Non nước Việt Nam

Đồng Tháp: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 29/12/2021 04:45:53
Số lần đọc: 821
Thời gian qua, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn TP Cao Lãnh được chú trọng khai thác, nhất là phát huy thế mạnh các di sản văn hóa kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  


Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố thường xuyên được khảo sát, tổ chức tọa đàm về nghi thức lễ, trang trí các câu liễn đối, hoành phi nhằm giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử của các di tích, nhất là gắn với phát triển sản xuất và kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Di tích lịch sử Mộ và Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường được xếp hạng cấp Quốc gia. Ảnh: D.C

Chẳng hạn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa đối với Di tích lịch sử Mộ và Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường tọa lạc Phường 2, TP Cao Lãnh được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, Ban Tế tự, Ban Quản lý di tích cùng chính quyền trang trọng tổ chức lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường và được đông đảo người dân trong và ngoài địa phương đến cúng viếng, tham quan. Theo tài liệu, ông Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh cùng vợ đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà khoảng đầu đời Gia Long. Ông khai khẩn đất hoang, trồng cây, không bao lâu khá lên nhờ nguồn thu từ vườn quýt. Vườn quýt của ông bà rộng rãi, mát mẻ, thuận tiện cả đường sông lẫn đường bộ nên người dân trong thôn thường họp ở đây để mua bán, lâu dần thành chợ. Thấy ông có tính cương trực, lại thông thuộc kinh sách nên người dân cử ông giữ chức Câu Đương, trông coi việc phân xử những vụ tranh tụng nhỏ trong thôn. Từ đó, người người quen gọi chức vụ và tên tục của ông là Câu Lãnh. Còn khu chợ Vườn Quýt cũng được người dân gọi tên là chợ Ông Câu hay chợ Câu Lãnh, dần dần nói trại thành Cao Lãnh. Công lao thành lập chợ của ông bà cũng được triều đình phong kiến nhà Nguyễn ghi nhận thông qua bản sắc phong của vua Tự Đức năm 1935: “Sắc cho xã Mỹ Trà, tỉnh Sa Đéc, thờ phụng vị thần có công khai lập chợ Câu Lãnh là Đỗ Công Tường”. Đây cũng là bằng chứng lịch sử có giá trị về công lao của ông bà Đỗ Công Tường đối với vùng đất Cao Lãnh ngày nay và địa danh ấy đã tồn tại hơn 200 năm. Ngày 8/7/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đối với Di tích lịch sử Mộ và Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường.

Ông Nguyễn Văn Thành ngụ ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh cho biết: “Nhiều năm trước đây, gia đình tôi thường mang lễ vật do nhà trồng (xoài và thanh long) lên cúng viếng ông, bà Chủ chợ vào ngày giỗ ông, bà. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp nên dịp lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 201 (năm 2021) tại Di tích Quốc gia Mộ và Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường, gia đình tôi chỉ thắp hương, cầu nguyện tại nhà. Gần đây, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt nên gia đình tôi đến và được Ban Tế tự hướng dẫn dâng hương tại đền thờ ông, bà đảm bảo đúng theo quy định phòng, chống dịch Covid-19”. Được biết, Di tích lịch sử Mộ và Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường là một trong những địa điểm diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao của thành phố, dấu ấn là các hoạt động trong Tuần lễ Văn hóa Du lịch Đồng Tháp năm 2019. Hàng năm, Di tích lịch sử Mộ và Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến cúng viếng, tham quan.

Du khách nước ngoài tham quan trải nghiệm du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh (Ảnh: TL)

Song song với việc khai thác giá trị di sản văn hóa, TP Cao Lãnh cũng quan tâm khai thác du lịch sinh thái - ẩm thực; trải nghiệm – nghỉ dưỡng trên địa bàn. Nhất là hình thành các điểm du lịch cộng đồng tại xã Tân Thuận Đông; các điểm tham quan như: Công viên - Quảng trường Văn Miếu, Cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo An An; Cơ sở đinh lăng Mộc Gia Phát, Vườn mận Hòa An, homestay tại Thuận Tân Hội quán (xã Tân Thuận Tây) cùng với các điểm di tích lịch sử - văn hóa từng bước được trùng tu để liên kết triển khai các sản phẩm du lịch, giới thiệu đến du khách trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, điểm tham quan Làng Bích họa Hữu Nghị Việt - Úc dưới chân cầu Cao Lãnh được triển khai do Đại Sứ quán Úc tại Việt Nam phối hợp thực hiện. Đây là mô hình du lịch cộng đồng được khánh thành đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ mang tính chất biểu trưng thu hút truyền thông quảng bá về hai nền văn hóa Việt Nam - Australia mà còn góp phần quảng bá về vùng Đất Sen hồng đến với du khách trong và ngoài nước.

Thời gian tới, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện về phát triển du lịch thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với đề án phát triển du lịch của tỉnh Đồng Tháp. Thành phố tập trung phát triển du lịch ở 3 khu vực: mở rộng không gian văn hóa - lễ hội gắn với tổ chức các hoạt động, sự kiện tại Phường 1, Phường 2 và Phường 4; phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch miệt vườn kết hợp homestay tại xã Tân Thuận Đông và xã Tân Thuận Tây; du lịch trải nghiệm gắn với làng nghề truyền thống tại xã Mỹ Trà và xã Mỹ Tân. Tiếp tục thực hiện tốt công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của các di tích lịch sử, các địa điểm du lịch và làng nghề trên địa bàn; đồng thời kết nối các công ty lữ hành xây dựng tour, tuyến điểm tham quan các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố.

Dũng Chinh

Nguồn: Báo Đồng Tháp

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT