Non nước Việt Nam

Lào Cai: Để hương cốm bay xa

Cập nhật: 30/12/2021 05:40:30
Số lần đọc: 1039
Lễ hội cốm của đồng bào Tày, Nùng ở huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã có từ xa xưa. Tuy nhiên, qua nhiều thời kỳ, lễ hội này bị mai một. Hiện nay, chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc đã phục dựng và tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp của lễ hội gắn với bản sắc văn hoá truyền thống.  


Nét đẹp văn hoá cổ truyền

Lễ hội cốm là lễ hội độc đáo gắn với đời sống nông nghiệp của người Tày, Nùng tại hai xã Nghĩa Đô, Việt Tiến của huyện Bảo Yên. Lễ hội thể hiện khát vọng của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đồng bào Tày, Nùng tổ chức hội cốm vào mùa gặt lúa mùa hằng năm. Khi lúa được gặt về, đồng bào tổ chức làm cốm, dâng cúng tổ tiên, làm xôi, bánh để mừng mùa mới. Cốm là tinh hoa của lúa, là vị thơm ngon trong vốn ẩm thực của đồng bào Tày, Nùng, là lễ vật không thể thiếu trong mâm cơm cúng thần linh, tổ tiên vào ngày mùa.

 Lễ hội cốm ở xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên.

Theo nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi (dân tộc Tày, Nghĩa Đô), “phong tục làm cốm là nét văn hóa cổ truyền có từ lâu đời trong những bản Tày, bản Nùng ở các xã Nghĩa Đô và Việt Tiến. Phong tục này cần được bảo tồn và phát huy giá trị vốn có trong cuộc sống hiện nay”.

Để tổ chức hội cốm, đồng bào Tày, Nùng ở Nghĩa Đô, Việt Tiến đã dày công chuẩn bị các nguyên liệu như lúa để làm cốm, vật liệu làm cốm và các công việc cho ngày hội diễn ra. Muốn có được những mẻ cốm ngon, dẻo và thơm, người nông dân Tày, Nùng đã tự chọn cho mình giống lúa nếp chỉ có ở vùng này được lưu giữ và nhân giống từ bao vụ.

Hạt lúa dài, tròn mẩy và đều tăm tắp. Dù nếp cấy dưới ruộng nước hay gieo trên nương rẫy thì khi ngắt lúa về làm cốm, hạt phải còn chút sữa ở đầu hạt, vỏ hơi lam vàng một chút và gạo chưa chín hết. Như thế mới làm được hạt cốm vừa dẻo vừa thơm.

Lúa nếp ngắt về được người dân chế biến luôn, bởi nếu để mấy hôm sau mới làm thì sẽ mất đi nhiều hương thơm và độ dẻo của cốm. Sau khi sàng sảy lấy những hạt chắc, lúa được đưa vào rang, rồi cho vào cối đá giã đều cho bong hết vỏ trấu bên ngoài. Sau đó, cốm lúa được cho vào sàng sảy cho hết cám và vỏ trấu. Lúc này, những hạt cốm xanh tươi bắt đầu lộ dần.

Nhưng để cho cốm dẻo và xanh hơn, người chế biến lại tiếp tục cho cốm vào cối để giã và sàng lọc bỏ cám một lần nữa. Như thế là đã xong một mẻ cốm. Có năm, nếu để lúa nếp hơi già tháng một chút, người Tày, Nùng còn có cách chế biến thứ hai cũng khá công phu. Đó là cho lúa vào nồi luộc chín rồi mới mang đi giã. Theo họ, cách làm này sẽ tạo cho hạt cốm vị thơm và dẻo như cốm rang vậy.

Gắn kết cộng đồng

Vào ngày lễ hội cốm, hòa vào hương thơm lừng lựng của cốm mới là không khí nô nức, tưng bừng của đồng bào Tày, Nùng từ các bản cùng tập trung tại khu đất bằng phẳng, trung tâm xã để cùng nhau tổ chức lễ hội. Sau phần khai mạc là các hoạt động làm cốm, dâng cốm và thi làm cốm.

Các đội sẽ tiến hành các công đoạn làm cốm cổ truyền của người Tày, người Nùng ngay trên sân lễ hội. Các thành viên trong các bản sẽ cùng nhau chọn lúa, rang lúa, giã cốm, sàng, sẩy đúng công thức. Cối giã cốm được thiết kế bằng thân cây gỗ to, dài, đục phần cối ở giữa, chày giã làm từ thân cây gỗ nhỏ, cao chừng 2 m được đặt ở giữa sân khấu để đại biểu, người dân, du khách cùng giã cốm.

Sản phẩm cốm, tinh hoa của lúa trong đời sống nông nghiệp ở Bảo Yên.

Sau khi cốm được làm xong, hạt cốm sẽ được bọc bằng lá dong rừng xanh thành từng gói nhỏ đặt vào mâm. Chính quyền địa phương và đồng bào sẽ tiến hành nghi lễ dâng cốm tại đình làng Già Hạ (Việt Tiến), đền Nghĩa Đô (Nghĩa Đô) với ý nghĩa tạ ơn trời đất, thần linh, Thành hoàng làng đã ban cho con người mùa màng bội thu.

Sau đó, nhiều hoạt động hội diễn ra rất sôi động như chấm điểm cho sản phẩm cốm của các bản, trưng bày sản phẩm cốm. Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như kéo co, bịt mắt bắt vịt, đẩy gậy, bắn nỏ, các tiết mục văn nghệ được đồng bào biểu diễn. Tại lễ hội, ngoài sản phẩm cốm còn có các sản vật địa phương được bày bán như vịt bầu, mật ong, cam, măng hốc, khoai môn, thịt trâu gác bếp, lợn sấy, măng rừng...

Lễ hội cốm ở vùng đất Bảo Yên mang đậm màu sắc cổ truyền và giá trị nhân văn cao đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng. Đây là lễ hội mang tính cộng đồng cao gắn với ước mong bình dị của cư dân nông nghiệp nơi đây là cầu mong được mưa thuận gió hòa, con người được khỏe mạnh, mùa màng được tươi tốt. Đây là dịp để thế hệ trẻ có được những trải nghiệm về công việc làm cốm và ẩm thực truyền thống của bản làng.

Để hương cốm bay xa

Ngày 09/12/2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên đã ban hành Đề án số 05-ĐA/HU về phát triển du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Bảo Yên, giai đoạn 2020 - 2025. Cốm và lễ hội cốm ở xã Việt Tiến, Nghĩa Đô là sản phẩm du lịch địa phương có giá trị để góp phần phát triển du lịch cộng đồng Bảo Yên trong hiện tại và tương lai.

Các món ăn từ cốm làm cho văn hoá ẩm thực Bảo Yên thêm phong phú.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của lễ hội cốm trong đời sống văn hoá gắn với phát triển du lịch cộng đồng, huyện Bảo Yên đã chỉ đạo các địa phương vốn là nơi phát tích của hội cốm triển khai thực hiện các giải pháp, các hoạt động để thực hiện công tác bảo tồn.

Trước mắt, các xã như Nghĩa Đô, Việt Tiến tiến hành phục dựng lễ hội cốm vào dịp mùa lúa tháng 9, tháng 10 dương lịch trong tiết trời mùa thu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào Tày, Nùng trong mỗi bản làng nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của hội cốm trong đời sống cộng đồng. Từ đó, đồng bào phát huy vai trò của mình trong việc tìm lại những tư liệu, những tập quán và những nét sinh hoạt từ lâu đời gắn với việc chế biến cốm.

Tại các bản làng Tày, Nùng của hai xã Việt Tiến, Nghĩa Đô, các nghệ nhân, các bậc cao niên, thầy Then duy trì nghi lễ dâng Pang (dâng cốm) cổ truyền như một nghi lễ linh thiêng, thể hiện sự tri ân công đức của con người đối với thần thánh, tổ tiên.

Ông Cổ Hữu Cường (dân tộc Tày), Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) cho biết: “Lễ hội cốm ở Nghĩa Đô có từ xa xưa, năm 2021 xã đã phục dựng để bảo tồn gắn với lễ hội đền Nghĩa Đô và phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương”.

Công việc bảo tồn nghề làm cốm và lễ hội cốm gắn liền với sự sáng tạo, linh hoạt trong đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào trong các bản làng. Khi chế biến cốm, đồng bào Tày đã sáng tạo khi sử dụng nguyên liệu hạt cốm để làm nên những món ăn độc đáo, đậm đà dư vị như bánh cốm, xôi cốm, cháo cốm vịt...Những món ăn này sẽ góp phần làm cho vốn ẩm thực của các bản làng tại Bảo Yên thêm phong phú.

Công tác giới thiệu, quảng bá lễ hội cốm gắn với phát triển du lịch cộng đồng cũng được các địa phương ở Bảo Yên triển khai thông qua giới thiệu về hình ảnh, video trên facebook, fanpage, phát thanh, truyền hình nhằm thu hút sự khám phá, trải nghiệm của du khách mọi miền mỗi khi đặt chân đến vùng đất Bảo Yên./.

Bài, ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Nguồn: dangcongsan.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT