Non nước Việt Nam

Hà Nội: Nét đẹp trong đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật: 20/12/2021 08:35:03
Số lần đọc: 790
Trên địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 108 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số sống đan xen ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã đem lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức cũng như ý thức gương mẫu, tự giác của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện nếp sống văn minh. Đặc biệt, tại các xã miền núi, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số là Gia đình văn hóa đã đạt hơn 93%.


Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao Bằng khen cho các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2018-2020 trong đồng bào các dân tộc thiểu số của Thủ đô.

Tích cực xây dựng gia đình văn hóa

Điểm chung của phong trào xây dựng gia đình văn hóa tại các xã miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số là ngoài những tiêu chuẩn chung, các gia đình còn thực hiện những quy ước của làng. Việc bỏ các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin, thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình là những tiêu chuẩn quan trọng để bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa tại đây.

Là một gia đình văn hóa tiêu biểu, ông Bạch Ngọc Đức (dân tộc Mường, ở thôn Rộc Éo, xã An Phú, huyện Mỹ Đức) chia sẻ, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể ở địa phương đã vận động người dân tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch trong tổ chức lễ cưới, tang văn minh, hạn chế cỗ bàn tập trung đông người. “Không chỉ gương mẫu trong các hoạt động của địa phương, gia đình tôi còn tham gia công tác khuyến học ở dòng họ, xóm, xã. Với những nỗ lực ấy, UBND xã đã công nhận gia đình chúng tôi là Gia đình văn hóa”, ông Đức cho biết.

Là người có uy tín trong thôn bản, ông Ngô Văn Trung (dân tộc Mường, ở thôn 2, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) luôn ý thức trong gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời tích cực thi đua lao động, sản xuất để xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Ông Trung nói: “Gia đình tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động đóng góp vào bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc nói chung, dân tộc Mường nói riêng. Nhờ tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương, gia đình tôi có 9 năm liên tục được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa và Gia đình văn hóa tiêu biểu”.

Thôn Hợp Sơn (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) có 98% người dân tộc Dao. Ông Dương Trung Liên ở thôn Hợp Sơn cho biết, nơi ông sinh sống có nhiều nét bản sắc văn hóa riêng cần được lưu giữ và bảo tồn. “Không chỉ tích cực tham gia các phong trào của địa phương, tôi luôn phối hợp cùng người uy tín, trưởng thôn làm tốt công tác tuyên truyền về bảo tồn văn hóa dân tộc Dao. Chúng tôi còn tổ chức các lớp học chữ Dao tại gia đình, thu hút nhiều thiếu niên đến học, giúp các cháu phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương”.

Đó chỉ là 3 trong số hàng chục tập thể gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2018-2020 trong đồng bào các dân tộc thiểu số của Thủ đô vừa được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen. Đặc biệt, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần đem lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Lan tỏa những nét đẹp văn minh

Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho biết, những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số dù sống ở thành thị hay nông thôn, miền núi cũng đều luôn tích cực hưởng ứng phong trào “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, xây dựng lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Đồng thời khắc phục những mặt còn hạn chế trong giao tiếp, ứng xử với cộng đồng của một bộ phận dân cư. Từ thực tế triển khai ở các địa phương, thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và chọn đơn vị làm điểm để chỉ đạo phong trào, từ đó rút kinh nghiệm rồi nhân rộng.

Tại hội nghị trực tuyến biểu dương hộ gia đình làm kinh tế giỏi và hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số của Thủ đô mới đây, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn ghi nhận, biểu dương phong trào xây dựng gia đình văn hóa, phát triển kinh tế trong đồng bào các dân tộc thiểu số của Thủ đô. “Đồng bào dân tộc thiểu số đã thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh”, đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Đánh giá cao việc thành phố Hà Nội có nhiều chính sách thiết thực chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho rằng, bộ mặt nông thôn miền núi Thủ đô đã có sự phát triển đồng bộ rõ rệt nhờ hiệu quả của các chính sách này. Thời gian tới, thành phố cần phát huy hơn nữa vai trò của các hộ gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình văn hóa tiêu biểu. Còn các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu cần coi kết quả đạt được chỉ là bước đầu để tiếp tục vươn lên, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đình Hiệp

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT