn và ca vọng cổ rất mượt mà, trong khi các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng diễn, thoại và múa uyển chuyển, sinh động.
Đặc biệt, hai đạo diễn đã mạnh dạn tái hiện một số giá thực hành nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt vào tác phẩm với sự tham gia cố vấn của Tiến sĩ Bùi Hữu Dược và Nghệ nhân ưu tú Phạm Hải Hậu.
Bên cạnh đó, Nghệ sĩ nhân dân Tự Long cũng cống hiến những bài hát văn tinh tế, giàu cảm xúc. Sân khấu, âm nhạc và vũ đạo với sự tham gia của Nghệ sĩ ưu tú Doãn Bằng, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Anh Tú, Nghệ sĩ nhân dân Kim Chung góp phần tạo nên sự hấp dẫn, ấn tượng cho tác phẩm.
Vở diễn còn tái hiện một số giá thực hành nghi lễ hầu đồng đặc sắc.
Qua vở diễn “Thượng Thiên Thánh Mẫu”, ngoài những cảm nhận mãn nhãn, thích thú và sâu lắng của nghệ thuật cải lương hòa quyện cùng xiếc, khán giả còn thẩm nhận đầy đủ hơn về hình tượng Thánh Mẫu và sự khởi tạo nên đạo Mẫu Việt Nam.
Đồng thời, tác phẩm cũng góp thêm tiếng nói mang tính xây dựng và góc nhìn tích cực về nghi lễ hầu đồng trong văn hóa người Việt. Tác phẩm được dàn dựng trên sân khấu vuông để có thể đưa đến biểu diễn tại nhiều địa điểm trên cả nước.
Sau hai vở diễn “Cây gậy thần” và “Thượng Thiên Thánh Mẫu”, Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ mong muốn hai đơn vị nghệ thuật tiếp tục kết hợp thực hiện trọn vẹn dự án “Huyền sử Việt” về 4 vị thánh bất tử - “Tứ bất tử”, trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt: Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh, Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, với tham vọng tạo thành thương hiệu nghệ thuật đương đại của Việt Nam.
Yên Nga